|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss chịu áp lực từ chức vì sóng gió trên thị trường tài chính

09:13 | 18/10/2022
Chia sẻ
Bà Liz Truss đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị diễn ra với tốc độ chóng mặt, làm lung lay chiếc ghế Thủ tướng Anh sau 6 tuần nhậm chức.

Thủ tướng Anh Liz Truss hôm 14/10 sau khi vừa sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng. (Ảnh: AP).

Vào năm 1926, nhà văn trinh thám nổi tiếng Agatha Christie đã biến mất trong vòng 11 ngày. Một đoạn hồi ký mới xuất bản cho biết bà đã mắc “chứng điên loạn và bỏ nhà ra đi”. Bà Christie đã tạm quên mất mình là ai và thậm chí còn tự đặt cho mình danh tính mới.

Theo Financial Reviews (AFR), sự việc tương tự có thể đang xảy ra với Đảng Bảo thủ của Anh kể từ khi bà Liz Truss lên làm lãnh đạo vào hôm 5/9 và trở thành Thủ tướng vào ngày tiếp theo.

Đảng Bảo thủ dường như đã quên mất mình đang điều hành một đất nước. Thay vào đó, đảng này đang vướng vào các cuộc “huynh đệ tương tàn” về ý thức hệ và tính cách cá nhân, vốn thường chỉ xuất hiện tại những đảng phái do thất bại sau bầu cử.

Một bầu không khí đầy sự hỗn loạn, tuyệt vọng và thua cuộc đang lan tỏa trong Đảng Bảo thủ như thể họ đang thất bại thật sự. Các cuộc thăm dò dư luận hiện đang vượt ra ngoài giới hạn thường thấy: một Thủ tướng Anh hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, tụt xuống mức tín nhiệm thấp như bà Liz Truss.

Bà Truss đã vội vã và thiếu khôn ngoan khi tung ra một gói “ngân sách nhỏ” nửa vời, chỉ để cố tỏ ra rằng mình quyết đoán. Bà đã cố gắng biến sự liều lĩnh trông như lòng quyết tâm, nhưng sau đó Thủ tướng Anh đã sụp đổ khi thực tế biến chiến lược kinh tế nhằm vượt qua khủng hoảng thành một thảm họa toàn diện.

Đồng bảng Anh đã có lúc suýt ngang giá với USD sau khi kế hoạch "ngân sách nhỏ" của Thủ tướng Truss.

Vào hôm 14/10, bà Truss đã sa thải đồng minh chính trị thân cận nhất của mình, cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng, đơn giản vì tội đã thực thi kế hoạch “ngân sách nhỏ”. Thị trường, giới truyền thông và các đồng nghiệp đều không tỏ ra ấn tượng trước động thái này.

Thủ tướng Truss đã gần như phải nhường lại quyền điều hành chính phủ non nớt của mình cho tân Bộ trưởng Tài chính giàu kinh nghiệm mới được bổ nhiệm, ông Jeremy Hunt.

Bà từng được coi là một con người ngoan cố và kiên cường. Ngay cả khi Đảng Bảo thủ đang đối mặt với những khó khăn dai dẳng và thách thức chính trị trong việc hạ bệ Thủ tướng Anh, dường như chắc chắn rằng họ sẽ tìm ra cách để thực hiện mục tiêu này. Cách phát biểu lắp bắp, ngượng nghịu của Thủ tướng Truss tại buổi họp báo hôm 14/10 dường như cho thấy bà đã biết rõ về ý định trên.

Câu hỏi giờ đây là khi nào và bằng cách nào Thủ tướng Anh sẽ bị hạ bệ. Một số học giả cho rằng sẽ phải mất vài tháng, một số lại chỉ cho bà Truss vài tuần. Các sự kiện dường như đang diễn ra với tốc độ chóng mặt.

Việc sa thải Bộ trưởng Tài chính chỉ sau 38 ngày nhậm chức là điều bất bình thường, ngay cả khi so sánh với những tiêu chuẩn hỗn loạn của nước Anh thời kỳ hậu Brexit.

Tân Bộ trưởng Hunt sẽ cố gắng để lèo lái con tàu, và có thể câu cho bà Truss một chút thời gian. Kể cả nếu ông Hunt công bố được một kế hoạch tài chính tốt vào ngày 31/10 và được thị trường chấp nhận, vẫn thật khó để thấy được viễn cảnh trong đó bà Truss thoát khỏi bế tắc chính trị hiện nay.

Theo CNBC, các thành viên của Đảng Bảo thủ Đã bắt đầu công khai kêu gọi bà Truss từ chức, trong khi tới 100 thành viên có thể đã gửi lá thư bất tín nhiệm Thủ tướng.

Hôm 17/10, bà Angela Richardson, Nghị sĩ Đảng Bảo thủ ở Guildford cho biết việc bà Liz Truss tiếp tục làm Thủ tướng là "không còn khả thi". Nghị sĩ Jamie Wallis cũng gửi thư tới Thủ tướng Anh yêu cầu bà từ chức.

"Tôi yêu cầu bà từ chức Thủ tướng vì tôi tin rằng bà không còn có được niềm tin của đất nước hay Đảng", bức thư ông Wallis có đoạn. "[Từ chức] là hành động đúng đắn để đảm bảo sự ổn định, an ninh và thịnh vượng cho những người mà chúng ta phụng sự".

Thủ tướng Boris Johnson tại vị trong hơn ba năm. (Ảnh: AFP). 

Cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne cho biết "nhiều khả năng bà Truss sẽ từ chức trước Giáng sinh".

