Tăng lương mạnh cho cả công ty đang thoi thóp, nữ doanh nhân thực hiện cú ngược dòng ngoạn mục
Là một trong số hiếm những người học tại Đức tới 3 lần, khi trở về nước vào năm 1994, Ninh Thị Ty đầu quân cho một công ty may mặc của Đức với vị trí quản lí. Công việc ổn định, lương cao, nhưng bà luôn khao khát góp sức cho ngành dệt may Việt Nam.
Nữ kĩ sư bỏ làm thuê để nhận xưởng may đang "ngắc ngoải"
Cơ hội đến với bà Ty khi Tổng công ty dệt may Việt Nam mời bà về để điều hành một xưởng may ở phố Trương Định Hà Nội. Đó là một xưởng may đang chật vật để tồn tại và đã trải qua nhiều đời giám đốc nhưng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bết bát.
Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT tập đoàn May Hồ Gươm và công ty may Chiến Thắng. Ảnh: Nhạc Dương
"Không con dấu, không tiền trong két, không thể chủ động nhận đơn hàng mà phải gia công lại cho doanh nghiệp khác là tình cảnh của xưởng dệt may ấy hồi đó", bà Ty kể.
Hiểu những thách thức của xưởng may ở phố Trương Định, nhưng khao khát cống hiến cho ngành dệt may trong nước và sự tự tin vào năng lực bản thân đã thôi thúc bà Ty từ bỏ công việc làm thuê an toàn để về xưởng may.
Về xưởng may, việc đầu tiên bà Ty phải thực hiện ngay là kiếm tiền để trả lương cho công nhân. Bà phải dùng tiền tiết kiệm, vay của người thân và bạn bè.
Bài toán tiếp theo là tìm nguồn vốn để sản xuất và trả lương cho người lao động trong tương lai. Tuy là doanh nghiệp nhà nước nhưng xưởng may không có sổ đỏ nên tân giám đốc không thể vay ngân hàng. Bà phải dùng sổ đỏ của gia đình để thế chấp ngân hàng.
"Hồi ấy tôi phải thuyết phục chồng đồng ý cho thế chấp sổ đỏ để vay tiền cho công ty", bà Ty kể.
Có vốn, bà Ty nhanh chóng tìm đơn hàng để tiến hành sản xuất. May mắn thay, hồi đó công ty may Thăng Long nhường cho bà một đơn hàng. Ban đầu công ty Thăng Long định nhập vải từ Hàn Quốc rồi may thành sản phẩm và xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, đối tác cung cấp bên Hàn Quốc lại giao cho Thăng Long lô vải lỗi với màu sắc loang lổ nên công ty không thể may sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng bên Mỹ.
Mặc dù đối tác bên Hàn Quốc cam kết giao lô vải khác để thay thế, Thăng Long vẫn không thể may sản phẩm theo đúng thời hạn hợp đồng với đối tác bên Mỹ nên họ nhường hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ cho bà Ty.
Với kiến thức từ Đức và kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, bà Ty tìm ra giải pháp ngay khi thấy lô vải mà công ty Thăng Long chuyển giao. Dù vải lỗi, xưởng may của bà vẫn tạo ra những sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng bên Mỹ và xuất khẩu.
Khi nhận số vải mà đối tác bên Hàn Quốc bồi thường, bà Ty cho công nhân may thành quần, áo rồi bán trong nước.
"Hàng ra đến đâu, chúng tôi bán hết đến đó. Hợp đồng với công ty Thăng Long đã cứu chúng tôi trong lúc nguy nan", bà Ty tâm sự.
Sau thương vụ ấy, doanh thu của xưởng may liên tục tăng gấp đôi sau từng năm. Từ khoảng 100 công nhân vào năm 1995, xưởng may tuyển thêm 600 công nhân nữa. Sau đó, xưởng may trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành dệt may mở nhà máy ở tỉnh ngoài.
