|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tập đoàn 'săn đầu người' Nhật Bản dự báo xu hướng việc làm tại Việt Nam: Bán lẻ thất thế, điện tử và ngân hàng lên ngôi

07:48 | 17/11/2021
Chia sẻ
Navigos dự báo các ngành như dệt may, ngân hàng và điện tử sẽ ghi nhận sự gia tăng về nhu cầu tuyển dụng trong quý IV và đầu năm 2022. Trái lại, các ngành điện tử, cơ khí, gỗ, năng lượng, tiêu dùng, bán lẻ chưa thể hồi phục nhu cầu tuyển dụng.

Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group mới đây vừa ban hành báo cáo về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam trong quý III và dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý IV/2021 và đầu năm 2022. Theo đó, Navigos đã nêu nhận định tích cực đối với ngành dệt may, ngân hàng và điện tử.

Động lực tuyển nhận sự: Có đơn hàng xuất khẩu, tăng tốc chuyển đổi số và dự án FDI

Theo Navigos, các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong ngành Dệt may phía Bắc vẫn duy trì sản xuất tốt ở thời điểm hiện tại do ảnh hưởng của COVID-19 ít hơn so với khu vực miền Nam. Đồng thời, rất nhiều DN có thêm các đơn hàng từ các vùng khác tại châu Á chuyển về Việt Nam do các vùng này chưa kiểm soát tốt dịch bệnh.

Chính vì vậy, các DN dệt may lớn và có uy tín đang rất ổn về đơn hàng hiện nay. Có những công ty đã nhận đơn hàng tới tận tháng 4/2022 và vẫn đang cần tuyển thêm lao động. Một số công ty cho biết lợi nhuận của họ thậm chí tăng gấp đôi trước đây.

Navigos dự báo việc tuyển dụng trong ngành dệt may có thể tăng do tăng đơn hàng từ một số DN nhưng cũng không quá nhiều. Ngoài ra, các DN nếu tuyển thì đa số sẽ là tuyển dụng thay thế cho các nhân sự đã nghỉ việc đồng thời củng cố thêm đội ngũ với những vị trí cần tay nghề và kỹ thuật cao.

Ở ngành Ngân hàng, Navigos cho rằng ngành này đang chạy đua chuyển đổi số, xu hướng chung được quan sát ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong thời gian qua, nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao vẫn tăng.

Đặc biệt, không chỉ các ngân hàng có quy mô lớn, các ngân hàng nhỏ hơn và một số công ty chứng khoán cũng đã lên kế hoạch và đầu tư cho việc chuyển đổi, thành lập các Ban dự án/Khối chuyển đổi. 

Theo đó, nhu cầu nhân sự các cấp cho các vị trí Công nghệ thông tin, Chuyển đổi số vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là các vị trí phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số.

Ngành nghề nào đang là xu hướng tuyển dụng trong quý IV và đầu năm 2022? - Ảnh 1.

Một dịch vụ đăng ký tài khoản ngân hàng mà không cần tới quầy giao dịch. (Ảnh: TP Bank).

Về ngành Điện tử, thị trường chứng kiến nhiều DN lớn vẫn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam thông qua các dự án lớn, trong đó có các dự án xây các trung tâm nghiên cứu (Research & Development – R&D) lớn. Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Đà Nẵng tiếp tục trở thành các địa phương nhận được các đầu tư rất lớn từ các dự án FDI này.

Navigos cho biết một số DN tại phía Bắc trong mảng này do có các phương án phòng chống COVID-19 hiệu quả nên vẫn duy trì được hoạt động sản xuất tốt, thậm chí có sự tăng trưởng nhẹ do nhận được nhiều đơn hàng sản xuất được chuyển về từ các chi nhánh khác đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, thị trường cũng quan sát thấy nhu cầu tuyển dụng lớn các ứng viên biết tiếng Trung do có sự dịch chuyển của các DN từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Nhiều ngành nghề giảm hoặc ngừng tuyển dụng trong quý IV

Ở các ngành khác như Điện – Điện tử, Cơ khí  Đồ gỗ, trong quý III, DN khu vực phía Nam giảm 70% nhu cầu tuyển dụng so với cùng kỳ năm 2020 do nhà máy phải đóng cửa tạm thời vì dịch COVID-19, điều này khiến các DN trong những mảng trên gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, DN muốn duy trì hoạt động thì cần phải thực hiện chính sách 3T mà chính sách này dẫn đến các tốn kém về chi phí. Do vậy, đã có nhiều DN lựa chọn đóng cửa tạm thời và chỉ mở cửa trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Đối với các DN vẫn hoạt động, họ tập trung thực hiện 3T nên không tập trung vào tuyển dụng.

Theo Navigos, dự báo trong 6 tháng tới, các ngành Điện – Điện tử có thể phục hồi trở lại với điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên với tốc độ chậm vì các đơn hàng sản xuất của quý IV đã được chuyển sang các nước khác.

Đối với các DN mảng Năng lượng, Navigos ước tính nhu cầu tuyển dụng trong quý IV tiếp tục ghi nhận sụt giảm.

Dưới tác động của COVID-19, nhiều nhà máy, DN trong mảng này phải đóng cửa tạm thời dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu sử dụng năng lượng. Việc phải cắt giảm công suất phát điện lên lưới từ 50% đến 70% khiến họ gặp rất nhiều khó khăn.

Navigos ghi nhận việc sụt giảm nhu cầu tuyển dụng cũng như mức chi trả thấp hơn cho các vị trí trong ngành năng lượng thời gian qua. Một số DN có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tuyển được nhân sự do mức lương đang trả thấp hơn so với thị trường, dẫn đến việc các DN này phải cắt giảm một số tiêu chí tuyển dụng nhưng cũng vẫn không tìm được ứng viên phù hợp. 

Việc tuyển dụng ứng viên người nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn do đó các DN có xu hướng cân nhắc tuyển các ứng viên hiện đang ở Việt Nam hoặc điều chuyển các nhân sự trong cùng tập đoàn nhưng đang làm việc tại các nước khác mà không tuyển mới các ứng viên bên ngoài.

Ngành nghề nào đang là xu hướng tuyển dụng trong quý IV và đầu năm 2022? - Ảnh 2.

Khó khăn bủa vây nhân sự ngành năng lượng. (Ảnh: TTXVN).

Ở ngành Hàng Tiêu dùng nhanhBán lẻ, Navigos dự báo các ngành này sẽ hoãn tuyển dụng và ngừng tuyển trong quý IV. Nguyên nhân chủ yếu là DN tập trung phòng chống dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn hoặc chủ duy trì ở mức thấp. 

Các ứng viên trong mảng này do ảnh hưởng bởi COVID-19 nên không cởi mở với các cơ hội mới nhằm đảm bảo sự an toàn trong công việc. Chính vì vậy, thị trường vẫn khan hiếm ứng viên tiềm năng cho các vị trí đang cần tuyển. 

Trong quý IV, các DN trong ngành Bán lẻ đang dần mở cửa trở lại, dự báo nhu cầu tuyển dụng có chiều hướng tăng nhẹ vào đầu năm 2022. Các DN trong ngành Hàng Tiêu dùng mảng thương mại vẫn đang tuyển dụng, tuy nhiên dự báo quý IV nhu cầu tuyển dụng có thể giảm nhẹ so với quý III.

Tường Vy