|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Di sản thừa kế' của tân Thủ tướng Anh: Một nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái

10:48 | 06/09/2022
Chia sẻ
Thủ tướng mới của nước Anh sẽ nhậm chức trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục, đồng bảng mất giá, khủng hoảng năng lượng trầm trọng đi kèm với thiếu hụt lao động quy mô lớn.

Bà Liz Truss sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế mà chính quyền cựu Thủ tướng Boris Johnson để lại. (Hình minh họa: News Times). 

Tân Thủ tướng Liz Truss sẽ là một trong các nhà lãnh đạo Anh phải đối mặt với những thách thức khó khăn nhất khi lên nắm quyền trong lịch sử. Nền kinh tế Anh có thể sắp bước vào suy thoái, lạm phát đang ở mức cao nhất trong hàng thập kỷ và các hộ gia đình phải đối mặt với hóa đơn điện cao chót vót vì cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Tốc độ tăng trưởng năng suất đã giảm xuống một nửa kể từ đầu những năm 2000, tiền lương thực tế giảm sút, đồng bảng chơi vơi gần mức thấp kỷ lục và tình trạng dân số già hoá ngày càng tăng thêm áp lực lên dịch vụ công.

Việc rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã cản trở hoạt động giao thương của Anh với đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Đồng thời, các hạn chế nhập cư cũng ngăn Anh tiếp cận với nguồn lao động giá rẻ ở châu Âu.

Điều này đang góp phần khiến khủng hoảng lao động của Anh trở nên trầm trọng hơn bất kỳ quốc gia nào ở lục địa già. Khủng hoảng năng lượng và thiếu hụt lao động là sự kết hợp lý tưởng để lạm phát leo thang. 

Theo tờ Wall Street Journal, OCED dự đoán Anh sẽ là quốc gia ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp nhất và tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhóm G7 vào năm tới. OECD cho rằng Anh sẽ tăng trưởng 0% trong năm 2023 và lạm phát leo lên đến 7,4%. 

 

Trừ khi có sự can thiệp lớn của chính phủ, bộ đôi giá năng lượng cao và tiền lương thấp đi sẽ khiến thu nhập khả dụng trung bình hàng năm của các hộ gia đình Anh hao hụt khoảng 3.000 bảng (tương đương 3.500 USD) vào năm 2024 . Theo tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation, đây sẽ là đợt suy giảm mức sống lớn nhất trong 100 năm qua tại Anh.

Người dân bất mãn

Tân Thủ tướng Liz Truss vẫn chưa vạch ra kế hoạch nào để xoa dịu cuộc “khủng hoảng chi phí sinh hoạt” hiện tại. Bà tranh cử dựa trên lời hứa hẹn giảm thuế để phục hồi nền kinh tế thay vì tăng chi tiêu chính phủ.

Tuy nhiên dự kiến trong những ngày tới, bà sẽ công bố biện pháp can thiệp lớn của nhà nước để giúp đỡ các hộ gia đình và doanh nghiệp xoay xở với giá khí đốt đắt đỏ. Động thái này có thể đẩy khối nợ của chính phủ lên cao đáng kể.

Bà Truss sẽ phải tìm cách giảm bớt làn sóng bất mãn của công chúng. Tăng trưởng tiền lương không theo kịp giá cả và vô số cuộc đình công đã xảy ra trong thời gian gần đây, bao gồm cuộc đình công lớn nhất ngành đường sắt kể từ năm 1989.

Nguy cơ suy thoái đã làm đồng bảng suy yếu, xuống gần mức thấp nhất kể từ thập niên 1990, khiến việc đi lại và nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Anh là nước nhập khẩu ròng năng lượng, thực phẩm và sản phẩm chế tạo, và do đó rất dễ bị tổn thương khi có sự biến động giá mạnh trên toàn cầu.

Người Anh đang phải vật lộn để có được hộ chiếu, đăng ký bằng lái xe hay đặt lịch hẹn khám bệnh bởi dịch vụ công đã rạn nứt sau đại dịch COVID-19 và thiếu thốn tiền tài trợ của chính phủ. 

Các nhà phân tích nói rằng cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh đang lộ ra các dấu hiệu căng thẳng nghiêm trọng. Vào tháng 7, những người bị bỏng hoặc đột quỵ ở Anh trung bình phải chờ một tiếng để lên xe cứu thương, lâu hơn hẳn mục tiêu 18 phút.

