Tập đoàn FLC: Thực hiện 1/3 kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng, vay nước ngoài thêm 30 triệu USD
CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 theo đó công ty đạt doanh thu thuần 2.370 tỉ đồng, tăng gần 9% so với quý III/2017. Lợi nhuận gộp hơn 212 tỉ đồng, giảm gần 31%. Biên lợi nhuận gộp quý vừa qua đạt 8,9%, trong khi cùng kì năm ngoái đạt 14,1%.
Hoạt động tài chính của FLC diễn biến khả quan khi doanh thu tăng 48% lên 178 tỉ đồng, chi phí tài chính giảm 7,5% còn 57,6 tỉ đồng. Chi phí bán hàng giảm xuống trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên, tuy nhiên tổng hai loại chi phí này trong quý III/2018 không thay đổi nhiều so với cùng kì, cùng vào khoảng 200 tỉ đồng.
Sau khi trừ các loại chi phí, FLC ghi nhận lợi nhuận sau thuế 83,4 tỉ đồng, giảm 4 tỉ đồng so với cùng kì và tương ứng với biên lãi ròng 3,5%. Lũy kế ba quý đầu năm, FLC đạt 186 tỉ đồng lợi nhuận ròng, giảm 19%; doanh thu thuần gần 7.617 tỉ đồng, tăng 52%.
Năm 2018, Tập đoàn FLC đặt kế hoạch kinh doanh gồm doanh thu 12.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 560 tỉ đồng. Sau 9 tháng đầu năm, FLC đã thực hiện 33% kế hoạch lãi ròng và 61% kế hoạch doanh thu.
Tổng nguồn vốn của FLC thời điểm 30/9 là hơn 26.271 tỉ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm. Giá trị nợ phải trả là hơn 17.533 tỉ đồng, tăng hơn 3.200 tỉ đồng sau 9 tháng và chiếm 66,7% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu tăng 215 tỉ đồng lên 8.738 tỉ đồng. Trong đó, vốn điều lệ tăng từ 6.380 tỉ đồng lên 7.100 tỉ đồng do tập đoàn hai lần trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 4% và 7%.
Đáng chú ý, giá trị vay và nợ thuê tài chính dài hạn của FLC tăng thêm 1280 tỉ đồng lên 4.032 tỉ đồng, trong đó có khoản vay bằng USD trị giá 692,25 tỉ đồng từ ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ).
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đây là khoản FLC vay Credit Suisse chi nhánh Singapore ngày 4/6/2018, số tiền vay 30 triệu USD, lãi suất thả nổi tính theo công thức lãi suất Libor + 5%. Thời gian vay 27 tháng kể từ ngày giải ngân, kỳ thanh toán lãi đầu tiên sau 3 tháng kể từ ngày giải ngân, kỳ thanh toán gốc đầu tiên sau 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Khoản vay được dùng để tài trợ vốn cho các dự án FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn giai đoạn 2, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, FLC Garden City và FLC Twin Towers.
Một số khoản nợ dài hạn của Tập đoàn FLC thời điểm 30/9. Nguồn: Trích báo cáo tài chính hợp nhất quý III của FLC. |
Theo thông tin được FLC công bố trước đây, vào ngày 6/7, Ngân hàng Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore bắt đầu giải ngân gói tín dụng lên tới 200 triệu USD, tương đương hơn 4,600 tỷ đồng, mà ngân hàng đầu tư này cấp cho Tập đoàn FLC theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.
Khoản vay này được đảm bảo bằng quyền góp vốn tại công ty con, nhằm bổ sung vốn cho dự án và vốn lưu động của FLC. Thời hạn khoản vay là 2,5 năm đến 3 năm, theo từng đợt giải ngân. Số vốn giải ngân sẽ được đưa vào phục vụ triển khai và mở rộng các dự án cũng như các lĩnh vực hoạt động mới của doanh nghiệp này.
Tập đoàn FLC cũng từng vay một tổ chức nước ngoài khác là Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) với hạn mức vay theo hợp đồng tín dụng là 120 tỉ đồng. Tuy nhiên, FLC đã thanh toán hết khoản nợ với ICBC trong quý II/2018.