|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bị Shopee và Lazada áp đảo thị phần, cơ hội nào cho các sàn nội địa Tiki, Sendo,... bứt tốc trong năm 2022?

07:22 | 29/12/2021
Chia sẻ
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đủ hấp dẫn và đủ chỗ để cuộc đua song mã giữa các sàn nước ngoài và nội địa cùng bung sức trong tương lai gần.
Shopee hút khách nhờ hàng hoá đa dạng, miễn phí giao hàng, cơ hội nào cho Tiki, Sendo trong năm 2022? - Ảnh 1.

(Ảnh: KrAsia).

Dư địa tăng trưởng của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam

Theo một báo cáo của Google, Temasek, và Bain & Company, Việt Nam là một trong những nền kinh tế internet hấp dẫn nhất Đông Nam Á. 

Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 175% mỗi năm cho tới năm 2025 để vươn lên vị trí số 2 trong khu vực với tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) 57 triệu USD, chỉ xếp sau Indonesia.

Nền kinh tế internet Việt Nam phần lớn do lĩnh vực thương mại điện tử thúc đẩy. Nếu như trong năm 2020, GMV thương mại điện tử (Gross Merchandise Volume - Tổng khối lượng hàng hoá) chỉ đạt 8 tỷ USD, thì đến năm nay, con số này đã tăng lên tới 13 tỷ USD. 

Lý do đằng sau sự tăng trưởng này là nền kinh tế internet Việt Nam liên tục có thêm người dùng mới. Trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam có thêm hơn 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới. Khái niệm người tiêu dùng kỹ thuật số mới được định nghĩa là những người đã trả tiền cho bất kỳ một dịch vụ trực tuyến nào, theo KrAsia.

Dù vậy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện lại đang bị thống lĩnh bởi hai công ty nước ngoài là Shopee (Sea) và Lazada (Alibaba). Hai công ty này hiện đang dẫn đầu về lưu lượng truy cập web, theo sau đó là Tiki và Sendo, theo báo cáo của iPrice Insights. 

Sàn nội lép vế trước sàn ngoại

Thành công của các sàn thương mại điện tử quốc tế đặt ra câu hỏi rằng các sàn thương mại điện tử nội địa có thể cạnh tranh và nổi bật ở sân chơi thương mại điện tử Việt Nam.

"Các "tay chơi" như Shopee và Lazada có thể áp dụng các chiến lược trong khu vực và toàn cầu tại Việt Nam và bắt đầu thu hút được sự chú ý. Họ áp dụng các chiến lược tốt nhất trong việc thu mua sản phẩm, hợp tác thương hiệu, logistics, thu hút nhà bán hàng, bán hàng và marketing, dịch vụ khách hàng…", Roshan Raj Behera, đối tác tại công ty tư vấn và nghiên cứu RedSeer, nói với KrAsia.

Khoảng 51% người Việt Nam nói rằng Shopee là sàn thương mại điện tử họ tìm đến khi mua sắm trực tuyến, tăng 7% so với quý trước, theo một nghiên cứu thị trường do Decision Lab thực hiện. Lazada cũng là sàn thương mại điện tử được yêu thích của 18% người tham gia khảo sát, theo sau đó là Facebook (8%), Tiki (7%) và Sendo (3%).

Ở các khu vực nằm ngoài các thành phố lớn, Shopee là nền tảng được yêu thích của 73% người dùng, theo sau bởi Lazada (48%), trong khi đó Tiki và Sendo tụt xuống sau Facebook trong top 5. Hơn thế nữa, hơn 70% người dùng thuộc thế hệ Gen Z chọn Shopee là sàn thương mại điện tử lớn nhất.

Roshan Raj Behera cho rằng tăng trưởng của Shopee đến từ sự đa dạng của sản phẩm và các ưu đãi giao hàng mà Shopee đang áp dụng. "Điều này trở thành một định vị giá trị vững chắc để người dùng dùng thử, giao dịch và tiếp tục gắn bó với nền tảng Shopee", vị chuyên gia này nói thêm. Shopee cũng tạo ra được mô hình kinh doanh kết hợp giữa cả C2C và B2C.