Hồi đầu mùa hè, ông Michael Gove, quan chức cấp cao trong chính quyền cựu Thủ tướng Boris Johnson đã thừa nhận rằng nhiều bộ phận của nhà nước “không thể vận hành”.

Tình hình sẽ còn tồi tệ đi vào những tháng mùa đông, khi giá lạnh kéo theo chi phí năng lượng của hộ gia đình và doanh nghiệp tăng vọt.

Theo ước tính của cơ quan quản lý năng lượng Ofgem, bắt đầu từ tháng 10, trung bình một hộ gia đình Anh sẽ tốn 3.540 bảng/năm để sưởi ấm nhà ở, gấp ba lần chi phí năm ngoái. Hãng tư vấn năng lượng Cornwall Insight cảnh báo con số này có thể nhảy vọt lên 5.300 bảng/năm vào tháng 4 năm sau.

 

Đức có các kho dự trữ khí tự nhiên lớn trong nước. Nhưng Anh đã đóng cửa kho trữ cuối cùng vào năm 2017, đồng nghĩa với việc nước này không có bất kỳ “bộ đệm” nào để hấp thụ các cú sốc trên thị trường khí đốt giao ngay. Giờ đây chính phủ Anh đang gấp rút mở lại cơ sở này.

Một số nước châu Âu đã đặt ra các chính sách lớn để bảo vệ người tiêu dùng trước giá năng lượng đắt đỏ. Nhưng Anh chưa có các chính sách với quy mô xứng tầm. Thay vào đó, chính phủ đang thiết lập kế hoạc để giảm tiêu thụ năng lượng trong mùa đông.

Ông Andreas Antona, chủ sở hữu nhà hàng Simpsons tại Birmingham chia sẻ với Wall Street Journal: “Tôi cảm thấy mình đang đứng trên bờ vực thẳm và tự hỏi: ‘Khi nào thì chúng ta sẽ rơi xuống?'" Hơn 80 nhân viên của ông đang đòi tăng lương để trang trải chi phí. Nhưng ông cũng lực bất tòng tâm vì không thể tăng giá bán cho khách hàng.

Chính phủ Anh đã cam kết một số sự trợ giúp để các hộ gia đình đối phó với giá năng lượng tăng, nhưng không đề ra chính sách tương tự cho doanh nghiệp nhỏ như nhà hàng và quán rượu. Trong quý II, số vụ phá sản ở Anh nhảy vọt 80% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5.629 trường hợp, theo thống kê của chính phủ. Các nhà kinh tế cảnh báo làn sóng phá sản khác sẽ xảy ra vào mùa đông.

Kế hoạch của tân Thủ tướng

Bà Truss khẳng định Anh có thể tránh khỏi suy thoái và sắp công bố kế hoạch kinh tế chi tiết trong những ngày tới. Các chính trị gia thân cận với bà Truss ủng hộ tăng cường nguồn cung năng lượng bằng công nghệ phá khối đá phiến bằng thủy lực (fracking) hoặc khai thác thêm dầu khí ở Biển Bắc.

Bà phát biểu: “Tôi sẽ làm việc để giải quyết các vấn đề nguồn cung và đồng thời đảm bảo mọi người có thêm tiền trong ví”. Dự kiến chính quyền của bà Truss sẽ tung ra gói hỗ trợ cho các gia đình nghèo và doanh nghiệp. Bà cũng từng nhắc đến khả năng xem xét lại nhiệm vụ của ngân hàng trung ương Anh và cho chính phủ nhiều quyền lực hơn để cắt giảm các quy định tài chính.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng chính quyền của bà Truss sẽ phải công bố gói giải cứu lớn hơn cho doanh nghiệp và hộ gia đình nếu muốn tránh một cuộc suy thoái sâu và làn sóng phá sản vào mùa đông tới.

Sheila Correll, một cụ bà 80 tuổi sống bằng tiền hưu trí nhà nước nói rằng gần đây bà còn e ngại đi mua sắm vì giá cả leo thang. Bà mô tả: “Giá đâu chỉ tăng theo từng xu một, mà là theo một bảng, hai bảng, và cứ liên tục nhảy múa. Giờ đây tôi tránh xa mua sắm vì việc này quá đáng sợ”.

Giang