Thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu
Trích báo cáo công bố ngày 16/7 của Bundesbank cho hay: “Kể từ đầu năm 2024, nỗ lực chống lại lạm phát hầu như chỉ đạt được những thành công nhỏ. Đặc biệt, giá dịch vụ tăng vẫn là vấn đề kinh niên dai dẳng”.
Lạm phát chỉ giảm chậm. Tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), tỷ lệ lạm phát là 2,5% trong tháng 6, so với mức hơn 5% cách đây 1 năm, và hơn 10% cách đây 2 năm. Tuy nhiên, lạm phát khó có thể quay trở lại mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trước mùa Thu năm 2025, nếu không muốn nói là muộn hơn.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương Hà Lan, Klaas Knot cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với báo chí Đức rằng hiện tượng này được giới chuyên môn ví như sự khó khăn mệt nhọc của chặng đường chạy cuối cùng.
Bundesbank, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và các ngân hàng thương mại đồng tình với một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như sau: Thứ nhất là nền kinh tế thích ứng tốt một cách bất ngờ với tình trạng lãi suất tăng. Ngay cả ở Đức -với nền kinh tế phát triển kém nhất trong số các nền kinh tế lớn châu Âu- cũng không hề có suy thoái.
Thứ hai, trong lĩnh vực dịch vụ, lạm phát đang giảm “chậm hơn bình thường” vì có sự gia tăng đáng kể về nhu cầu. Ngoài ra, tiền lương tăng cũng có tác động mạnh đến chi phí của nhà cung cấp dịch vụ.
Thứ ba là năng suất không tăng. Đối với các công ty, điều này có nghĩa là họ không thể cung cấp chất lượng hoặc hiệu suất cao hơn mặc dù lương tăng.
Thứ tư là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã giảm bớt trong năm qua và nhiều giá nguyên liệu thô giảm. Nhưng chính sách hỗ trợ nguồn cung đã hết hạn nên sẽ không còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lạm phát thêm nữa. Thậm chí, lạm phát có thể có xu hướng tăng trở lại do rủi ro địa chính trị.
Thứ năm là có những biến động mới trên các đại dương. Theo chuyên gia thương mại thế giới Vincent Stamer ở Commerzbank, gần đây cứ 12 container thì có 1 container bị kẹt trên biển. Kết quả là giá cước vận tải đã tăng hơn gấp đôi kể từ mùa Xuân. Giá hàng hóa vận chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu tăng đặc biệt mạnh.
Thứ sáu, giá thuê tăng cũng có thể khiến tỷ lệ lạm phát khó giảm hơn nữa. Chi phí nhà ở có thể tăng trong thời gian ngắn “nếu chủ nhà chuyển chi phí tài chính cao hơn sang người thuê nhà, các nhà phát triển bất động sản giảm nguồn cung mới hoặc nhiều hộ gia đình quyết định thuê thay vì mua nhà".
Chủ tịch ngân hàng trung ương Hà Lan Knot cho rằng ECB cần cân nhắc “cẩn thận” việc cắt giảm lãi suất tiếp theo dựa trên bối cảnh hiện nay.