|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kỹ sư bỏ Thung lũng Silicon về Việt Nam khởi nghiệp trong ngành bán lẻ, muốn điều chỉnh hành vi khách hàng thông qua máy học

06:55 | 08/11/2021
Chia sẻ
Với Palexy, startup Việt Nam này muốn xoá nhoà ranh giới giữa thế giới thực và thế giới số trong lĩnh vực bán lẻ.

Khi khách hàng bước chân vào một cửa hàng quần áo ở Việt Nam, camera và máy tính sẽ tự động khởi động để tính toán tỷ lệ khách hàng trò chuyện với nhân viên, thực hiện mua sắm và nhiều chỉ số khác.

Phần mềm xử lý các số liệu này chính là Pelaxy, một trong những startup hiếm hoi của Việt Nam đang cung cấp các giải pháp học máy và ứng dụng vào trong lĩnh vực bán lẻ. Palexy cũng đang mở rộng tại Châu Á, theo Nikkei.

Kỹ sư bỏ Thung lũng Silicon về Việt Nam khởi nghiệp bằng startup trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Ông Đỗ Thông, CEO Palexy, giới thiệu về công nghệ mà startup do ông sáng lập công cấp. (Ảnh: Nikkei).

Điều chỉnh hành vi khách hàng nhờ máy học

Palexy so sánh dịch vụ của mình với công tác phân tích dữ liệu mà các sàn thương mại điện tử đang thực hiện để định hướng khách hàng, tuy nhiên, dịch vụ của Palexy lại ứng dụng trong bán lẻ truyền thống. 

Palexy khẳng định giúp các cửa hàng thúc đẩy doanh số bằng cách ghi lại hình ảnh từ camera và bổ sung công nghệ thị giác máy tính (computer vision). Đây cũng chính là công nghệ xe tự lái của Tesla áp dụng để phát hiện người đi bộ trên đường.

Dù vậy, cách tiếp cận này đòi hỏi một số lượng lớn dữ liệu. Vì thế, Palexy và các cửa hàng bán lẻ vấp phải nhiều sự tranh cãi liên quan đến vấn đề đạo đức, ví dụ như sự đồng thuận của khách hàng đến việc dùng kinh tế học hành vi để định hướng khách hàng.

Palexy kết hợp hai mảng kinh doanh chính là trực tuyến và trực tiếp. Với mô hình kinh doanh trực tuyến, các công ty phân tích dữ liệu hành vi người dùng trên website để xác định một số vấn đề như: Những gì người dùng đã để vào giỏ hàng nhưng không mua hoặc xu hướng tìm kiếm phổ biến nhất là gì.

Ở khía cạnh bán lẻ truyền thống, các cửa hàng vẫn áp dụng nhiều thủ thuật để khuyến khích người dùng mua hàng, ví dụ như đặt hàng gần quầy thu ngân hay mở nhạc giai điệu chậm để khuyến khích xem thêm hàng.

Thông qua dữ liệu, Palexy bổ sung thêm ứng dụng thị giác vào các "chiêu" truyền thống nói trên. Một khách hàng muốn tìm hiểu lý do vì sao quầy giày ở một cửa hàng lại bán kém hơn so với các cửa hàng khác. 

Lúc này, Palexy sẽ phân tích dữ liệu video từ camera để vẽ ra một "bản đồ điểm nóng" về thời gian khách hàng ở lại mỗi vị trí quầy hàng. Ví dụ như khách hàng có thể ở lại quầy hàng lâu hơn nếu có điều hoà ở gần. Dựa trên dữ liệu, khách hàng có thể tăng doanh số bán hàng bằng cách dịch chuyển quầy bán.

Khởi nghiệp tại Việt Nam

"Thương mại điện tử có nhiều dữ liệu", ông Đỗ Thông, CEO và đồng sáng lập Palexy, nói. "Dù vậy, cửa hàng truyền thống thiếu nhiều thông tin từ dữ liệu". Ông Đỗ Thông trở về Việt Nam từ Silicon Valley sau khi bán startup AI của mình, Arimo, cho Panasonic vào năm 2017.

Theo ông Thông, Châu Á sẽ là tâm điểm thu hút của trí tuệ nhân tạo (AI), dù vậy, Việt Nam đang đi sau ở mảng này. Tại Mỹ, thị giác máy tính chính là công nghệ giúp Amazon triển khai các ý tưởng như cửa hàng không cần thu ngân.

Vấn đề chính của thị giác máy tính, công nghệ cho phép xác định con người và vật trong hình ảnh, khi triển khai là đạt được độ chính xác.

Ông Đỗ Thông hào hứng chia sẻ với Nikkei về dữ liệu cấu cấu và phi cấu trúc. Để máy tính hiểu được dữ liệu thô, người dùng cần gắn nhãn cho dữ liệu. Chủ cửa hàng có thể gắn nhãn cho các điểm trong video, từ điểm thanh toán cho tới quầy hàng thời trang nữ. Đây là thứ giúp máy học được cách phân biệt con người. Người đứng sau quầy thu nhân nhiều khả năng là nhân viên cửa hàng.

Ông Đỗ Thông trình diễn bằng một video trên màn hình. Trong video này, khi khách hàng bước vào, phần mềm phát hiện khách hàng giới tính nam, tuổi từ 20 đến 30 và đánh dấu khách hàng bằng một hình hộp vuông. Ông Thông nói rằng phần mềm của Palexy đã được "dạy" thông qua 20 triệu lượt mua sắm như vật.

Doanh thu tháng chạm mốc 50.000 USD

Palexy đang lên kế hoạch mở rộng sang thị trường Trung Đông và các khu vực khác ở Châu Á vào năm 2022 trước khi mở rộng ra toàn cầu vào năm 2023. Hiện tại, startup này đã hoạt động tại 6 quốc gia, bao gồm Thái Lan và Nhật Bản, với xấp xỉ 100 khách hàng.

Dù vậy, khách hàng thường không biết mình đang bị theo dõi. Thu thập dữ liệu là không thể tránh khỏi, ông Amanuel Flobble, giám đốc Sunbytes, một công ty cải tiến vận hành thông qua phân tích dữ liệu, nói. Theo ông, các công ty sẽ đánh đổi giữa hiệu quả và việc dùng dữ liệu một cách đúng đắn.

"Nếu thông tin không nặc danh, sẽ có rủi ro", ông chia sẻ. Ông Đỗ Thông nói rằng dữ liệu của Palexy được "ẩn danh hoá" và Palexy sẽ xoá dữ liệu khách hàng trong vòng 24 giờ. Dù vậy, ông thừa nhận rằng sự tiện lợi dành cho khách hàng và vấn đề riêng tư có nhiều sự khác biệt giữa các quốc gia.

Hiện tại, doanh thu hàng tháng của Palexy chạm mốc 50.000 USD và startup đã đạt được điểm hoà vốn hồi tháng 4. Tháng 12 năm ngoái, nó gọi vốn thành công 1 triệu USD ở vòng hạt giống (seed) từ Do Ventures và Access Ventures.

Palexy đang tính toán từ 30 đến 40 chỉ số cho khách hàng. Startup này muốn mở rộng công nghệ của mình ra bên ngoài mảng bán lẻ và có thể sẽ hỗ trợ thêm các khách hàng của mình ở mạng thương mại điện tử vào năm 2022. "Sự khác biệt giữa thế giới thực và ảo sẽ bị xoá nhoà", ông Đỗ Thông nhấn mạnh.

Nam Khánh