Ba biểu đồ thể hiện những biến động lịch sử trên thị trường tài chính Anh
Một gói cắt giảm thuế có trị giá 45 tỷ bảng (BGP) trong những năm tới, đi kèm với kế hoạch tăng chi tiêu quy mô lớn để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chống chịu giá năng lượng tăng vọt, đang khiến giới đầu tư lo lắng về tương lai của Vương quốc Anh khi phải gánh khối nợ phình to.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng vẫn đặt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 2,5% và cam kết công bố kế hoạch giảm nợ công trong trung hạn. Những động thái trên diễn ra giữa bối cảnh kinh tế Anh ghi nhận mức lạm phát 9,9% và có thể đã rơi vào suy thoái.
Đồng bảng lao dốc
Các nhà giao dịch cho biết đồng bảng Anh (GBP) đã có phản ứng gần như ngay lập tức và cực đoan sau thông báo giảm thuế và tăng vay nợ của chính phủ. Trong phiên giao dịch thứ Sáu (23/9), GBP mất giá gần 3,6% so với USD và tiếp tục giảm khi thị trường mở cửa vào ngày thứ Hai (26/9), khi rơi xuống mức thấp kỷ lục 1,04 USD tại London.
Sau đó, đồng bảng đã phục hồi nhẹ và giao dịch quanh mức 1,08 USD trong phiên sáng thứ Ba (27/9), nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong 37 năm. Đầu năm nay, GBP giữ ở mức 1,35 USD.
Euro tăng giá so với đồng bảng Anh
Trong khi một số người ủng hộ kế hoạch của chính phủ cho rằng sự mạnh lên của đồng USD trong năm nay là nguyên nhân dẫn đến sự trượt giá của đồng bảng, song trên thực tế đồng bảng cũng giảm giá so với đồng euro.
Đồng tiền chung châu Âu đang giao dịch quanh mức 0,89 GBP, so với mức 0,84 GBP vào đầu năm, dù Khu vực đồng euro (Eurozone) đang phải đối mặt với những thách thức lớn, từ khủng hoảng năng lượng đến nguy cơ suy thoái.
Biến động của lợi suất trái phiếu
Lợi suất trái phiếu của chính phủ Anh đã tăng vọt sau khi nước này công bố bản “ngân sách nhỏ”. Theo phân tích của hãng Reuters dựa trên dữ liệu của Refinitiv và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), lợi suất trái phiếu đang hướng đến mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1957.
Kể từ đầu tháng 9, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, được dùng làm tham chiếu cho các khoản vay thế chấp mua nhà và các loại lãi suất vay khác, đã tăng từ 2,882% lên 4,073%.
Diễn biến trái chiều của lợi suất và đồng bảng đã khiến một số ngân hàng tạm dừng cho vay mua nhà mới và rút lại một số chương trình cho vay thế chấp.
Phản ứng của BoE
Một câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu BoE có tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất hay không, sau khi ngân hàng trung ương này đã tăng lãi suất từ 0,1% lên 2,25% trong 9 tháng qua.
Trong một bài phát biểu, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết tổ chức hoạch định chính sách độc lập này sẽ không do dự trong việc điều chỉnh lãi suất nếu cần. Dù vậy, ông Bailey lưu ý quyết định tiếp theo về chính sách lãi suất sẽ được đưa ra tại cuộc họp tháng 11. Phát biểu này đã làm giảm những đồn đoán về khả năng BoE tăng lãi suất khẩn cấp hoặc can thiệp để nâng giá đồng bảng Anh.
Tuy nhiên, mới đây, BoE thông báo sẽ can thiệp để làm dịu thị trường trái phiếu. Theo đó, BoE cho biết họ sẽ tạm thời mua vào trái phiếu dài hạn từ ngày 28/9 để xoa dịu thị trường và hoãn kế hoạch bán tài sản này.
Ngân hàng trung ương trên khẳng định sẽ không để tình trạng lộn xộn tiếp tục diễn ra, nếu không sự ổn định của hệ thống tài chính Anh sẽ gặp rủi ro.
Sự can thiệp của BoE đã làm dịu thị trường khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm có thời điểm giảm hơn 50 điểm cơ bản trong phiên 28/9.
Ông Kenneth Broux, chiến lược gia tiền tệ tại ngân hàng Societe Generale (Pháp), cho biết BoE đã phải hành động khi "niềm tin hoàn toàn bốc hơi". Ông nói: “Lợi suất trái phiếu tăng cao đe dọa thị trường nhà đất và nền kinh tế nói chung”.
Trong khi đó, ông Chris Turner, chuyên gia tại tổ chức tài chính ING, nhận định nhiều nhà giao dịch vẫn bi quan về triển vọng của đồng bảng Anh. Theo ông Turner, sự can thiệp của BoE sẽ tạo thêm dư địa cho chính phủ tiếp tục kế hoạch tài khóa.