Động thái 'quay xe' của chính phủ Anh có thể không đủ để dập tắt sự hỗn loạn trên thị trường
Ngay đầu tuần này, ngày 3/10, Thủ tướng Anh Liz Truss đã tuyên bố từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuế cho các cá nhân có thu nhập cao, sau khi thị trường tài chính rơi vào hỗn loạn và đồng bảng Anh tụt xuống mức thấp kỷ lục.
Trước đó, ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Kwasi Kwarteng đã công bố kế hoạch “ngân sách thu nhỏ”, trong đó có việc bãi bỏ thuế suất 45% đối với những người có thu nhập hàng năm trên 150.000 bảng Anh (tương đương 166.770 USD).
Theo tính toán của bộ này, việc giảm thuế sẽ giúp 660.000 người Anh tiết kiệm trung bình khoảng 10.000 bảng. Đồng thời, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân của Anh sẽ hụt khoảng 45 tỷ bảng vào năm tài khoá 2026 - 2027.
Chia sẻ với CNBC, các nhà phân tích cho rằng động thái “quay xe” của chính quyền bà Truss bắt nguồn từ động cơ chính trị và khó có thể giúp trấn an thị trường tài chính đang trong cơn hoảng loạn.
Ông Paul Dales - kinh tế trưởng của công ty tư vấn kinh tế Capital Economics tại Anh, cho rằng việc giảm thuế sẽ có tác động rất hạn chế đến doanh thu của chính phủ.
Tính toán của vị chuyên gia cho thấy, đề xuất này chỉ khiến doanh thu mất khoảng 2 tỷ bảng. Do đó, quyết định cắt giảm thuế trước đó của bà Truss xuất phát từ động lực chính trị hơn là kinh tế.
Nhà phân tích thị trường Susannah Streeter của công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown nhận xét: “Việc chính phủ Anh đảo chiều rõ ràng là nhằm hạn chế bất ổn chính trị [xoay quanh đề xuất cắt giảm thuế] gia tăng”.
Người dân đã chỉ trích gay gắt kế hoạch của bà Truss. Họ cho rằng đề xuất này có lợi cho người giàu nhưng không giúp ích cho những người có thu nhập thấp. Bà Streeter có cùng nhận định như vậy.
Trong một bài đăng đầu ngày 3/10, Bộ trưởng Kwarteng thừa nhận quyết định cắt giảm thuế đối với người có thu nhập cao cho thấy chính quyền mới “đang sao nhãng khỏi sứ mệnh quan trọng là giải quyết các thách thức mà đất nước đang phải đối mặt”.
Giờ đây, thị trường tài chính đang đồn đoán rất nhiều về các bước đi tiếp theo của chính quyền Thủ tướng Liz Truss, rằng liệu họ sẽ lựa chọn cắt giảm khoản thu nào khác để kích thích nền kinh tế.
Bà Jane Foley - chiến lược gia ngoại hối tại Rabobank, nhận xét: “Nếu nhà đầu tư không tin tưởng vào chính sách của London, thị trường trái phiếu chính phủ Anh sẽ tiếp tục gặp nguy, đồng bảng cũng vậy. Đến giờ, tôi tin là thị trường vẫn chưa thoát khỏi khó khăn”.
Đồng bảng đã tăng nhẹ sau cú xoay chiều của chính phủ, theo ghi nhận của CNBC. Lợi suất trái phiếu xuống thấp hơn, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm mất 2 điểm cơ bản xuống 4,068% - mức từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ông Dales của Capital Economics dự đoán thêm: “Gói kích thích tài khoá của Anh có thể không lớn như tất cả chúng ta tưởng trước đó, nhưng chắc chắn là Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải tăng lãi suất lên cao hơn sau kế hoạch này”.
Kỳ vọng của nhà đầu tư về lãi suất của BoE đã tăng mạnh sau thông báo ngân sách ngày 23/9. Riêng bà Streeter dự đoán lãi suất chuẩn tại Anh sẽ tăng ít nhất lên 5,5% vào năm tới.