|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng giá điện là điều hiện hữu, cơ chế điều chỉnh thế nào cho hợp lý?

08:25 | 19/02/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng, mức tăng bao nhiêu và lộ trình tăng thế nào cần phải tính toán để ít tác động tiêu cực nhất tới nền kinh tế, phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân.

Phải điều chỉnh giá điện, nếu không ngành điện sẽ thua lỗ 

Điện là một mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất. Câu chuyện về giá điện luôn nhận được quan tâm của công luận bởi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và kinh doanh của doanh nghiệp.   

Mới đây, Chính phủ đã ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới được áp dụng từ ngày 3/2 với mức tối thiểu và tối đa lần lượt tăng 220 đồng và 538 đồng/kWh lên mức hơn 1.800 đồng/kWh và gần 2.500 đồng/Wh so với mức khung giá cũ.

Mặc dù việc điều chỉnh khung giá này không ảnh hưởng tới giá bán lẻ điện hiện hành là 1864 đồng/kWh, việc nới khung cùng với việc Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương hoàn thiện phương án giá bán lẻ điện bình quân 2023 cho thấy việc tăng giá điện trong thời gian tới đây là điều khó tránh. 

Chia sẻ với người viết, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết EVN đang lỗ nặng do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí... trong nước và thế giới tăng đột biến từ đầu năm ngoái đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao. Do đó, việc điều chỉnh tăng giá điện để chia sẻ khó khăn với ngành điện là điều hợp lý. 

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ ổn định từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá hiện hành không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến ngành điện gặp nhiều khó khăn và sản xuất kinh doanh bị lỗ.

Cụ thể, giá than thế giới năm 2022 đã tăng gấp 6 lần so với năm 2020 và tăng gấp khoảng 2,6 lần so với năm 2021. Việc giá than nhập khẩu tăng đã làm cho chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy điện sử dụng than pha trộn giữa than nhập khẩu và trong nước năm 2022 tăng khoảng 25% so với năm 2021, tức là từ khoảng 1.635 đồng/kWh lên 2.043 đồng kWh.

Đối với giá dầu, năm 2022 tăng khoảng 2,2 lần so với năm 2020 và tăng khoảng 1,3 lần so với năm 2021. Việc tăng giá đó đã làm cho giá điện bình quân của các nhà máy tua bin khí tăng khoảng 11,3%, tức là từ khoảng 1.620 đồng/kWh lên 1.843 đồng/kWh.

 Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính). (Ảnh: Hội thẩm định giá Việt Nam)

"Tôi cho rằng trong hoàn cảnh mà tác động khách quan đã tác động vào giá điện trong nước, chắc chắn phải điều chỉnh giá điện lên. Nếu không ngành điện sẽ thua lỗ, dòng tiền sẽ âm và không có tiền để thanh toán cho việc mua điện cho các đơn vị phát điện", vị này nhấn mạnh

Cũng theo ông Thỏa, tài chính âm của EVN sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, thu hút đầu tư của phát điện, truyền tải, phân phối điện. 

Tăng giá điện phải hợp lý với giá đầu vào, chia lộ trình, tránh tác động đến mặt bằng giá

Đánh giá khả năng tăng giá điện trong tương lai gầncác chuyên gia cho rằng đây là điều khó tránh khỏi khi chi phí than, xăng dầu, khí... tăng cao nhưng vấn đề là mức tăng và lộ trình tăng sẽ thế nào?

Theo TS Lê Đăng Doanh, cần có sự tính toán để có mức tăng giá điện vừa phải, có tính đến khả năng chịu đựng của người dân và hợp lý với giá đầu vào của ngành điện.

Đồng thời nên tham khảo rộng rãi ý kiến, không chỉ riêng EVN và Bộ Công Thương mà có thể tham khảo từ các tổ chức quốc tế vì giá điện có thể tác động mạnh mẽ đến sản xuất, tiêu dùng của người dân. Điều chỉnh như thế nào để phù hợp doanh nghiệp người dân trong tình hình hiện nay là một vấn đề cần xem xét cẩn thận.

"Ở nhiều nước, giá điện được điều chỉnh rất linh hoạt, giá ban đêm khác giá ban ngày để khuyến khích dùng điện vào ban đêm, tránh căng thẳng lưới điện. Tại Việt Nam, thủy điện, điện gió có thể sản xuất vào ban đêm, do đó, nên khuyến khích tận dụng khung giờ ban đêm và có giá thấp để sản xuất các nguồn điên hiệu quả hơn, đảm bảo năng lực cạnh tranh của các sản phẩm", ông Doanh nói. 

 TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). (Ảnh: VTC News)

Theo báo cáo của EVN, ước tính năm 2022, Công ty mẹ EVN, các Tổng công ty Điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh gần 28.900 tỷ đồng.

Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên gần 65.000 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ khoảng 44.100 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ hơn 20.8400 tỷ đồng.

Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN lũy kế 2 năm 2022 và 2023 khoảng 93.900 tỷ đồng.

Tương tự, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng, tăng mức nào là một câu hỏi khó và cần tính toán kỹ. Nếu thực hiện ngay và đúng nguyên tắc Luật giá là giá phải đủ bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh cho ngành điện, mức phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện hành.

Tuy nhiên, mức điều chỉnh này sẽ có tác động đến các ngành như đẩy giá thành sản xuất thép tăng khoảng 1%, giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 2,2%, giá thành sản xuất dệt may tăng gần 2%... Vì thế, để giảm thiểu tác động, ông Thoả đề xuất, có thể chia lộ trình tăng giá điện làm hai đợt, mỗi đợt tăng 7-8%.

“Với mức điều chỉnh này chỉ đẩy lạm phát vòng 1 của đợt 1 tăng 0,2%. Chúng ta tính toán, theo dõi, nếu những tháng cuối năm tình hình thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát trong mục tiêu đề ra thì chúng ta có thể điều chỉnh giá đợt 2", Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, ông Thoả cho rằng, nhà nước cũng cần phải có giải pháp tổng thể để bình ổn giá, ngăn ngừa tác động từ việc tăng giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế, các hàng hóa dịch vụ khác, tránh việc lợi dụng tăng giá điện để đẩy mặt bằng giá lên, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Về tình hình điều chỉnh giá điện, theo dõi các hoạt động, chỉ đạo của các Bộ, ngành cho thấy các đơn vị đang tập trung hoàn thiện phương án về giá bán lẻ điện.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với lãnh đạo EVN và chỉ đạo tập đoàn bám sát, tuân thủ quy trình thực hiện theo quy định tại Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. 

"Việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tại hội nghị "Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023", Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh giá điện của Việt Nam không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Do đó, cần phải lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.