|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed mãi không hạ lãi suất, Nhật Bản bất lực nhìn đồng yen liên tục thủng đáy

16:19 | 27/06/2024
Chia sẻ
Đồng yen vừa rơi xuống đáy 38 năm so với đồng USD, sâu hơn cả mức đã khiến giới chức Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường hồi tháng 4. Nhiều chuyên gia bình luận sự can thiệp của Nhật Bản không có tác dụng, vận mệnh của đồng yen phụ thuộc vào Fed.

(Hình minh họa: Financial Times). 

Phụ thuộc vào Fed

Các nhà chức trách Nhật Bản đang phải chấp nhận một sự thật phũ phàng khi chứng kiến đồng yen liên tiếp chọc thủng các mức đáy quan trọng. Theo tờ Bloomberg, yen sẽ tiếp tục trượt dốc cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và Tokyo chỉ có thể ngồi nhìn.

Giới đầu tư toàn cầu cũng đi đến kết luận tương tự sau khi phân tích việc lãi suất cao ở Mỹ thúc đẩy đồng USD và gây tác động lớn tới phần còn lại của thế giới. Trên thị trường ngoại hối giao dịch lên đến 7.500 tỷ USD mỗi ngày, sự sa sút của đồng yen là biểu hiện cho quyền lực tột bậc của Mỹ.

Ông Andrew Brenner, Giám đốc đầu tư chứng khoán trả thu nhập cố định tại NatAlliance Securities ở Nhật Bản, bình luận: “Mọi vấn đề về tỷ giá đều xoay quanh Fed. Chính sách lãi suất của Fed đang hút tiền về Mỹ và giữ cho đồng USD mạnh mẽ. Đây chính là rắc rối của Nhật Bản”.

 

Sự thống trị của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu được thể hiện rõ trong ngày 26/6. Một thước đo quan trọng về đồng USD đóng cửa ở mức cao nhất trong năm 2024, gây sức ép lên mọi đồng tiền khác trên thế giới. 

Ngược lại, yen có lúc giảm tới 0,7% xuống 160,87 yen đổi 1 USD, chọc thủng ngưỡng đã khiến các quan chức phải can thiệp vào thị trường hồi tháng 4. So với euro, đồng tiền Nhật Bản giảm xuống còn 171,8 yen đổi 1 euro, mức thấp nhất trong lịch sử.

Diễn biến trên buộc Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda tái khẳng định rằng các quan chức đang theo dõi sát thị trường ngoại hối và sẽ thực hiện động thái thích hợp nếu cần.

Không hiệu quả

Các nỗ lực của giới chức Nhật Bản nhằm hỗ trợ đồng yen cho tới nay đều thất bại. Đồng yen tiếp tục suy yếu trong những tuần sau khi Nhật Bản chi kỷ lục 9.800 tỷ yen (tương đương hơn 60 tỷ USD) cho các đợt can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng can thiệp sâu hơn nữa cũng sẽ không hiệu quả. Ông Bob Savage, Giám đốc chiến lược thị trường của BNY Mellon Capital Markets, bình luận: “Tôi không nghĩ bất kỳ chiến lược nào của Nhật Bản sẽ có tác dụng cho đến khi Fed nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhìn vào bức tranh tổng thể, các quan chức Tokyo cần phải giảm nhu cầu dành cho USD tại Nhật Bản.

Để làm được điều đó, Nhật Bản cần có lợi suất dài hạn trong nước ở mức đủ cao, hoặc lợi suất ở Mỹ đủ thấp. Cả hai điều kiện này đều đang không diễn ra”.

 

Các công ty quản lý tài sản đang dồn dập đặt cược chống lại đồng yen. Ủy ban Giao dịch Hàng hóa lai cho biết tuần trước là khoảng thời gian các công ty này duy trì nhiều vị thế tiêu cực nhất đối với yen kể từ năm 2006.

Lãi suất chính sách tại Nhật Bản vẫn gần với mức 0 còn tại Mỹ dao động trong khoảng 5,25 - 5,5%. Sự chênh lệch lớn này là nguyên nhân chính khiến yen suy yếu trong năm nay.

Tính toán sai lầm

Rõ ràng, Nhật Bản đã không ngờ được áp lực lên tỷ giá lại lớn đến vậy. Đầu năm nay, giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tung ra nhiều đợt giảm lãi suất và khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách của các ngân hàng trung ương lớn, còn Nhật Bản sẽ đi ngược lại và chấm dứt kỷ nguyên lãi suất siêu thấp.

Nhưng sức mạnh của nền kinh tế và sự dai dẳng của lạm phát đã khiến Fed chùn bước, còn ngân hàng trung ương Nhật Bản chỉ tiến hành duy nhất một đợt tăng lãi suất.

Báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 5 của Mỹ sẽ là thử thách lớn tiếp theo với yen. Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát lõi đo lường theo PCE sẽ giảm tốc, giúp tạo ra động lực để Fed hạ lãi suất trong năm nay. Dự kiến số liệu PCEPI sẽ được công bố vào ngày 28/6.

 

Nhật Bản đang đối mặt với mối nguy lớn. Citigroup ước tính nền kinh tế lớn thứ hai châu Á còn khoảng 200 - 300 tỷ USD để tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối. Để làm điều đó, Nhật Bản sẽ phải bán USD, ngoại tệ khác hoặc thậm chí là các trái phiếu chính phủ mà nước này nắm giữ để mua yen.

Ông Dominic Konstam, Giám đốc chiến lược vĩ mô của Mizuho Securities USA, nói với Bloomberg Radio rằng sự can thiệp của giới chức trách Nhật Bản cũng chỉ có thể “làm chậm quá trình yen rơi xuống đáy sâu nhất” khi chờ ngân hàng trung ương bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Ông phân tích: “Rắc rối của Nhật Bản là họ đang can thiệp sai hướng. Nhật Bản có kho dự trữ ngoại hối hữu hạn, họ không thể cứ chi hàng trăm tỷ USD để bảo vệ đồng nội tệ”.

Giang