Tencent vượt Facebook, trở thành mạng xã hội giá trị nhất thế giới
Kết thúc ngày giao dịch 28/7, Tencent đẩy Facebook khỏi vị trí doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội có giá trị nhất toàn cầu theo vốn hóa thị trường.
Cổ phiếu Tencent thăng hoa
Giá cổ phiếu "ông lớn" Trung Quốc sở hữu các tựa game trực tuyến cùng ứng dụng gọi thoại WeChat, tăng 4,7% lên 544,50 HKD - đưa mức vốn hóa thị trường của Tencent lên 5,2 nghìn tỉ HKD, tương đương 670 tỉ USD.
Vốn hóa thị trường Facebook – công ty đối thủ Mỹ lớn nhất của hãng - ở mức 657,83 tỉ USD. Để duy trì thứ hạng lớn thứ 7 thế giới, Tencent chỉ cần giữ giá không xuống dưới 533 HKD.
Tin buồn đến với Facebook chỉ sau hơn hai tuần kể từ khi "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba chiếm vị trí công ty có giá trị thứ 6 toàn cầu của hãng. Đến ngày 28/7, vốn hóa thị trường của Alibaba gần chạm mốc 673 tỉ USD.
Tencent có hệ sinh thái rộng lớn, bao quanh các trò chơi trực tuyến, mạng xã hội, thanh toán điện tử, dịch vụ âm nhạc và video, cũng như dịch vụ điện toán đám mây.
Chỉ riêng ứng dụng nhắn tin mạng xã hội tích hợp thanh toán điện tử WeChat đã thu hút hơn 1 tỉ người dùng.
"Bạn khó có thể trải qua một ngày mà không đụng đến một trong các ứng dụng của Tencent", ông Vey-Sern Ling - nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence - từng nói với South China Morning Post trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm.
Một số trò chơi phổ biến của Tencent bao gồm Honor of Kings, Peacekeeper Elite. Ngoài ra, Riot Games, một công ty con của Tencent, còn sở hữu tựa trò chơi đình đám League of Legends. Tencent cũng nắm cổ phần tại các công ty trò chơi nổi tiếng khác như Epic Games (Fortnite), Ubisoft (Assassin's Creed) hay Activision Blizzard (Call of Duty).
Tencent đủ khả năng mở rộng hoạt động ra quốc tế
Theo Bloomberg, Tencent nhận được 52 đề xuất nên mua, 4 đề xuất giữ và không có đề xuất bán nào. Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu công ty đã tăng hơn 40%, dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 651 HKD trong 12 tháng tới theo ông Thomas Chong – chuyên gia phân tích của Jefferies.
Ngân hàng đầu tư nổi tiếng Jefferies Financial Group hiện đặt giá mục tiêu cao nhất cho cổ phiếu Tencent, trong số các nhà phân tích mà Bloomberg theo dõi.
Gọi Tencent là "vua trò chơi di động toàn cầu", chuyên gia Chong cho rằng tập đoàn hoàn toàn có khả năng mở rộng hoạt động ra ngoài Trung Quốc.
"Tencent có vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội mở rộng ở nước ngoài, với nhiều thể loại trò chơi, cùng hơn 480 trò chơi di động mà công ty đang vận hành", ông Chong nhận xét khi tăng giá mục tiêu cổ phiếu Tencent lên mức 592 HKD trong tháng 6.
Nhà sáng lập Tencent – tỉ phú Mã Hóa Đằng - giữ vững ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc và giàu thứ 20 thế giới, với khối tài sản trị giá 52,2 tỉ USD theo Bloomberg. Nhà sáng lập Alibaba – tỉ phú Jack Ma với 50,5 tỉ USD tài sản là người giàu nhì Trung Quốc và thứ 21 thế giới.
Thời kì lụi tàn của "ông lớn" công nghệ Mỹ
Từ lâu doanh nghiệp công nghệ Mỹ luôn là những tên tuổi thống trị các bảng xếp hạng thế giới.
Song, tốc độ đổi mới và phát triển của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trong mọi lĩnh vực từ thanh toán điện tử, công nghệ 5G đến các trò chơi trực tuyến và thương mại điện tử, đang tăng nhanh hơn.
Kenny Wen - chiến lược gia về quản lí tài sản tại Everbright Sun Hung Kai – nhận xét: "Với sự nổi dậy mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc, chúng ta sẽ sớm thấy ngày một nhiều cái tên Trung Quốc lọt vào nhóm 10, hay nhóm 100 doanh nghiệp hàng đầu".
Ông nhận định xu hướng dài hạn này sẽ còn tiếp tục trong tương lai gần. Dù vậy, đại dịch COVID-19 và căng thẳng Mỹ-Trung leo thang có thể khiến tình hình trở nên phức tạp.
Cùng ngày 28/7, nhà sản xuất bán dẫn TSMC Đài Loan cũng vượt mặt Visa, trở thành cổ phiếu lớn thứ 10 thế giới theo vốn hóa thị trường.
Tập đoàn dầu khí quốc doanh Saudi Aramco của Arab Saudi tiếp tục giữ vị trí doanh nghiệp có giá trị nhất thế giới, với vốn hóa thị trường là 1,75 nghìn tỉ USD. Vị trí tiếp theo là Apple với mức vốn hóa 1,61 nghìn tỉ USD.