|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Liệu Anh có phải ‘chim hoàng yến trong mỏ than’, báo trước hiểm nguy tại các nước phát triển?

14:09 | 04/10/2022
Chia sẻ
Sự kết hợp tai hại của các vấn đề chính trị, lạm phát và lãi suất cao đang đe dọa hệ thống tài chính Anh và gây hại cho các thị trường toàn cầu. Đây là lời cảnh báo cho các chính phủ trên toàn thế giới về hiểm họa của kỷ nguyên kinh tế mới.

 

Thủ tướng Liz Truss từng kỳ vọng chương trình cắt giảm thuế của bà sẽ thành công như các chính sách của người tiền nhiệm Margaret Thatcher, nhưng điều này khó có thể xảy ra. (Hình minh họa: Wall Street Journal).  

Chương trình cắt giảm thuế mà chính phủ Anh công bố tuần trước đã làm dấy lên lo ngại về uy tín tài khóa của nước này, khiến đồng bảng và thị trường trái phiếu chính phủ Anh cắm đầu lao dốc.

Bảng Anh xuống mức thấp kỷ lục, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 50 năm mất hơn 30% giá trị chỉ trong 4 ngày. Giá trái phiếu bật tăng 25% vào ngày hôm sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) công bố kế hoạch mua trái phiếu khẩn cấp.

Những động thái lớn như vậy có tác động trực tiếp lên thị trường thế giới, đẩy giá USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ lên cao, kéo giá chứng khoán và hàng hóa đi xuống. 

 

London là trung tâm tài chính lớn và là căn cứ của các nhà đầu tư toàn cầu. Do đó, diễn biến trên thị trường tài chính Anh thường tạo ra tác động đáng kể lên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, mối lo ngại lớn hơn là: Anh có thể là chim hoàng yến trong mỏ than, đưa ra cảnh báo sớm về những nguy hiểm mà các thị trường phát triển khác cũng đang phải đối mặt.

Mối nguy này có ba mặt. Trong ngắn hạn, liệu Anh là trường hợp đặc biệt, hay chỉ là nạn nhân đầu tiên khi nhà đầu tư trừng phạt các chính phủ tiêu xài hoang phí bằng cách đòi lãi suất cao hơn? Trong dài hạn, liệu Anh sẽ lại sử dụng cách tiếp cận quá khích – nới lỏng chính sách tài khóa và qua đó gia tăng áp lực lạm phát – và liệu xu hướng này có trở thành bình thường mới trên thế giới?

Cuối cùng là vai trò của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong mớ hỗn độn trên. Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed đã nâng lãi suất lên cao hơn hẳn. Điều này giúp USD tăng vọt còn bảng Anh mất giá, đồng thời kéo theo lãi suất toàn cầu đi lên từ trước cuộc bán tháo tuần trước. Anh gặp họa và có lẽ các nước khác cũng sẽ đối mặt với rắc rối.

Để giải quyết bài toán ngắn hạn của Anh, đầu tiên cần phải hiểu xem chuyện gì đã đi chệch hướng. Ngòi nổ cho cú sốc mới nhất là chương trình cắt giảm thuế của London với quy mô tương đương 1,8% GDP mỗi năm, được cấp vốn bằng tiền vay.

Nhìn chung, số tiền này không quá lớn. Nhưng nó tạo ra tác động khủng khiếp khi xét trong bối cảnh lãi suất tăng vọt, khối nợ chồng chất, cách truyền tải của chính phủ không hiệu quả và uy tín đất nước bị ảnh hưởng. Và hầu hết những nước phát triển đều gặp phải các vấn đề tương tự, dù ít hay nhiều.

 

Đi vay để kích thích nền kinh tế khi lạm phát lên đến hai chữ số và ngân hàng trung ương tăng lãi suất để khống chế áp lực giá đã khiến cho chính sách tài khóa và tiền tệ của Anh mâu thuẫn nhau. Điều này càng làm tăng thêm khối lượng công việc của BoE.

Châu Âu dùng cách tiếp cận chi tiêu thêm thay vì giảm thuế. Gói kích thích Next Generation trị giá 735 tỷ USD của Liên minh châu Âu (EU) đang được triển khai. Mỹ thì đã dừng việc hỗ trợ tài khóa. Kế hoạch Xây dựng lại Tốt hơn (Build Back Better) trị giá 1.750 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden đã phải sửa đổi và rút gọn lại thành Đạo luật Giảm Lạm phát quy mô 437 tỷ USD.

Khối nợ của Anh sắp tăng vọt do các khoản trợ cấp năng lượng trị giá 150 tỷ bảng (tương đương 167 tỷ USD) cho doanh nghiệp và hộ gia đình, đứng thứ hai châu Âu và chỉ thua kém Đức. Số tiền này tương đương 6,5% GDP của Anh, theo tổ chức nghiên cứu Bruegel.

