|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Anh nỗ lực khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào năm 2023

21:23 | 16/12/2022
Chia sẻ
Các nhà đầu tư lớn đang xem xét lại sự hỗ trợ của họ đối với nền kinh tế Anh sau nhiều tháng biến động chính trị và những bất ổn dai dẳng từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), giữa bối cảnh các chuyên gia dự đoán sự phục hồi của nước này sau suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra chậm và chịu nhiều tổn thương.
Trong khi các nước trên toàn thế giới đang vật lộn với lạm phát cao và tăng trưởng thấp, các nhà hoạch định chính sách của Vương quốc Anh vẫn đang tìm cách xây dựng lại uy tín chính trị và tài chính sau nhiệm kỳ ngắn ngủi và hỗn loạn của cựu Thủ tướng Liz Truss.

Các nhân vật hàng đầu của ngành tài chính nói rằng, ngay cả khi bà Truss rời vị trí Thủ tướng, thị trường lao động thắt chặt, đầu tư kinh doanh thấp và xuất khẩu yếu đồng nghĩa với việc nền kinh tế Anh sẽ tụt hậu so với các nước khác trong năm tới. Những lo lắng về tăng trưởng đang khiến một số nhà đầu tư hạn chế nắm giữ đồng bảng Anh và trái phiếu Chính phủ Anh.

Vincent Mortier, Giám đốc đầu tư của Amundi, nhà quản lý quỹ lớn nhất châu Âu với khối tài sản quản lý trị giá 1.900 tỷ euro (1.980 tỷ USD) cho biết: “Hiện tại, chúng tôi cho rằng rủi ro quá cao so với lợi ích khi đầu tư vào Anh".

Các nhà đầu tư nước ngoài có truyền thống bị thu hút bởi nền pháp quyền mạnh mẽ, quản trị ổn định, lĩnh vực tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp phát triển mạnh của Anh. Nhưng một nền kinh tế mở có nghĩa là bất kỳ thay đổi nào trong nhận thức đều có thể có tác động lớn.

Việc bà Liz Truss - được bầu bởi đảng của bà, chứ không phải quốc gia - có thể gây áp lực lên Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường, khiến nền chính trị và tài chính của Anh bị giám sát chặt chẽ. Việc cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak thay thế bà đã làm dịu tình hình, nhưng các nhà đầu tư vẫn đang nghiền ngẫm về sự sụp đổ của hầu hết các quỹ hưu trí tại Anh và việc nước Anh tiến gần đến một thảm họa tài chính hoàn toàn do chính nước này tạo ra.

Dữ liệu từ mạng lưới quỹ đầu tư Calastone cho thấy, vào tháng 11/2022, các quỹ đầu tư của Anh đã chứng kiến dòng tiền hàng tháng chảy ra khỏi nước này ở mức lớn thứ hai trong lịch sử, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư vẫn cảnh giác kể từ khi những biến động chính trị lớn tại "xứ sở sương mù" diễn ra vào tháng Chín.

Năm 2022, đồng bảng Anh giảm khoảng 9% so với đồng USD và thấp hơn 3,5% so với đồng euro. Đây được coi là năm mà đồng bảng diễn biến tồi tệ nhất kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit làm chao đảo thị trường vào năm 2016.

Giống như các chính phủ khác, Anh - vốn chỉ có kế hoạch huy động hơn 300 tỷ bảng, chủ yếu bằng cách bán trái phiếu trong năm tài chính 2023-2024 - đã chứng kiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh vào năm 2022. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này hiện ở mức trên 3%, tăng hơn 2 điểm phần trăm, tương đương với lợi suất của trái phiếu Chính phủ Mỹ và Đức, nhưng nó khiến năm 2022 trở thành năm tồi tệ nhất đối với trái phiếu Chính phủ Anh kể từ năm 1994.

Nước Anh có thể sẽ phải chịu đựng một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài, với các dự báo chính thức đưa ra mức suy giảm 1,4% trong năm 2023 sắp tới. Vào tháng 3/2022, trước khi tác động đầy đủ của cuộc xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) được cảm nhận, kinh tế Anh được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,8% vào năm 2023.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's nhận thấy nợ của chính phủ Anh vẫn ở mức trên 100% Tổng sản phẩm quốc nội trong nhiều năm.
 
Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Federated Hermes, Saker Nusseibeh cho biết, bà Truss thất bại khi tăng cường vay mượn để thoát khỏi tình trạng tăng trưởng chậm đã gây ra thiệt hại nặng nề về uy tín của nền kinh tế Anh ở nước ngoài. Nhưng ông Nusseibeh cho rằng, bà Truss xứng đáng được ghi nhận vì đã thừa nhận sai lầm để ngăn chặn nhiều năm tăng trưởng trì trệ. Ông nói: “Mặc dù chính phủ đang tập trung vào việc khắc phục các vấn đề trong quá khứ, nhưng hiện tại, sự tập trung vào bức tranh toàn cảnh về dài hạn đang còn thiếu”. Ông Nusseibeh kêu gọi chính phủ Anh tăng cường quan hệ thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu để cải thiện triển vọng kinh tế.

Cựu Thống đốc BoE Mark Carney từng cảnh báo vào năm 2016 rằng nước Anh phụ thuộc vào "lòng tốt của những người xa lạ", khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm gần một nửa dòng vốn ròng từ nước ngoài đổ vào nước này. Trong dữ liệu mới nhất, tính đến quý II/2022, FDI chiếm hơn một nửa dòng vốn ròng đổ ra nước ngoài của Anh - kết quả của việc Anh đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài nhưng đầu tư vào trong nước suy yếu. Tuy vậy, dữ liệu này có thể bị ảnh hưởng bởi những gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID-19.

Cũng có những lo ngại về việc các doanh nghiệp Anh sẵn sàng đầu tư bao nhiêu vào thiết bị, xây dựng và đào tạo nhân viên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ gốc rễ. Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hiệu suất đầu tư kinh doanh của Anh tính đến quý II/2022 thấp hơn 6% so với mức vào giữa năm 2016, trong khi đối với Pháp là mức tăng 23%, 19% đối với Mỹ và 4% đối với Đức. Hoạt động đầu tư kém hiệu quả có nghĩa là năng suất đang bị tụt lại, khiến Liên đoàn Công nghiệp Anh cảnh báo về việc đánh mất "một thập kỷ tăng trưởng".

Cùng với việc tăng thuế và hạn chế chi tiêu để giải quyết vấn đề tài chính công, tân Thủ tướng Rishi Sunak đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt tìm cách bảo vệ vị thế của London là trung tâm thương mại và ngân hàng của châu Âu. Việc thay đổi quy tắc tài chính nhằm sử dụng hiệu quả hơn hàng nghìn tỷ bảng Anh giao dịch qua trung tâm tài chính London để thúc đẩy tăng trưởng và duy trì các khoản thu thuế cũng đang được chính phủ ưu tiên.

Minh Trang (Theo Reuters)