|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng thu không phải từ tận thu

07:34 | 03/05/2018
Chia sẻ
Bộ Tài chính lý giải các đề xuất tăng thuế thời gian gần đây do thu ngân sách nhà nước giảm, sức ép trả nợ ngày càng lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải tất cả đều như vậy.
tang thu khong phai tu tan thu
Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên, một trong các dự án tiêu tiền thuế của nhân dân lãng phí, kém hiệu quả. Ảnh: Phạm Thanh.

Trả nợ gốc, lãi vay tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế

Bộ Tài chính đánh giá nền kinh tế những năm qua khó khăn, hội nhập nhanh, khiến thu ngân sách khó khăn, đây là một trong các lý do để bộ này đề xuất tăng các sắc thuế. Thực tế, các nguồn thu đều tăng trưởng. Sức ép thu chủ yếu tới từ giảm thu dầu thô do giá dầu giảm, sức ép chi thường xuyên và trả nợ lớn. Cụ thể, thu dầu thô giảm từ mức bình quân 5,2% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn dưới 1% hiện nay.

Dù vậy, số thu ngân sách nhà nước hằng năm vẫn tăng vượt kế hoạch đặt ra. Năm 2015, thu ngân sách đạt hơn 989 nghìn tỷ đồng (vượt 8,6% dự toán); năm 2016 thu hơn 1 triệu tỷ đồng (vượt 7,8% dự toán); năm 2017 thu hơn 1,28 triệu tỷ đồng (vượt 5,9% dự toán).

Trong khi ở khâu chi, dù kế hoạch chi đầu tư phát triển 3 năm qua gần như không đổi, nhưng thực tế giải ngân rất thấp. Như năm 2015, giải ngân đầu tư phát triển chỉ đạt 79% kế hoạch, chi từ trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 72% kế hoạch; năm 2016, hai khoản chi này chỉ đạt lần lượt 77% và hơn 45%; tới năm 2017, chỉ đạt lần lượt gần 76% và hơn 23%.

Qua các số liệu trên, phần hụt thu ngân sách chính do nguồn thu từ dầu thô giảm mạnh, trong khi chi thường xuyên ngày càng tăng cao. Điều này càng rõ hơn qua Báo cáo Đánh giá Chi tiêu công của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2017. Theo báo cáo này, có 3 yếu tố chính dẫn tới thu ngân sách nhà nước giảm là giảm thu từ dầu thô, giảm thu từ kinh doanh chuyển nhượng… đất và giảm thu từ thuế xuất – nhập khẩu. Trong đó, giảm thu từ dầu thô lớn nhất, với mức giảm 1,8% GDP trong 5 năm (từ 4,8% GDP năm 2011 xuống còn 3% GDP vào năm 2015).

Báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng, chi ngân sách tiếp tục tăng cao, tổng chi ngân sách giai đoạn 2011-2015 chiếm tới 29,2% GDP (tăng so với giai đoạn trước đó).

Trong đó, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn với 70% tổng chi ngân sách hằng năm (thậm chí có năm lớn hơn). Cùng với chi nuôi bộ máy, chi trả nợ cũng ngày càng tăng và trở thành gánh nặng lớn với ngân sách. WB đánh giá, chi trả nợ gốc và lãi vay tăng nhanh hơn cả tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, chiếm tới 15% số thu ngân sách nhà nước năm 2015, đang tiệm cận ngưỡng an toàn (theo quy định của Việt Nam).

Huy động thuế của Việt Nam không thấp

Bộ Tài chính dẫn số thu ngân sách của hàng loạt nước phát triển ở khu vực Tây Âu, các nước có thu nhập cao hơn Việt Nam ở châu Á để viện dẫn cho đánh giá tỷ lệ huy động thuế của Việt Nam thấp hơn các nước. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của WB lại chỉ ra rằng: “Tỷ lệ thu - chi ngân sách của Việt Nam đang ở mức trên trung bình so với các nước trong khu vực và các nước có thu nhập tương đương. “Vấn đề đáng lo ngại là tỷ lệ thu trên GDP không thấp hơn các quốc gia khác, nhưng áp lực tăng chi tiêu công vẫn ở mức cao (kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên), khiến Việt Nam phải vay nợ và các chỉ số nợ đã sát ngưỡng an toàn”, bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB đánh giá.

Theo bà Quyên, chi thường xuyên lớn do chi lương và phụ cấp tăng nhanh, khoản chi này nay đã chiếm tới 20% tổng chi ngân sách. “Quỹ lương tăng chủ yếu do tăng biên chế và một phần từ lương cơ sở. Tăng biên chế có năm rất mạnh ở cả cấp trung ương và địa phương”, bà Quyên nói. Theo đó, so với thế giới, chi lương khu vực công của Việt Nam khá cao so với các quốc gia trong khu vực, tương đương các quốc gia có thu nhập trung bình - dù Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình thấp. Cụ thể, chi lương khu vực công của Việt Nam cao gấp 3 lần Singapore, gấp 2 lần Indonesia và Hàn Quốc.

Kết quả trên cho thấy sự trái ngược so với cải cách hành chính và mục tiêu của Chính phủ là cắt giảm biên chế. Với tốc độ tăng biên chế nhà nước như trên, WB cảnh báo, biên chế khu vực công của Việt Nam có thể vượt mức bình quân của các quốc gia có thu nhập trung bình trong vài năm tới. Ngoài ra, việc sử dụng tài sản công lãng phí cũng là vấn đề Việt Nam gặp phải và gây sức ép lên ngân sách; trong khi đầu tư công còn dàn trải, lãng phí…

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, hiện ngân sách nhà nước đang gặp vấn đề rất lớn khi 85% số thu ngân sách hằng năm để chi thường xuyên và trả nợ, chỉ 10% dùng cho chi đầu tư phát triển. “Cơ cấu chi như vậy hoàn toàn không lành mạnh, đáng ra chi đầu tư phát triển phải trên 30% số thu”, ông Châu nói. Ông Châu cho rằng, với tư cách là người nộp thuế, ông không quá chi ly chuyện thuế cao hay thấp, chỉ mong việc sử dụng thuế đúng mục đích và hiệu quả để mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân dân.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long, các lập luận của Bộ Tài chính đưa ra cho đề xuất tăng thuế của mình chỉ mang tính ngụy biện, lập luận chưa thuyết phục và cố đạt được mục đích tăng thuế. “Để bù nguồn thu ngân sách thiếu hụt, giải pháp căn cơ là cơ cấu lại phần chi để giảm chi, mở rộng nguồn thu và phải nuôi dưỡng nguồn thu, không nhăm nhăm vào tăng thuế”, ông Long nói.

Theo WB, để cải thiện nguồn thu, cần hệ thống quản lý thuế hiệu quả hơn. Để đạt mục tiêu đó, cần thiết kế lại quy trình nghiệp vụ thuế một cách toàn diện, bao gồm toàn bộ chức năng quản lý thuế, quản lý rủi ro và dịch vụ cho người nộp thuế. Từ đó, nâng cao mức độ tuân thủ tự nguyện và giảm chi phí tuân thủ, để giảm trốn, lách thuế.

Lê Hữu Việt