Tâm lý 'mua sắm trả thù' sẽ là cú hích cho doanh nghiệp bán lẻ năm tới
Theo thống kê của Q&Me, hiện thị trường tiêu dùng bán lẻ Việt Nam có kênh truyền thống (GT) vẫn chiếm tỷ lệ lớn 80%, bao gồm cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống,… và 20% còn lại là kênh hiện đại (MT) bao gồm siêu thị, mini stores, online,… Và xu hướng sẽ dịch chuyển thành 70% GT - 30% MT vào năm 2025.
Bên cạnh đó, kênh MT đang được thống lĩnh bởi các doanh nghiệp lớn gồm CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) với 4.610 cửa hàng tính tới cuối tháng 6 năm nay cho ba thương hiệu Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Bách hóa Xanh;
CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) với 2.524 cửa hàng VinMart+ và 122 siêu thị VinMart; CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) với 339 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc; và CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) với 80 trung tâm thương mại (TTTM) chiếm 40% thị phần TTTM.
Theo báo cáo từ Chứng khoán BSC, các doanh nghiệp lớn trong ngành tiêu dùng đều có kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng với tốc độ mở mới từ 15 - 25% trong năm nay.
Qua đó, BSC cho rằng các doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ năm 2022 sẽ phục hồi lại tăng trưởng nhờ mở rộng quy mô chuỗi cửa hàng, thu nhập phục hồi và sức mua của người tiêu dùng tăng trở lại đặc biệt cú hích "mua sắm trả thù".
Đồng thời, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi hành vi của người tiêu dùng sẽ gia tăng vào kênh hiện đại MT nhờ sự tiện lợi, an toàn vệ sinh và xu hướng chuyển đổi số.
Báo cáo của BSC đưa ra số liệu tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 2,5 triệu tỷ, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, nhờ nhu cầu phục hồi từ cuối năm 2020.
Số liệu quý II của Tổng cục Thống kê cho thấy nhóm bán lẻ hàng hóa tăng 2,6% so với cùng kỳ và chiếm gần 81% tổng doanh số bán lẻ. Tuy nhiên mức tăng này thấp hơn so với quý I là 5,3% do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ cuối tháng 5.
Nhóm ngành còn lại giảm nhẹ 0,04% so với mức nền thấp cùng kỳ năm 2020, chiếm 19% tổng doanh số bán lẻ. Nhóm này bao gồm dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và dịch vụ khác, do chưa thể phục hồi sau 4 đợt tái bùng phát COVID-19 trên diện rộng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa hàng quý và cơ cấu doanh thu ngành tiêu dùng trong quý II/2021. (Nguồn: Tổng cục Thống kê).
Nhóm tiêu dùng duy trì đà tăng trong quý III, hàng điện tử tiếp tục hưởng lợi
Sự tái bùng phát dịch bệnh vào cuối tháng 5 và Chỉ thị 16 áp dụng lên 19 tỉnh thành phía Nam, đặc biệt tại TP HCM, đã dẫn đến 4 vấn đề khó khăn: Nhu cầu tích trữ thực phẩm tăng cao do hạn chế di chuyển; các ngành hàng không thiết yếu và chợ truyền thống đóng cửa; triển khai học tập và làm việc tại nhà; và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thu nhập trung bình người dân bị suy giảm.
Vì vậy, BSC đã đưa ra những dự báo khác nhau đối với từng ngành hàng tiêu dùng trong quý III. Cụ thể, đối với hàng tiêu dùng thiết yếu (thịt, cá,...) trong quý III sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu tích trữ lương thực.
Hàng điện tử (điện thoại, laptop,...) sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu học tập và làm việc tại nhà và quý III là quý cao điểm của mùa tựu trường. Tuy nhiên, với mức nền cao của năm 2020, đặc tính sản phẩm (tuổi thọ và thời gian hay đổi sản phẩm từ 2 - 3 năm) và vận chuyển khó khăn do giãn cách xã hội, BSC cho rằng các doanh nghiệp khó có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Đối với nhóm hàng không thiết yếu, BSC cho rằng các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi các cửa hàng vật lý (chiếm hơn 90% doanh thu) buộc phải đóng cửa và thu nhập trung bình người dân bị ảnh hưởng sau 4 đợt dịch từ năm 2020 đến nay.