|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bức tranh ngành bán lẻ hậu giãn cách nhìn từ câu chuyện lùm xùm thuê mặt bằng của Highlands Coffee

09:57 | 22/11/2021
Chia sẻ
Mới đây, cơ sở Highlands Coffee Artemis (Hà Nội) đã xảy ra mâu thuẫn với bên cho thuê và phải đóng cửa. Trước đó, ngành bán lẻ cũng chứng kiến động thái trả mặt bằng từ các thương hiệu lớn như The Coffee House hay Starbucks...
Bức tranh ngành BĐS bán lẻ mùa dịch nhìn từ câu chuyện Highlands Coffee Artemis - Ảnh 1.

Cơ sở Highlands Coffee tòa nhà Artemis. (Ảnh: Hoàng Huy).

Những ngày gần đây, cửa hàng Highlands Coffee tại trung tâm thương mại tòa nhà Artemis (Thanh Xuân, Hà Nội) đang gây xôn xao dư luận khi bị tố chây ì thanh toán, uy hiếp yêu cầu giảm giá thuê mặt bằng.

Đến ngày 17/11, trên Fanpage Highlands Coffee đã đăng tải thông cáo báo chí thông tin chi tiết về những “lùm xùm” trong việc thuê mặt bằng thời gian qua. Theo đó, Highland Coffee xác nhận thông tin có mở một cửa hàng tại tầng trệt, tòa nhà Artemis, số 3 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. 

Mặt bằng cửa hàng được Highlands Coffee thuê từ CTCP Đầu tư IMG, ký ngày 7/5/2017. Hợp đồng có thời hạn 5 năm và có hiệu lực đến hết ngày 6/5/2022.

Trong giai đoạn 1/6 - 31/10, liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 theo quyết định của UBND TP Hà Nội, Highlands đã thực hiện tạm dừng hoạt động cửa hàng tại Trung tâm thương mại Artemis. 

Trong bối cảnh đó, Highlands Coffee cho biết công ty mong nhận được sự hỗ trợ từ đối tác để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng giải quyết tranh chấp, hai bên không thể thống nhất phương án hợp tác...

Chưa bàn đến đúng sai, song câu chuyện Highlands Artemis ít nhiều đã phản ánh sự khó khăn của ngành bán lẻ dưới tác động của dịch COVID-19 trong quý III vừa qua.

Nhiều thương hiệu lớn trả mặt bằng

Bức tranh ngành BĐS bán lẻ mùa dịch nhìn từ câu chuyện Highlands Coffee Artemis - Ảnh 2.

Một cơ sở The Coffee House trên phố Duy Tân (quận Cầu Giấy) trả mặt bằng sau dịch. (Ảnh: Hoàng Huy).

Theo ghi nhận của người viết, Highlands Artemis không phải là thương hiệu duy nhất phải đóng cửa, dừng hoạt động, mà nhiều gian hàng bán lẻ tại tầng trệt tòa nhà này cũng rơi vào tình trạng "cửa đóng then cài". 

Một thương hiệu cà phê nổi tiếng khác là The Coffee House, sau đợt giãn cách quý III vừa qua, cũng đã đóng cửa và trả mặt bằng một cơ sở trên đường Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy.

Trước đó, tại TP HCM, hồi tháng 10, The Coffee House Signature (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP HCM) đã thông báo chính thức đóng cửa. Đây là cửa hàng đặc biệt, mang thương hiệu riêng "signature" trong số hàng trăm cửa hàng của The Coffee House.

Việc đóng cửa cơ sở Phạm Ngọc Thạch diễn ra khi TP HCM công bố các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống COVID-19 khiến toàn bộ chuỗi cửa hàng phải tạm dừng hoạt động trong khi vẫn phải chịu các khoản chi phí khác.

Cũng trong tháng 10, cửa hàng có vị trí "đất vàng" Starbucks REX (141 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM) cũng đã thông báo chính thức đóng cửa.

Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, thị trường bán lẻ trong quý III tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng đến từ những thương hiệu nổi tiếng, vốn thu hút được nhiều khách hàng trước đây như Starbucks, The Coffee House...

Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam, việc trả mặt bằng sớm của một hoặc nhiều địa điểm trong chuỗi cửa hàng là chiến lược hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Những doanh nghiệp này đang cố gắng giữ những cửa hàng hiệu quả để có thể cầm chừng trong ít nhất là ba tháng tới, sau đó sẽ có động thái mở rộng trở lại trong 2022.

Sau giãn cách, nhiều khách thuê vẫn còn dè dặt

Bức tranh ngành BĐS bán lẻ mùa dịch nhìn từ câu chuyện Highlands Coffee Artemis - Ảnh 3.

Ngày đầu mở cửa sau giãn cách, cơ sở Starbucks Phạm Ngọc Thạch vẫn chưa hoạt động. (Ảnh chụp ngày 14/10: Hoàng Huy).

Nhìn lại quý III, CBRE Việt Nam đánh giá thị trường bán lẻ bị ảnh hưởng và chịu nhiều tác động của làn sóng COVID-19 thứ 4, khi các trung tâm thương mại, bán lẻ phải tạm đóng cửa trong hai tháng để đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch.

Ở Hà Nội, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm đạt 24 USD/m2/tháng, tiếp tục giảm 4% so với quý trước. Các trung tâm thương mại tại khu vực Long Biên và xa trung tâm hơn như Nam Từ Liêm, Hà Đông tiếp tục ghi nhận tỷ lệ trống cao 35 - 45%.

Khu vực nội thành giá thuê cao hơn rất nhiều, ghi nhận 103 USD/m2/tháng. Tỷ lệ trống trung bình ở mức 10,5%. Đứng trước diễn biến kéo dài của dịch bệnh, cả chủ đầu tư lẫn khách thuê đều chủ động điều chỉnh để thích ứng với tình hình. 

Một số chủ đầu tư lớn đã triển khai những chính sách hỗ trợ khách thuê hiện tại như miễn phí hoàn toàn tiền thuê trong thời gian trung tâm thương mại đóng cửa, hay đối với các khách thuê bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. 

Đối với khách thuê mới, giá thuê cũng sẽ được thỏa thuận để phù hợp với tình hình thực tế. Một số chủ đầu tư cũng thực hiện tái cơ cấu chức năng của tòa nhà để tối ưu hơn như giảm thiểu diện tích bán lẻ trống sang cho thuê văn phòng. 

Cũng theo CBRE, tuy các trung tâm thương mại đã mở cửa đón khách trở lại từ cuối tháng 9 nhưng tâm lý khách thuê vẫn còn dè dặt. 

Ở Hà Nội, từ 14/10, Hà Nội đã cho phép hoạt động đối các cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, trung tâm thương mại, siêu thị,... Song theo ghi nhận của người viết, nhiều cơ sở kinh doanh vẫn lựa chọn chưa mở cửa sớm.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đánh giá, sẽ cần thời gian để khách hàng trở lại mua sắm như mức độ trước dịch, dẫn đến áp lực tăng tỷ lệ trống trong những quý tới.

"Trong tương lai, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, công tác tiêm chủng được đẩy mạnh sẽ mang lại triển vọng cho sự phục hồi của thị trường bán lẻ. Tuy nhiên vẫn cần rất nhiều thời gian để thị trường BĐS bán lẻ quay trở lại như thời điểm trước dịch", CBRE dự báo.

Hoàng Huy