Theo các nhà phân tích tại Berenberg Bank: "Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các Nghị sĩ Đảng Bảo thủ ép Thủ tướng Truss từ chức trong những ngày tới. Còn hai năm nữa mới tới tổng tuyển cử (1/2024), nên Đảng Bảo thủ có thể sẽ quyết định rằng cơ hội tốt nhất để tiếp tục giữ ghế là nhanh chóng tìm một lãnh đạo mới".

Citibank thậm chí còn đặt câu hỏi về năng lực của Đảng Bảo thủ để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. "Liệu còn lãnh đạo Bảo thủ nào có thể đưa ra đường lối kinh tế đáng tin cậy hay không. Chúng tôi ngày càng không chắc chắn", ngân hàng này cho biết.

Những “sát thủ” đang chờ sẵn

Công chúng và các cộng sự trong Quốc hội Anh dường như đã quyết định xong số phận của Thủ tướng Truss. Theo AFR, hiện bà còn có ít quyền hành và uy tín hơn cựu Thủ tướng Anh Theresa May hồi mới lên nắm quyền sau sự kiện Brexit.

Việc lật đổ cả hai Thủ tướng Theresa May và Boris Johnson là một quá trình kéo dài. Quy định của Đảng Bảo thủ khiến việc liên tiếp thách thức chống lại nhà lãnh đạo trở nên khó khăn. Và việc tạo kế hoạch lật đổ hoàn hảo ngay trong lần đầu tiên cũng phức tạp không kém.

Để cuộc “đảo chính” bắt đầu, một người thách thức cần lộ mặt. Trong trường hợp của ông Boris Johnson, người thách thức chính là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak. Ông Sunak đã đệ đơn từ chức cũng như chỉ trích và yêu cầu giải tán chính quyền cựu Thủ tướng Johnson, khiến ông này buộc phải từ chức vào hôm 7/7.

Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt. (Ảnh: Getty Images).

Người đáng chú ý nhất lúc này là Bộ trưởng Hunt. Nhìn từ bên ngoài, ông Hunt đang cố gắng hành động và cứu Đảng Bảo thủ khỏi tình trạng tăm tối như hiện nay.

AFR cho rằng lịch sử sinh tồn qua những sóng gió của Bộ trưởng Hunt cho thấy ông sẽ sử dụng những lợi thế của mình để chuẩn bị giành ghế lãnh đạo, vốn từng bị mất vào tay cựu Thủ tướng Johnson năm 2019.

Điều khiến nhiệm vụ của ông Hunt trở nên dễ dàng hơn là hai mục tiêu: ổn định Đảng Bảo thủ và thăng chức, rất có thể sẽ cùng xảy ra. Vị trí Bộ trưởng Tài chính của ông càng được nhiều uy tín, ông càng có thể khoét sâu cái ghế vốn đã lung lay dữ dội của Thủ tướng Liz Truss.

Ông Hunt chỉ cần đảm bảo rằng công lao từ việc định hướng con thuyền tài chính đi đúng hướng sẽ thuộc về mình.

Những khó khăn mà Bộ trưởng Hunt phải đối mặt là phe phái cấp tiến trong Đảng Bảo thủ: những người ủng hộ Brexit tuyệt đối, những cuộc chiến văn hóa và xu hướng cắt giảm thuế, chi tiêu công nhanh hơn cả sự chấp nhận của công chúng.

Phe bảo thủ hùng hậu trong Đảng Bảo thủ đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới đường lối của đảng này kể từ khi ông Johnson nhậm chức tại Phố Downing. Sự ủng hộ của phe này cũng đã giúp bà Truss đánh bại ông Sunak.

Ưu thế của ông Hunt là lịch sử phe bảo thủ đang đầy rẫy những sai lầm của bà Truss, cũng như việc thiếu ứng viên đủ uy tín và chưa từng mắc lỗi. Ông Hunt hoặc ông Sunak đang có vị thế tốt để kiến tạo một chính phủ Bảo thủ chịu lùi về đường lối trung dung hợp lý hơn, vị thế để có thể kết nối lại với đa số cử tri của mình.

Lạm phát tại Anh hiện đang cao hơn cả cuộc Khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nước Anh vẫn đang mang những vết sẹo của sự chia rẽ sâu sắc mà Brexit mang lại. Nhưng mức độ phân cực của Anh vẫn không lớn  bằngMỹ. Nền kinh tế và triển vọng tài chính của Anh hiện vẫn mù mờ. Tuy nhiên, những yếu tố cơ bản vẫn chưa rơi vào tình trạng nguy hiểm như những biến động thị trường gần đây gợi ý.

Nếu các đảng viên và nghị sĩ đảng Bảo thủ cho phép nhà lãnh đạo mới từ bỏ những ý tưởng của “Trussonomics”, Thủ tướng mới vẫn có thể tìm ra được con đường đưa nước Anh vượt qua khó khăn.

Đảng Lao động của Anh vẫn đang trong tình trạng phục hồi từ những cuộc đấu tranh nội bộ chống lại chủ nghĩa cực đoan và sự mất đoàn kết. Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ không cần phải diễn ra trước năm 2024.

Tuy vậy, Đảng Bảo thủ đã cầm quyền từ năm 2010. Người ta đang cảm thấy một “sự sụp đổ của thành Rome” đang đến khi chính quyền không thể tìm ra một nhà lãnh đạo có đủ tố chất. Thật không may là khủng hoảng chính trị hiện nay của nước Anh đang đến cùng lúc với việc lãi suất và hóa đơn năng lượng tăng, thị trường lo lắng và tăng trưởng chậm lại.

Tăng trưởng GDP của Anh đang chậm lại.

Minh Quang