|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup Đông Nam Á vừa được tỷ phú Jeff Bezos rót gần 90 triệu USD, chỉ ra ba câu hỏi quan trọng khi đi gọi vốn, trả lời được tỷ lệ thành công sẽ cao hơn

07:22 | 06/11/2021
Chia sẻ
Với kinh nghiệm vừa là nhà đầu tư, vừa là startup, Founder doanh nghiệp này tin rằng có ba câu hỏi mà bất kỳ nhà đàu tư nào cũng sẽ đặt ra trong mỗi vòng gọi vốn.

Vừa qua, Ula – một startup thương mại điện tử của Indonesia cho biết đã nhận được cái gật đầu từ Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon trong vòng goi vốn Series B có giá trị 87 triệu USD của mình, theo TechCrunch. Prosus Ventures, Tencent, và B Capital sẽ đóng vai trò các nhà đầu tư chính.

Trước vòng đầu tư này, các nhà đầu tư tên tuổi khác cũng góp vốn vào công ty gồm B Capital Group, Sequoia Capital Ấn Độ, Lightspeed Venture Partners và Quona Capital.

"Chúng tôi ra mắt vào năm 2020 và tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ cải thiện thu nhập bằng nền tảng công nghệ. Công ty thực hiện cách tiếp cận dài hạn để giải quyết các vấn đề cơ bản của các nhà bán lẻ truyền thống bằng cách đầu tư vào công nghệ, chuỗi cung ứng và hỗ trợ tín dụng", ông Nipun Mehra, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Ula chia sẻ.

Cũng theo nguồn tin, Jeff Bezos đã đồng ý rót tiền vào Ula thông qua quỹ đầu tư gia đình Bezos Expeditions. Amazon của Jeff Bezos vốn được biết đến là hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. TechCrunch đánh giá việc Jeff Bezos đầu tư vào Ula vì Amazon chưa thâm nhập sâu và tạo sự hiện diện ở nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Startup Đông Nam Á vừa được tỷ phú Jeff Bezos rót gần 90 triệu USD chỉ ra ba câu hỏi quan trọng khi đi gọi vốn, trả lời được tỷ lệ chốt đơn thành công sẽ cao hơn - Ảnh 1.

Ula vừa được tỷ phú Jeff Bezos rót vốn trong vòng gọi vốn gần nhất. (Ảnh: CNBC).

Ula được thành lập bởi Nipun Mehra, Alan Wong, Derry Sakti và Riky Tenggara. Cá nhân ông Nipun Mehra từng giữ vai trò cựu Giám đốc điều hành của Flipkart ở Ấn Độ và là lãnh đạo cũ của quỹ đầu tư Sequoia Capital India. Alan Wong từng làm việc với Amazon trong khi Derry Sakti là nhà giám sát hoạt động của P&G Indonesia và cuối cùng, Riky Tenggara, từng làm việc cho Lazada và aCommerce.

Với việc từng là một nhà đầu tư, cũng như từng thực hiện startup trước đây, đội ngũ lãnh đạo Ula có kinh nghiệm trước các vòng đầu tư. Điều này có thể là nguyên nhân chính giúp Ula nhận được sự quan tâm từ những cái tên lớn như tỷ phú Jeff Bezos, cựu CEO Amazon hay Tencent, gã khổng lồ trong ngành công nghệ đến từ Trung Quốc.

Thực tế, bản thân ông Mehra từng là một trong những nhà đầu tư vòng đầu tiên của công ty gọi xe nổi tiếng tại Đông Nam Á - Gojek và các công ty khởi nghiệp khác trong khu vực khi còn làm việc tại công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia India. Đó có thể là lý do chính khiến Ula thu hút sự quan tâm từ những cái tên lớn trên thế giới như tỷ phú Jeff Bezos hay gã khổng lồn Tencent của Trung Quốc.

Theo ông Mehra, với kinh nghiệm của bản thân, ông cho biết một startup thường sẽ phải đối mặt với ba câu hỏi từ các nhà đầu tư. Nếu vượt qua những câu hỏi này và xây dựng được lòng tin với họ, nhiều khả năng startup có thể gọi vốn thành công. Dưới đây là chi tiết các câu hỏi.

Tầm nhìn

"Một, tầm nhìn là gì?", Founder Ula chía sẻ với CNBC Make It. Các nhà đầu tư rất muốn biết người sáng lập công ty muốn doanh nghiệp của họ trở thành cái gì và liệu thị trường mục tiêu của họ có đủ lớn để hỗ trợ tầm nhìn đó hay không. Vì vậy, những người sáng lập nên sẵn sàng chia sẻ ý tưởng lớn cũng như dữ liệu cụ thể về thị trường và cách để đi đến đích.

Chia sẻ vể trường hợp của chính Ula, ông Mehra cho biết công ty đang tạo ra một dịch vụ thương mại điện tử cho hàng triệu ki-ốt đường phố tại Indonesia, được gọi là warung và được người dân địa phương sử dụng hàng ngày. Ở một quốc gia với dân số lên tới hơn 270 triệu người, tầm nhìn này là rất tiềm năng và nó đã thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư,

Đội ngũ lãnh đạo

"Thứ hai, đội ngũ lãnh đạo có đủ tốt hay không? Có phù hợp để vận hành startup hay không?", lãnh đạo Ula chia sẻ. "Đủ tốt" ở đây có nghĩa là một người sáng lập vừa đủ "khao khát và thông minh" để đạt được tầm nhìn của họ, ông giải thích thêm.

Tuy nhiên, câu hỏi này cũng ngụ ý rằng đội ngũ lãnh đạo nên nhận thức được những giá trị và điểm yếu của bản thân, qua đó bù đắp cho người khác, tạo nên sự cân bằng cho một doanh nghiệp.

Ví dụ, trong khi Mehra có tới 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử và đầu tư, ông lại không thực sự quen thuộc với thị trường Indonesia và đã kêu gọi những người đồng sáng lập bổ sung kiến thức đó.

Hồ sơ theo dõi (Track Record)

"Thứ ba, hồ sơ theo dõi là gì? Hồ sơ theo dõi phải có khả năng chứng minh thực tế rằng một ngày nào đó, tầm nhìn của bạn có thể được hiện thực hóa?", Mehra cho biết.

Trong kinh tế, track record được hiểu là hồ sơ theo dõi, hoặc cũng có nghĩa là thành tích, thành công hay lý lịch chuyên môn. Đây là loại tài liệu được dùng cho các nhà tuyển dụng, giúp họ có thể biết được sơ lược về kinh nghiệm, kỹ năng của một cá nhân nào đó.

Điều đó liên quan đến việc chứng minh những thành công của một startup cho đến thời điểm đứng lên gọi vốn, thông qua sự kết hợp giữa phản hồi của khách hàng, phân tích dữ liệu và báo cáo tài chính, theo ông Mehra.

Trước mỗi vòng gọi vốn mới, Mehra phải cho các nhà đầu tư tiềm năng thấy rằng ngày càng có nhiều thương gia đang sử dụng và tận hưởng dịch vụ của Ula, đồng thời việc kinh doanh đang phát triển thành công. 

Ông nói: "Tôi nghĩ chúng tôi đã trải qua một chặng đường khá dài. Thật may mắn và hạnh phúc, chúng tôi đã đi đúng hướng của cuộc trò chuyện đó, cũng như chứng minh được những điều mà các nhà đầu tư mong đợi."

Quốc Anh