|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bê bối thịt ngựa và thách thức mang bầu: Hai cuộc khủng hoảng khiến Burger King mang tiếng ở châu Âu

21:49 | 10/04/2019
Chia sẻ
Trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng truyền thông ở châu Á vì chế giễu thực khách ăn bánh burger bằng đũa, Burger King từng sa lầy vào hai vụ bê bối khác ở châu Âu.

Burger King vạ lây vì bê bối tráo thịt bò bằng thịt ngựa

Bê bối thịt giả là vụ bán thịt giả tại Âu Châu, khi nhà chức trách phát hiện các loại thực phẩm được quảng cáo có chứa thịt bò nhưng thực chất chứa thịt ngựa. Tỷ lệ thịt ngựa lên đến 100% hàm lượng thịt trong một số trường hợp, và các loại thịt khác như thịt heo. Giới truyền thông đưa vụ việc ra ánh sáng vào ngày 15/1/2013, với thông tin rằng ADN của ngựa xuất hiện trong thịt bò burger đông lạnh mà một số siêu thị Ireland và Anh bày bán.

Báo Guardian dẫn lời người phát ngôn của Burger King cho hay, thịt ngựa cũng xuất hiện trong một số bánh burger của hãng. Những mẫu này có nguồn gốc từ nhà máy Silvercrest ở Ireland. Do đó, Burger King đã ngừng hợp tác với nhà máy và chuyển hoạt động sản xuất sang Đức và Italy.

Bê bối thịt ngựa và thách thức mang bầu: Hai cuộc khủng hoảng khiến Burger King mang tiếng ở châu Âu - Ảnh 1.

Một bánh burger của Burger King chứa 100% thịt ngựa thay vì thịt bò ở Anh. Ảnh: Alamy

"Chúng tôi phát hiện một lượng rất nhỏ DNA của ngựa trong 4 sản phẩm từ nhà máy Silvercrest, song toàn bộ mẫu bánh burger từ các nhà hàng đều có kết quả âm tính (không chứa ADN ngựa), Burger King tuyên bố. Hãng cũng nói thêm rằng nhà máy nhập khẩu thịt bò từ Ba Lan, trong khi hãng yêu cầu họ chỉ dùng thịt bò từ Anh và Ireland. Như vậy, nhà máy đã vi phạm hợp đồng với Burger King.

Diego Beamonte, phó chủ tịch phụ trách chất lượng toàn cầu của Burger King thời đó, khẳng định công ty rất buồn trước kết quả điều tra và xin lỗi khách hàng, những người đã tin tưởng rằng hãng chỉ cung cấp bánh chứa thịt bò 100% với chất lượng cao nhất.

"Nhà cung cấp của chúng tôi đã vi phạm cam kết với chúng tôi, và do đó Burger King đã vi phạm cam kết với khách hàng", ông Beamonte nói.

Thách thức phụ nữ Nga mang bầu với cầu thủ quốc tế

Vòng chung kết giải bóng đá World Cup 2018 diễn ra tại Nga vào mùa hè năm ngoái. Không bỏ lỡ cơ hội gây ấn tượng, chi nhánh Burger King tại Nga tung ra quảng cáo với nội dung những phụ nữ Nga có thai với cầu thủ tham dự World Cup sẽ nhận khoản tiền thưởng 3 triệu ruble (khoảng 47.000 USD) và hưởng đặc quyền ăn miễn phí bánh Whopper của tập đoàn trong suốt phần đời còn lại.

Bê bối thịt ngựa và thách thức mang bầu: Hai cuộc khủng hoảng khiến Burger King mang tiếng ở châu Âu - Ảnh 2.

Một tờ báo địa phương dùng ảnh bánh Whopper và cô gái mang bầu để minh họa cho bài viết về quảng cáo của Burger King nhân dịp World Cup 2018 tại Nga. Ảnh: The Rock

"Nhân rộng gene của các cầu thủ xuất sắc nhất là cách để bảo đảm thành công cho đội tuyển quốc gia Nga trong vài thế hệ tiếp theo. Các cô gái hãy cố gắng. Chúng tôi rất tin tưởng các cô", quảng cáo của Burger King nhấn mạnh.

Ngay sau khi giới truyền thông đưa tin, dư luận lên án quảng cáo của Burger King hạ thấp phụ nữ và phân biệt giới tính. Nhận thấy phản ứng giận dữ của người dân Nga, Burger King đã gỡ quảng cáo và xin lỗi, thừa nhận nội dung quảng cáo có thể xúc phạm nhiều người. 

"Quảng cáo đó không phản ánh giá trị cũng như thương hiệu của chúng tôi, chúng tôi sẽ có các biện pháp để tránh những hành động tương tự tái diễn", thông cáo của Burger King nhấn mạnh.



Nhạc Dương