|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tencent rút chân khỏi thương mại điện tử

10:21 | 05/01/2022
Chia sẻ
Sau khi giảm cổ phần nắm giữ tại sàn JD.com, Tencent có thể bán bớt cổ phần đang nắm giữ tại công ty mẹ Shopee trong thời gian tới.

Tập đoàn thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến của Singapore, Sea có kế hoạch giảm bớt quyền biểu quyết do Tencent Holdings, cổ đông lớn của Trung Quốc nắm giữ, khi công ty hướng tới mục tiêu mở rộng ra thị trường toàn cầu, theo Asia Nikkei.

Kế hoạch cắt giảm cổ phần tại công ty mẹ Shopee

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 4/1, tập đoàn Sea có trụ sở tại Singapore cho biết họ sẽ đề xuất thay đổi cơ cấu nắm giữ cổ phần tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng Hai. Theo đó, quyền biểu quyết của Tencent trong công ty sẽ giảm xuống dưới 10%.

Tính đến tháng 3 năm ngoái, Tencent nắm giữ 23,3% cổ phần tại Sea, theo báo cáo thường niên của tập đoàn. Sea có cổ phiếu hai tầng, bao gồm cổ phiếu loại A và cổ phiếu loại B. Trong đó loại cổ phiếu thứ hai cho phép cổ đông được hưởng ba phiếu bầu trên mỗi cổ phiếu. Hiện tại, cổ phiếu loại B thuộc sở hữu của Tencent và người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Sea, tỷ phú Forrest Li, đại diện cho 52% tổng số quyền biểu quyết.

Bán bớt cổ phần tại công ty mẹ Shopee, Tencent lần lượt rút lui khỏi các sàn TMĐT - Ảnh 1.

CEO Forrest Li dự kiến sẽ tăng số lượng nắm giữ cổ phần tại Sea. (Ảnh: Reuters).

Theo tuyên bố, Tencent sẽ chuyển đổi tất cả cổ phiếu loại B mà công ty sở hữu thành cổ phiếu loại A, để CEO là chủ sở hữu duy nhất của cổ phiếu loại B. Đồng thời, Sea có kế hoạch tăng quyền biểu quyết cho mỗi cổ phiếu loại B lên 15 phiếu, thay vì ba phiếu như hiện nay.

Do đó, CEO sẽ nắm giữ gần 60% quyền kiểm soát trong công ty của mình, chủ yếu là từ cổ phiếu loại B, chiếm 57% quyền biểu quyết trong cơ cấu mới, qua cho phép ông đưa ra quyết định nhanh hơn. Tính đến tháng 3/2021, ông Forrest Li nắm giữ khoảng 38% tổng số quyền biểu quyết trong công ty.

Việc thay đổi cơ cấu cổ phần được đề xuất diễn ra khi Sea tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử Shopee ra ngoài khu vực Đông Nam Á, tận dụng sự chuyển dịch số hóa toàn cầu. Trong những tháng qua, công ty đã ra mắt nền tảng thương mại điện tử của mình ở Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan và Ấn Độ, sau khi thâm nhập vào một số thị trường khu vực Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, việc một công ty công nghệ Trung Quốc là cổ đông nắm quyền kiểm soát lớn dường như đã làm dấy lên một số lo ngại khi căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia khác leo thang.

Tại Ấn Độ, nơi chính phủ cấm các ứng dụng Trung Quốc, một cơ quan kinh doanh địa phương vào tháng 12 đã kêu gọi cấm Shopee tại nước này vì cho rằng thương hiệu thương mại điện tử này do Tencent kiểm soát, theo các báo cáo địa phương.

Giải thích về những thay đổi này, Sea cho biết: "Vì tập đoàn đã mở rộng quy mô đáng kể để trở thành công ty internet tiêu dùng hàng đầu toàn cầu, nên lợi ích tốt nhất của công ty là theo đuổi các chiến lược tăng trưởng dài hạn để làm rõ hơn cấu trúc vốn của mình thông qua những thay đổi đã dự tính từ trước".

Tencent lần đầu rót vốn vào Sea từ năm 2010, chỉ một năm sau khi tập đoàn có trụ sở tại Singapore thành lập. Cả hai công ty đều có một lĩnh vực kinh doanh cốt lõi chung: chơi game trực tuyến. Quyền kiểm soát của Tencent đã bị giảm dần trong những năm qua. Theo các báo cáo thường niên trước đây, Tencent có 29,1% quyền biểu quyết vào năm 2019, nhưng con số này đã giảm xuống 25,1% vào năm 2020 và 23,3% vào năm 2021.

Trong khi đó, cấu trúc cổ phiếu hai tầng cho phép những người sáng lập duy trì quyền kiểm soát công ty của họ là một lựa chọn phổ biến cho các doanh nhân hiện nay vì chúng mang lại cho họ khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và có tầm nhìn dài hạn. 

Một ví dụ tiêu biểu có thể kể đến chính là ông lớn trong lĩnh vực gọi xe ở Đông Nam Á, đơn vị vừa chính thức IPO trên Nasdaq trong những tháng cuối năm 2021, Grab. Ông Anthony Tan hiện nắm giữ 60% quyền biểu quyết của công ty. Trong khi đó, Sea cho biết những thay đổi được đề xuất phải nhận được ít nhất 75% số phiếu thuận tại cuộc họp thường niên để được thông qua.

Rút chân khỏi JD.com

Không chỉ Sea nói chung và Shopee nói riêng, Tencent cũng đang cắt giảm đáng kể cổ phần nắm giữ tại JD.com, trang thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc. Động thái được đánh giá là nhằm xoa dịu giới chức Bắc Kinh, khi chính quyền đang yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ phải kiểm soát quyền lực và tầm ảnh hưởng của mình.

Tencent có kế hoạch chuyển nhượng số cổ phần trị giá 16 tỷ USD của mình trong JD.com cho các cổ đông duới dạng cổ tức một lần. 457 triệu cổ phiếu mà Tencent đang có kế hoạch phân phối tương đương với 86,4% số cổ phần đang có của họ tại JD.com hay 14,7% tổng số cổ phiếu hiện hữu của JD.com.

Tencent đang kiểm soát 17% cổ phần tại JD.com. Như vậy, sau phân phối, số cổ phần nắm giữ của Tencent tại trang thương mại điện tử số hai Trung Quốc sẽ giảm xuống cỏn 2,3%. Điều này đồng nghĩa Tencent không còn là cổ đông lớn nhất của sàn này nữa.

Như vậy, trong trường hợp các đề xuất của Sea được thông qua, chỉ trong vài tháng, Tencent đã lần lượt giảm bớt cổ phần nắm giữ trên các trang thương mại điện tử. Sự rút lui đột ngột của Tencent diễn ra trong bối cảnh những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc phải chịu sức ép rất lớn đến từ các cơ quan chức năng. 

Trong một năm qua, Trung Quốc đã tăng cường giám sát ngành công nghiệp công nghệ cao, công bố loạt chính sách chi tiết nhằm giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phạt tiền và yêu cầu các doanh nghiệp phải cải tổ hoạt động kinh doanh.

Quốc Anh