|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sức ảnh hưởng của đồng USD đối với thị trường tài chính châu Á

22:22 | 01/07/2024
Chia sẻ
Trong năm nay, đồng USD mạnh và lãi suất tương đối cao ở Mỹ đã ảnh hưởng đến nhiều tài sản tài chính của châu Á, từ các đồng tiền khu vực đến cổ phiếu Nhật Bản.

Đối với các nhà đầu tư bằng đồng USD, các đồng tiền yếu của châu Á đã làm giảm lợi nhuận từ cổ phiếu nội địa. Nhiều nhà quan sát thị trường dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến cuối năm, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Ông Kieran Calder, phụ trách mảng nghiên cứu chứng khoán châu Á tại UBP Singapore cho biết: "Đối với thị trường chứng khoán địa phương, đồng tiền yếu có thể làm giảm lợi nhuận xuất khẩu... Trường hợp điển hình là Nhật Bản".

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng 18% trong nửa đầu năm nay, trong khi Chỉ số giá chứng khoán Tokyo (TOPIX) đã tăng gần 19% (tính theo đồng yen). Nhưng đối với các nhà đầu tư bằng đồng USD, theo FactSet, lợi nhuận lần lượt chỉ ở mức 3,6% và 4%.

Đồng yen đã giảm xuống dưới 160 yen/USD vào tuần trước, mức thấp nhất kể từ năm 1986. Một cuộc giằng co đang diễn ra: đồng yen yếu tương quan với lợi nhuận doanh nghiệp vững chắc và giá cổ phiếu trong nước cao hơn ở Nhật Bản. Trong khi đó, sự trượt giá của đồng yen làm xói mòn lợi nhuận của nhà đầu tư bằng đồng USD.

Tuy nhiên, ông Nicholas Smith, chiến lược gia chứng khoán Nhật Bản tại CLSA, dự kiến mô hình này sẽ quay trở lại như trước khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) áp dụng lãi suất siêu thấp hơn hai thập kỷ trước.

Theo phân tích của ông, vào những năm 1970 và 1980 - khi xuất khẩu là động lực cho nền kinh tế Nhật Bản - đồng yen mạnh không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Mặc dù nhiều nhà hoạch định chiến lược đang duy trì quan điểm lạc quan đối với cổ phiếu Nhật Bản trong dài hạn, song tình hình lại khác đối với hầu hết các nước Đông Nam Á. Tại Thái Lan, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2,8 tỷ USD cổ phiếu trong 12 tháng tính đến giữa tháng 6/2024, đánh dấu một trong những đợt bán tháo tồi tệ nhất ở châu Á.

Chỉ số SET của Thái Lan đã giảm 8% kể từ đầu năm nay (tính theo đồng baht), trong khi các nhà đầu tư bằng đồng USD đã lỗ khoảng 15%. Theo FactSet, ở Indonesia, Chỉ số JSX Composite giảm khoảng 3% trong năm nay và 9% tính theo đồng USD.

Tại Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), chỉ số TWSE Capitalization Weighted Stock Index đã tăng vọt khoảng 29% trong năm nay, mặc dù tính theo đồng USD, mức tăng chỉ đạt 22%, Ấn Độ là một ngoại lệ đối với xu hướng này. Sự phục hồi chứng khoán của nước này không bị thị trường ngoại hối cản trở.

Theo FactSet, chỉ số Sensex của Ấn Độ kể từ đầu năm nay đã tăng khoảng 9% khi tính theo cả đồng nội tệ và đồng USD. Đồng rupee là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á, mặc dù ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng đã can thiệp để hỗ trợ đồng tiền này.

Tại Đông Nam Á, thị trường chứng khoán Malaysia nổi bật vì mang lại lợi nhuận vững chắc cho cả nhà đầu tư bằng đồng nội tệ và đồng USD trong năm nay.

Theo FactSet, chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI đã tăng khoảng 9% trong năm nay khi tính theo đồng nội tệ và 6% khi tính theo đồng USD.

Theo giới phân tích, khi Fed bắt đầu giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương châu Á khác (ngoài Nhật Bản) dự kiến sẽ hành động tương tự. Theo công cụ CME FedWatch, các thị trường đang dự đoán 56% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024.

Các quan chức Fed đã phát tín hiệu rằng họ dự kiến sẽ giảm lãi suất một lần trong năm nay. Ông Arnaud Leteissier, người đứng đầu bộ phận giao dịch cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Citi Group ở Hong Kong (Trung Quốc), cho biết: “Nếu đồng USD suy yếu thì tâm lý đối với thị trường châu Á sẽ trở nên tích cực hơn".

Minh Trang (Theo Nikkei Asia)