|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà sản xuất vaccine chống COVID-19 bỗng thành lí do để giới chính trị Đức giận Mỹ

16:18 | 16/03/2020
Chia sẻ
Tin đồn về việc Washington đề nghị mua quyền khai thác vaccine ngừa COVID-19 của một hãng dược Đức để dành riêng cho dân Mỹ khiến nhiều chính trị gia Đức phẫn nộ.

Hôm 15/3, báo Die Welt ở Đức đưa tin Tổng thống Donald Trump liên hệ với CureVac, một hãng dược đang sản xuất vacine chống SARS-CoV-2 một khoản tiền lớn để giành độc quyền khai thác đối với vaccine. 

Ra đời vào năm 2000 ở bang Thuringia, CureVac phát triển các biện pháp điều trị ung thư, bệnh hiếm gặp và vaccine ngừa bệnh.

"Ông Trump muốn dành riêng vaccine cho người Mỹ"

Một nguồn tin nặc danh trong chính phủ Đức nói với tờ báo rằng ông chủ Nhà Trắng muốn CureVac đưa bộ phận nghiên cứu sang Mỹ để sản xuất loại vaccine ngừa COVID-19 dành riêng cho dân Mỹ.

Người phát ngôn của Bộ Y tế Đức xác nhận trong bài báo về đề nghị của Mỹ đối với CureVac, đồng thời nhấn mạnh Berlin muốn bảo đảm rằng vaccine và mọi liệu pháp trị COVID-19 phải được phát triển ở Đức và châu Âu.

Nhà sản xuất vaccine chống COVID-19 bỗng thành lí do để giới chính trị Đức giận Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hội kiến Thủ tướng Angela Merkel hồi tháng 6/2017. Ảnh: Vanity Fair

Ngay sau đó, ông Horst Seehofer, Bộ trưởng Nội vụ Đức, tiết lộ Thủ tướng Angela Merkel sẽ chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng ngày 16/3, và sẽ thảo luận một chiến lược để bảo vệ công ty CureVac.

Bộ trưởng Nội vụ Đức nhận định hôm 15/3 rằng COVID-19 không chỉ là khủng hoảng y tế công cộng, mà còn là “vấn đề an ninh quốc gia”.

"Chính phủ không những phải đảm bảo an ninh biên giới và nguồn lương thực, mà còn phải bảo vệ dược phẩm của chúng ta”, ông Horst Seehofer nói.

Nỗ lực giữ CureVac ở lại lãnh thổ Đức

Reuters dẫn một số nguồn tin trong chính phủ Đức cho hay, Berlin đã cam kết cung cấp nhiều ưu đãi tài chính cho CureVac để hãng ở lại nước Đức.

Daniel Menichella, tổng giám đốc hãng dược CureVac, cùng các nhà điều hành một số công ty dược, từng đến Nhà Trắng vào tuần trước để thảo luận về dịch COVID-19 với Tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence.

Trong thông cáo báo chí mà CureVac công bố sau cuộc họp, hãng thông báo họ đang nghiên cứu những loại vaccine ngừa COVID-19 và hi vọng thử nghiệm vaccine có thể diễn ra trong mùa hè năm nay.

"Chúng tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ đủ khả năng phát triển một vắc-xin tiềm năng trong vài tháng tới", ông Menichella phát biểu sau chuyến đi Washington đầu tháng 3.

Nhà sản xuất vaccine chống COVID-19 bỗng thành lí do để giới chính trị Đức giận Mỹ - Ảnh 2.

Chính phủ Đức dành nhiều ưu đãi tài chính cho CureVac để công ty không sang Mỹ. Ảnh: The Guardian

Nhưng cách đây bốn ngày, CureVac tuyên bố ông Menichella, một người quốc tịch Mỹ, sẽ rời hãng. CureVac không nói rõ lý do ông thôi chức,  mà chỉ cảm ơn ông vì những đóng góp. Ingmar Hoerr, người sáng lập CureVac, sẽ thay thế ông.

Hai quan chức Nhà Trắng giấu tên nói với New York Times rằng phía Đức đã thổi phồng câu chuyện. 

"Washington trao đổi với hơn 25 doanh nghiệp có thể góp phần chế tạo vắc-xin, và để ngỏ khả năng trao đổi với các công ty khác. Mỹ sẽ chia sẻ mọi thành quả nghiên cứu với thế giới", một trong hai vị quan chức bình luận.

Đại sứ Mỹ ở Đức, ông Richard Grenell, khẳng định bài báo của Die Welt không phản ánh sự thật.

Bất chấp sự bác bỏ của ông Grenell, nhiều chính trị gia Đức thể hiện sự giận dữ và yêu cầu chính phủ thực hiện mọi biệ pháp để ngăn cản Mỹ kiểm soát độc quyền vaccine ngừa COVID-19.

"Chính phủ Mỹ đã thực hiện một hành động không thân thiện. Nhân viên y tế Đức cũng như người dân toàn thế giới cần tiếp cận vaccine ở Đức, và không quốc gia nào có quyền sử dụng độc quyền vaccine chống COVID-19", nghị sĩ Karl Lauterbach, một thành viên của đảng Dân chủ Xã hội, phát biểu.

Nhạc Phong

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.