|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tập đoàn thuốc lá điều chế vắc xin thực vật chống COVID-19, chấp nhận rủi ro để sản xuất trước khi thử nghiệm lâm sàng

17:40 | 02/04/2020
Chia sẻ
Nếu thử nghiệm lâm sàng thất bại, tập đoàn thuốc lá British American Tobacco sẽ mất hàng triệu liều vắc xin mà họ sản xuất vào tháng 6, song họ chấp nhận rủi ro ấy.

Hôm 1/4, công ty công nghệ sinh học Kentucky BioProcessing (Anh) thông báo họ đang chế tạo vắc xin với thành phần chiết xuất từ thực vật liên quan đến cây thuốc lá, theo CNN.

"Chúng tôi đang nghiên cứu chế tạo vắc xin với thành phần mà chúng tôi chiết xuất từ cây thuốc lá. Các nhà khoa học của chúng tôi dùng một phần nhân bản trình tự gen của Covid-19 tạo ra kháng thể, sau đó đưa vào cây thuốc lá để sinh sôi tiếp", Kentucky BioProcessing tuyên bố.

Có thể nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ khi biết Kentucky BioProcessing là công ty con của Tập đoàn thuốc lá British American Tobacco ở London.

Tập đoàn thuốc lá tham gia cuộc đua vắc-xin chống COVID-19 - Ảnh 1.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định vắc xin có nguồn gốc thực vật là sản phẩm có chi phí thấp nếu sản xuất hàng loạt qui mô lớn, đồng thời khả năng chứa những chất có hại của nó cũng thấp hơn so với vắc xin truyền thống. Ảnh: CBS

British American Tobacco nhấn mạnh vắc xin đang ở giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng, hy vọng có kết quả tích cực.

Kentucky BioProcessing từng tham gia thử nghiệm vắc xin ngừa Ebola năm 2014. Giờ đây họ tham gia cuộc đua chế vắc xin ngừa COVID-19 với hàng chục công ty khác trong bối cảnh bệnh đã tấn công hơn 880.000 người khắp thế giới và gây nên hơn 44.000 ca tử vong.

Quá trình điều chế vắc xin thường diễn ra trong nhiều năm, song các chính phủ và giới khoa học hi vọng họ có thể rút ngắn quá trình để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2. Nhiều chuyên gia y tế dự báo thế giới phải chờ ít nhất 18 tháng nữa để thấy vắc xin đầu tiên, song một số chuyên gia nói dự báo như thế vẫn quá lạc quan.

Ban lãnh đạo British American Tobacco tiết lộ rằng Kentucky BioProcessing đang thử nghiệm vắc xin trên cơ thể động vật, và công ty sẽ cân nhắc khả năng hợp tác với các cơ quan chính phủ để đưa vắc xin sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

"Điều chế vắc xin là công việc khó và phức tạp, song chúng tôi tin rằng chúng tôi đã tạo ra đột phá với nền tảng công nghệ sản xuất thuốc lá", ông David O'Reilly, giám đốc nghiên cứu khoa học của British American Tobacco, phát biểu.

Nếu thử nghiệm lâm sàng diễn ra theo đúng kế hoạch, Kentucky BioProcessing hi vọng họ có thể sản xuất tới 3 triệu liều mỗi tuần từ tháng 6.

"Hàng triệu liều đầu tiên sẽ trở thành rác nếu thử nghiệm lâm sàng không thành công, song đó là cái giá xứng đáng", ông David O'Reilly bày tỏ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định vắc xin có nguồn gốc thực vật là sản phẩm có chi phí thấp nếu sản xuất hàng loạt qui mô lớn, đồng thời khả năng chứa những chất có hại của nó cũng thấp hơn so với vắc xin truyền thống.

Mặc dù vậy, việc một nhà sản xuất thuốc lá nghiên cứu vắc xin khiến nhiều người lo ngại, do mức độ nhạy cảm của thuốc lá. David O'Reilly hi vọng mọi người sẽ suy nghĩ khách quan về việc sản phẩm của Kentucky BioProcessing hữu ích hay không.


Nhạc Phong