|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tâm lý e ngại được cởi bỏ, nhiều người muốn đến các cửa hàng mua sắm dịp cuối năm khiến tốc độ tăng trưởng TMĐT chững lại

07:21 | 23/11/2021
Chia sẻ
Cuộc sống bình thường đang dần hồi phục và kéo theo cả những thói quen mua sắm cũ của người tiêu dùng quay trở lại.

Năm 2021 là một năm không dễ chịu với kinh tế thế giới nói chung và ngành bán lẻ nói riêng, các đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Delta đã gây ra tác động vô cùng lớn. Và những ảnh hưởng đó đã phần nào khiến thói quen mua sắmcủa người tiêu dùng phần nào bị ảnh hưởng.

Cộng với việc tỉ lệ phủ vắc xin đang tăng mạnh và các nước đã dần chuyển sang thích nghi với dịch bệnh, cuộc sống bình thường đang trở lại, kéo theo những thói quen mua sắm truyền thông gia tăng, đặc biệt là dịp mua sắm cuối năm. Dưới đây là một số dự đoán về xu hướng mua sắm sẽ diễn ra vào cuối năm do đài CNBC nêu ra:

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử sẽ chậm lại

Dù đã có một năm 2020 tăng trưởng mạnh, thương mại điện tử sẽ chứng kiến khoảng thời gian chững lại vào  đoạn cuối năm 2021, theo phân tích của Adobe. Theo đó, doanh số bán hàng trực tuyến tại Mỹ trong mùa mua sắm cuối năm dự kiến sẽ tăng 10%, đạt 207 tỷ USD, tăng trưởng chậm hơn so với năm ngoái khi con số đạt được vào giai đoạn cuối năm 2020 là 33%. Đây là tính toán của Adobe dựa vào quá trình theo dõi 100 triệu sản phẩm trên 18 danh mục.

Vivek Pandya, nhà phân tích hàng đầu của Adobe Digital Insights cho biết: "Có rất nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô đang diễn ra... Điều này có thể thúc đẩy người tiêu dùng dao động giữa việc mua hàng trực tuyến sang ngoại tuyến". Tuy nhiên, Adobe dự đoán đây sẽ là kỳ nghỉ lễ đầu tiên mà chi tiêu trực tuyến sẽ vượt mốc 200 tỷ USD.

Xu hướng mua sắm cuối năm khi ngành bán lẻ gượng dậy sau cơn bão COVID-19 - Ảnh 1.

Thói quen mua sắm cuối năm sẽ có nhiều thay đổi so với mọi năm. (Ảnh: Reuters).

Người tiêu dùng chọn ghé thăm cửa hàng truyền thống

Những hình ảnh đám đông săn sale vào mỗi dịp Black Friday có lẽ không còn hiếm nhưng liệu trong lúc dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, điều này có còn diễn ra? Theo CNBC, các cửa hàng sẽ đón một mùa Black Friday bận rộn hơn mọi năm khi tâm lý e ngại ra đường của người tiêu dùng đã được cởi bỏ 

Theo Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ dự đoán, trong dịp Lễ Tạ Ơn và Cyber Monday năm nay, sẽ thêm gần 2 triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng. Kết quả khảo sát của Prosper Insights & Analytics cho thấy 64 % người tham gia mong được ghé tới cửa hàng mua sắm, tăng 51% so với năm ngoái.

Người tiêu dùng cho rằng họ có thể được sờ, cảm nhận sản phẩm và có nhiều lựa chọn hơn khi được đến cửa hàng mua sắm. Hơn 3/4 số người tham gia khảo sát cho biết họ dự định đến các trung tâm mua sắm để ăn hoặc sử dụng các dịch vụ khác. 

Jean-Marie Tritant, chủ sở hữu trung tâm thương mại toàn cầu Unibail-Rodamco-Westfield cho biết: "Tỷ lệ tiêm chủng đang được cải thiện ở một số khu vực, đặc biệt là ở California. Vì vậy, mọi người thậm chí còn cảm thấy thoải mái hơn khi trở lại những nơi họ có thể tụ tập."

Mua trước, trả sau

Trong một năm bị đại dịch COVID-19 gây ra tác động nặng nề tới tài chính, người tiêu dùng sẽ không phải lo lắng nhiều vì đã có một xu hướng thanh toán mới xuất hiện trong mùa mua sắm năm nay: Mua trước, trả sau.

CNBC nhận định việc sử dụng hình thức trả góp dự kiến sẽ trở nên phổ biến trong mùa lễ năm nay. Bên cạnh đó là hình thức thanh toán giúp người dùng có thể mang món hàng về nhà và trả tiền sau.

Với nhiều ông lớn bán lẻ Mỹ như Macy's, Walmart và Target... hình thức mua trước trả sau đang dần trở nên phổ biến hơn. Doanh thu trực tuyến thông qua hình thức thanh toán mới này đã tăng 10% trong năm nay so với năm 2020 và tăng 45% so với năm 2019, theo dữ liệu từ Adobe Analytics. 

Một trong bốn người tham gia một cuộc khảo sát của Adobe cho biết họ đã sử dụng các gói mua trước trả sau trong ba tháng qua.

Trải nghiệm về tinh thần được đề cao

Nếu như mọi năm, người tiêu dùng Mỹ có xu hướng mua những món quà bằng hiện vật để tặng cho nhau thì giờ họ lại muốn được cùng người thân yêu trải nghiệm các dịch vụ, thứ giúp mang lại những điều mà họ đã bỏ lỡ trong năm: Đi spa; ăn tối nhà hàng, xem hòa nhạc...

Khoảng 43% người tiêu dùng có kế hoạch chuyển hướng chi tiêu của họ sang các trải nghiệm và quà tặng dịch vụ trong mùa lễ này, theo một cuộc khảo sát mua sắm vào dịp lễ cuối năm do công ty tư vấn Accenture thực hiện. 

Con số này thậm chí còn cao hơn ở các thế hệ trẻ, với 53% thuộc thế hệ millennials và 50% thuộc thế hệ Z cho biết họ đang chi tiền nhiều hơn cho các trải nghiệm. Trong khi, gần 70% người được hỏi dự định mua cùng hoặc nhiều thẻ quà tặng nhà hàng vào mùa lễ này so với năm ngoái và 47% dự định mua nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ làm đẹp giống nhau để làm quà tặng, chẳng hạn như làm móng tay. 

Đặc biệt, những món quà liên quan đến du lịch đều nằm trong danh sách cần chi. Theo khảo sát, 40% người thuộc thế hệ trẻ lớn tuổi từ 32 đến 39, có kế hoạch mua tour du lịch hoặc vé máy bay cho người thân trong kỳ nghỉ lễ. 

Thùy Trang