"Người dùng có xu hướng gắn bó với Shopee vì có thể đặt được nhiều loại hàng hoá ở mức giá cạnh tranh. Tập trung vào mô hình C2C giúp Shopee có thể tiếp cận số lượng lớn các nhà bán hàng và giúp họ tăng quy mô nhanh chóng", Behera nói thêm.

Cạnh tranh gay gắt tại nhóm sàn thương mại điện tử nội địa

Mặc dù thị trường thương mại điện tử lúc này đang nằm trong tay của các sàn thương mại điện tử ngoại, các chuyên gia dự đoán cuộc chiến thị phần ở Việt Nam sẽ ngày càng nóng lên.

"Vẫn còn nhiều "tay chơi" cạnh tranh thị phần. Do đó, sẽ có thêm nhiều vốn đổ vào thị trường này", Olivier Raussin, đồng sáng lập và đối tác điều hành FEBE Ventures, nói với KrAsia.

Mới đây, Tiki nhận được 258 triệu USD vốn đầu tư trong vòng gọi vốn do AIA dẫn dắt. Sendo, một sàn thương mại điện tử được thành lập từ năm 2012, cũng đang tích cực gọi vốn trong vòng Series D từ tháng 7/2020. Trong khi đó, một công ty thương mại điện tử Việt khác là SocialPass cũng thực hiện IPO trên sàn Nasdaq, Mỹ hồi tháng 11 và kêu gọi được 28 triệu USD.

Valerie Vu, giám đốc quỹ Venture Capital tại Việt Nam, nói rằng để cạnh tranh với các "ông lớn" nước ngoài, các sàn thương mại điện tử Việt Nam cần đầu tư cải thiện hệ sinh thái và quan hệ với các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán.

"Trong tương lai gần, tôi dự đoán thương mại điện tử Việt Nam sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng nhằm tạo ra chuỗi cung ứng tối giản, tối ưu chi phí, từ đó giảm thời gian giao hàng", bà Vu nói.

Bà chia sẻ thêm rằng các sàn thương mại điện tử địa phương nên mở rộng ra nhiều ngành hàng khác, từ thực phẩm tươi sống cho tới dược phẩm. Tiki đang chuyển động theo hướng này. "Tiki đang tích hợp một số ứng dụng mini vào nền tảng để trở thành một siêu ứng dụng. Ví dụ, Infina để đầu tư và tiết kiệm và Ezin để mua các sản phẩm bảo hiểm may đo", bà Vu nói.

Tiki hiện cũng đang cung cấp dịch vụ giao đồ tươi sống TikiNgon với tăng trưởng ghi nhận mức 2.000% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả các dịch vụ này mang đến tăng trưởng hai chữ số cho Tiki trong hai năm qua.

Vấn đề chỉ là thời gian

Hồi tháng 2/2020, nhiều báo cáo nói rằng Tiki và Sendo có thể sẽ sáp nhập. Dù vậy, đàm phán giữa hai bên đã đổ bể vào tháng 7 khi "có những điều khoản không công bằng mang lại lợi ích cho Tiki nhiều hơn Sendo", theo DealStreetAsia.

Behera cũng cho rằng các sàn thương mại điện tử Việt nên tận dụng tốt hơn cơ hội mà thương mại xã hội (social commerce) mang lại. "Tương tác một một trên các mạng xã hội giúp hàn gắn niềm tin với những người mua hàng lần đầu. Nhờ điều này, Facebook và các mạng xã hội khác đã rất thành công trong việc hỗ trợ các giao dịch thương mại điện tử", Behera nói thêm.

Theo Bloomberg, thương mại xã hội có thể chiếm hơn 65% trong miếng bánh bán lẻ trực tuyến quy mô 22 tỷ USD của Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử có thể mang đến hệ sinh thái mua sắm tốt hơn so với các đối thủ mạng xã hội ví dụ như Facebook, Behera nhận định.

"Các sàn thương mại điện tử truyền thống có cơ hội tốt hơn để đảm bảo chất lượng, logistics, mạng thanh toán cũng như dịch vụ khách hàng", vị chuyên gia nói thêm. Behera cũng nhận mạnh vấn đề "chỉ là thời gian" để các sàn thương mại điện tử địa phương điều chỉnh cách tiếp cận của mình nhằm tăng cơ hội trên thị trường.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nam Khánh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.