Tình hình nợ nần càng trở nên tồi tệ bởi Anh phải vay mượn từ người nước ngoài trong lúc thâm hụt tài khoản vãng lai nặng nề. Giống như nhiều nước phát triển khác, Anh sẽ vay bằng đồng tiền quốc gia. Nhưng chính phủ càng vay nhiều, bảng Anh càng mất giá hoặc lãi suất càng phải tăng mạnh - hoặc cả hai xảy ra cùng lúc như tuần trước - nhằm thu hút chủ nợ nước ngoài.

Theo tờ Wall Street Journal, cách truyền đạt về kế hoạch giảm thuế của Anh cực kỳ tồi tệ. Chính quyền Thủ tướng Liz Truss lờ đi tác động của kế hoạch lên tình hình tài chính của chính phủ, và chỉ chăm chăm tung hô tác dụng thúc đẩy tăng trưởng mà việc cắt giảm thuế được cho là sẽ mang lại. Các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế không đồng tình. 

Các quốc gia khác đều vật lộn với một số hoặc tất cả các vấn đề trên. Nhưng không một nền kinh tế lớn nào lại coi thường ý kiến của thị trường đến vậy. Sự chao đảo của thị trường Anh là lời cảnh báo rằng các quốc gia khác cần đối xử với thị trường trái phiếu tốt hơn.

 

Đáp án cho câu hỏi dài hạn có vẻ rõ ràng hơn: Đúng vậy, áp lực lạm phát sẽ gia tăng tại khắp mọi nơi trong tương lai. Nền kinh tế Anh từng là trường hợp điển hình của giai đoạn trì trệ trường kỳ sau năm 2010, khi đó tăng trưởng kinh tế diễn ra chậm chạp dù lãi suất rất thấp.

Thời điểm đó, chính phủ Anh đã cắt giảm mạnh chi tiêu và thắt chặt chính sách tài khóa. BoE cố gắng bù đắp thiệt hại bằng cách duy trì lãi suất thấp kỷ lục nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Thủ tướng Truss có thể sẽ trở thành hình mẫu cho cách tiếp cận trái ngược. Chương trình cắt giảm thuế của bà hứa hẹn sẽ mở màn cho việc chính phủ nới lỏng hầu bao trong nhiều năm tới — và khiến lãi suất lên cao hơn trong tương lai.

Hồi năm ngoái, thị trường vẫn kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, giống như thời kỳ trì trệ trường kỳ sau cuộc suy thoái 2008-2009. Áp lực lạm phát tuy cao nhưng được kỳ vọng sẽ nhanh chóng tan biến.

Ngược lại, giờ đây nhà đầu tư đặt cược rằng áp lực giá cả sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải kéo lãi suất lên cao hơn trong tương lai gần.

Một tương lai mà lạm phát và lãi suất cao hơn chắc chắn sẽ làm tổn thương trái phiếu Kho bạc Mỹ cùng cổ phiếu tăng trưởng. Đồng USD sẽ là quán quân nổi trội nhất, và cổ phiếu giá trị sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn thị trường chung.

Rủi ro đáng sợ nhất là Anh có thể chỉ là nạn nhân lớn đầu tiên khi lãi suất gia tăng. Các chu kỳ thắt chặt trước của Fed thường tạo ra rắc rối tài chính.

Điển hình là khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bắt đầu với sự sụp đổ của thị trường nợ dưới chuẩn hoặc các cuộc khủng hoảng liên tục của thị trường mới nổi, hay sự sụp đổ của quỹ Long-Term Capital Management năm 1998. Khi dòng tiền rẻ rút đi, chuyện xấu sẽ xảy ra.

Xấu đến đâu? Câu hỏi này khó có thể trả lời, vì chúng ta không thể liệt ra những rủi ro tiềm tàng mà mình không biết. Hệ thống ngân hàng ngày nay vững mạnh hơn nhiều so với năm 2007. Nhưng khi trái phiếu chính phủ rớt giá, BoE vẫn phải can thiệp để ngăn chặn rắc rối trong các quỹ hưu trí, dù đây là một lĩnh vực nhàm chán mà ít ai lo sợ sẽ sụp đổ.

Như thường lệ, rắc rối đã nảy sinh trong lĩnh vực tưởng như an toàn. Chiến lược của các quỹ hưu trí là giảm bớt tác động của các động thái lãi suất, nhưng chiến lược này bị vô hiệu hóa khi lãi suất nhảy vọt và giá trái phiếu lao dốc.

Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs nói: “Sự kiện này đã khơi lại những ẩn số không ai biết. Có thể thị trường tài chính toàn cầu vẫn còn tồn tại bất ổn. Chắc chắn đây là vấn đề đáng chú ý”.

Ông Larry Summers, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, nói rằng tình hình hiện nay có những điểm tương đồng với năm 2007, khi khủng hoảng nợ dưới chuẩn bắt đầu. Ông bình luận: “Khi có chấn động, không phải lúc nào cũng xảy ra động đất, nhưng không có trận động đất nào mà không có chấn động. Và chắc chắn thị trường tài chính toàn cầu đang rung lắc”.

Giang

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.