Thử thách lần thứ hai
Với kì tích ở xưởng may, năm 2006, cấp trên yêu cầu bà Ty tiếp quản công ty dệt may Chiến Thắng, một đơn vị đã có bề dày kinh nghiệm 43 năm nhưng thua lỗ triền miên trong nhiều năm, hàng tồn kho chất đống. Một cuộc đại phẫu là thứ mà công ty cần để tiếp tục tồn tại.
"Trải qua gần nửa thế kỉ, Chiến Thắng có nhiều thế hệ đan xen và văn hóa doanh nghiệp đã định hình. Vì thế, mọi thay đổi ở đây sẽ không thể diễn ra một cách dễ dàng. Tất cả người quen đều khuyên tôi không nhận nhiệm vụ mới", bà Ty nhận định.
Phân tích kĩ tình hình, bà Ty nhận thấy một số ưu điểm của Chiến Thắng: chất lượng sản phẩm tốt, uy tín đối với nước ngoài khá cao (gần như là doanh nghiệp số một ở miền Bắc). Vì thế, bà quyết định nhận chức vụ giám đốc công ty.
Việc đầu tiên bà Ty tiến hành là tăng 20% lương cho người lao động toàn công ty để tạo ra sự phấn khởi cho mọi người. Sau đó, bà thực hiện hàng loạt cải tiến công nghệ nhỏ để phát động phong trào đổi mới, sáng tạo.
"Trong cuộc họp toàn công ty, tôi tuyên bố từ nay tôi sẽ chịu trách nhiệm về chuyện lãi hay lỗ, còn mọi người chỉ cần làm việc và nhận lương", bà Ty kể.
Tổng giám đốc Ninh Thị Ty (người mặc áo đỏ) dẫn đoàn cán bộ của Phòng Thương mại và Công nghiệp thăm nhà máy của công ty Chiến Thắng năm 2013. Ảnh: VCCI
Rồi cuộc đại phẫu của bà Ty bắt đầu với chiến dịch tinh giản bộ máy quản lí cồng kềnh. Bà sát nhập, cơ cấu lại để 10 phòng chỉ còn lại 5 phòng, khiến 5 trưởng phòng và 5 phó phòng mất chức. Công ty cũng phải chia tay 4 phó tổng giám đốc, 4 giám đốc điều hành, 134 lao động gián tiếp.
"Đó là bài toán vô cùng khắc nghiệt. Một số người đã nộp đơn kiện tôi lên Bộ Nội vụ và Bộ Công thương. Tôi phải đối thoại với tập thể, với từng người để họ hiểu và ủng hộ cuộc đại phẫu", bà Ty thổ lộ.
Công nhân rất phấn khởi với nỗ lực tái cơ cấu bởi lương của họ tăng dần và bởi công ty áp dụng quy trình sản xuất, quản lí mới. Đến tháng 12 năm 2016, công ty bất ngờ có lãi tới 100.000 USD. Trong những tháng sau đó, lãi tiếp tục tăng nhẹ. Cuối năm 2007, công ty lãi 18,3 tỉ đồng.
Kì tích với công ty Chiến Thắng giúp bà Ty nhận vị trí Giám đốc điều hành tập đoàn dệt may Việt Nam, rồi Phó tổng giám đốc tập đoàn dệt may Việt Nam, nhận danh hiệu "Anh hùng lao động thời kì đổi mới" năm 2009.
Hiện nay bà Ty đã thôi chức Phó tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam và trở thành Chủ tịch HĐQT của tập đoàn may Hồ Gươm và công ty may Chiến Thắng.
Bà quản lí hơn 10 nhà máy dệt may với hơn 6.000 nhân sự. Ngoài ra, bà còn điều hành nhiều công ty con trong mảng giáo dục, phần mềm, bất động sản. Hàng ngày, bà vẫn phải giải quyết những vấn đề về công nghệ, nhân sự, quản lí.
"Với tính cách quyết liệt, bản lĩnh và kinh nghiệm, tôi vẫn tiếp tục hành trình sự nghiệp với tâm thế tự tin", nữ doanh nhân khẳng định.