Tân Thủ tướng Anh hứng bão lớn vì ngân sách nhỏ
Chiến thắng quan trọng
Ngày 5/9, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã giành chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí Thủ tướng tiếp theo của Anh giữa bối cảnh vương quốc này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, bất ổn trong lĩnh vực công nghiệp và suy thoái.
Kế nhiệm ông Boris Johnson, bà Truss trở thành Thủ tướng thứ tư của Đảng Bảo thủ kể từ cuộc bầu cử năm 2015. Bà Truss, 47 tuổi, cam kết nhanh chóng hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh, với tuyên bố trong vòng một tuần, bà sẽ đưa ra một kế hoạch để ứng phó với đà tăng của hóa đơn năng lượn và đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu trong tương lai.
Trong chiến dịch tranh cử, bà Truss đã báo hiệu về khả năng bà sẽ đi ngược lại những quy ước về kinh tế với việc cắt giảm thuế, động thái có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn, theo một số nhà kinh tế.
Nội các mới
Ngày 7/9, bà Truss đã bổ nhiệm một nội các mới theo yêu cầu chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II. Theo đó, 15 gương mặt mới đã được chỉ định để nắm giữ các vị trí hàng đầu trong chính phủ, đồng thời giữ lại 16 thành viên từ nội các trước.
Trong số các quan chức cao cấp nhất, ông Kwasi Kwarteng đã được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính Anh, thay thế ông Nadhim Zahawi và trở thành bộ trưởng da màu đầu tiên của Đảng Bảo thủ.
Ngân sách nhỏ
Ngày 23/9, Chính phủ Anh đã công bố một "ngân sách nhỏ" mới tại quốc hội, với mục tiêu giảm thuế hộ gia đình và hóa đơn năng lượng trong khi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là bản ngân sách giảm thuế mạnh nhất của Anh kể từ năm 1972. Chính sách giảm thuế khiến cho nguồn thu của chính phủ suy giảm nên kế hoạch này có tên gọi là "ngân sách nhỏ".
Theo ông Kwarteng, ngân sách mới sẽ giải quyết ba vấn đề chính: đảm bảo giá năng lượng, hỗ trợ bình đẳng cho các doanh nghiệp và cấp nguồn vốn cho thị trường năng lượng.
Kế hoạch ngân sách dự kiến sẽ giảm sàn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 19% và mức trần từ 45% xuống 40%.
Sự hỗn loạn trên thị trường tài chính
Chương trình giảm thuế của ông Kwarteng và chính sách đóng băng giá năng lượng nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang có nguy cơ rơi vào suy thoái của Anh đã gây ra tác động ngược lại khi các nhà giao dịch cảnh báo về gánh nặng nợ để chi trả cho chương trình.
Lợi suất trái phiếu của chính phủ Anh đã tăng vọt và đồng bảng rơi xuống mức thấp kỷ lục 1,035 USD/bảng hôm 26/9, khi kế hoạch cắt giảm thuế làm rung chuyển thị trường.
Sự can thiệp của BoE
Trong một động thái bất thường, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 27/9 cho biết đang "theo dõi chặt chẽ" các diễn biến tại Anh và kêu gọi London thay đổi cách tiếp cận.
Ngày 28/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã vào cuộc để củng cố niềm tin của thị trường sau khi IMF chỉ trích kế hoạch ngân sách của Anh, cảnh báo kế hoạch này "có thể gia tăng bất bình đẳng" và làm trầm trọng thêm lạm phát.
BoE thông báo tạm thời chi 65 tỷ bảng Anh (73 tỷ USD) để mua trái phiếu chính phủ dài hạn nhằm bình ổn thị trường. Dòng tiền từ BoE giúp cho giá trái phiếu tăng lên và đẩy lợi suất đi xuống do giá trái phiếu và lợi suất biến động ngược chiều.
Hành động giải cứu của BoE giúp các quỹ hưu trí đầu tư mạnh vào trái phiếu chính phủ Anh có cơ hội tái cơ cấu danh mục, tránh thua lỗ vì vì giá trái phiếu tụt dốc.
Bảo vệ kế hoạch kinh tế
Ngày 29/9, bà Truss đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch kinh tế đồng thời khẳng định bà sẵn sàng đưa ra "những quyết định khó khăn" để phát triển kinh tế.
Trong những bình luận công khai đầu tiên sau sự hỗn loạn do bản ngân sách nhỏ, bà Truss nhận định nước Anh đang đối mặt với thời kỳ kinh tế rất khó khăn và các vấn đề trở nên trầm trọng hơn do xung đột Nga-Ukraine.
Cú quay xe bất ngờ
Sau lời chỉ trích từ nhiều phía, chính phủ Anh đã đảo ngược kế hoạch cắt giảm khung trần thuế thu nhập. Ông Kwarteng cho biết kế hoạch này tiêu tốn khoảng 2 tỷ bảng Anh (2,2 tỷ USD) trong kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng Anh (50,4 tỷ USD) và đã gây mất tập trung khi London nỗ lực đối phó những thách thức hiện nay.
Tân Bộ trưởng Tài chính
Trước những chỉ trích gia tăng đối với bản ngân ngân sách nhỏ, ngày 14/10, bà Truss đã quyết định bổ nhiệm ông Jeremy Hunt thay thế ông Kwarteng và giữ chức Bộ trưởng Tài chính, đồng thời hủy bỏ kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Truss cho biết thuế suất thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng lên 25% kể từ tháng 4/2023. Động thái này sẽ giúp tăng thu ngân sách thêm 18 tỷ bảng (20 tỷ USD).
Nhà báo Jonah Hull của tờ Al Jazeera nhận định ông Hunt là người có uy tín trong đảng và có thể giúp bà Truss mang lại sự ổn định cho nội các. Theo Al Jazeera, ông Hunt không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính nhưng lại có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề của chính phủ.