Điều tối kị khi tiếp thị qua email là viết nội dung quá dài
Cho dù đang bán cho người tiêu dùng hoặc các công ty khác, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn sử dụng email như một cách chính để tiếp cận với khách hàng tiềm năng. Nhưng email của họ thường lẫn vào hàng chục, thậm chí hàng trăm email mới mỗi ngày trong hộp thư trước khi người nhận xóa nó rồi quên luôn.
Tiêu đề nổi bật và khơi gợi sự tò mò
Các chủ doanh nghiệp đã thành công với tiếp thị qua email tiết lộ với AP rằng, một dòng tiêu đề nổi bật sẽ thôi thúc người nhận mở email và một thông điệp quan trọng và thú vị sẽ làm tăng khả năng phản hồi.
Làm cho độc giả tò mò là lời khuyên từ huấn luyện viên kinh doanh Jack Petry ở thành phố Simsbury, Connecticut, Mỹ. Anh sử dụng các dòng chủ đề làm cho một khách hàng tiềm năng sẽ phải tự hỏi, email này nói về cái gì? Ví dụ: "Tại sao sự thông minh phá hoại doanh nghiệp của bạn" hoặc "Mẹ tôi nghĩ tôi bị điên".
Một tiêu đề khơi gợi sự tò mò là công cụ hiệu quả để thôi thúc khách hàng tiềm năng mở email tiếp thị của doanh nghiệp. Ảnh: Entrepreneur
Jack nhận định cách tiếp cận của anh có thể phát huy tác dụng bất kể khách hàng mục tiêu là ai, nhưng nó có thể đặc biệt hữu ích với một nhà bán lẻ nhỏ cạnh tranh với các thương nhân trực tuyến lớn.
Dòng tiêu đề trong email dành cho người tiêu dùng, cũng như phần nội dung của thông điệp, nên có tên của người nhận. Đây là lời khuyên của Jeff Smith, chủ nhân của công ty đại lý bảo hiểm Castaline Insurance ở thành phố Laguna Beach, bang California, Mỹ. Một số phần mềm hiện nay có thể giúp doanh nghiệp điền tên khách hàng ngay cả khi gửi hàng nghìn email.
"Vì rất nhiều người đọc email trên điện thoại hoặc máy tính bảng, dòng tiêu đề nên ngắn", Paige Arnof-Fenn - giám đốc công ty tiếp thị Mavens & Moguls ở thành phố Cambridge, Massachusetts, Mỹ - phát biểu.
Bà Paige gợi ý rằng nếu doanh nghiệp muốn bán hàng cho công ty khác, họ nên tìm cách để cá nhân hóa dòng tiêu đề, chẳng hạn như "Ông X gợi ý rằng chúng tôi nên liên hệ với quý công ty" hoặc "Một cuộc trao đổi tuyệt vời trong hội thảo tuần này".
Phần thân của email dành cho chủ doanh nghiệp nên thể hiện rằng người gửi đã tìm hiểu về người nhận. Dựa trên hiểu biết về người nhận, người gửi có thể giải thích lí do người nhận nên mua hàng của người gửi, và những lợi ích mà người nhận sẽ hưởng.
Nội dung email nên ngắn, thể hiện sự quan tâm của người gửi
Paige không thường xuyên thuyết phục người khác mua hàng qua email. Thay vào đó, bà sẽ tìm cách bắt chuyện để xây dựng quan hệ. Từ mối quan hệ ấy, bà sẽ cố gắng tạo ra giao dịch. Quan điểm của Paige là người bán cần kết bạn với khách hàng tiềm năng trước, còn mua hàng là câu chuyện của tương lai.
"Dù người nhận là ai, khi viết email, nội dung ngắn sẽ mang đến lợi ích lớn hơn. Tôi từng viết những email rất dài và không hiểu tại sao chúng không tạo ra kết quả mà tôi muốn", Paige nói.
Học cách viết email hiệu quả là một quá trình. Jack Petry học cách viết email từ những chủ doanh nghiệp khác.
"Người gửi email nên viết như thể họ đang nói chuyện với người nhận, một người mà họ quan tâm, và nội dung nên tương đối ngắn - từ 300 tới 500 từ", Jack nhận định.
Chủ doanh nghiệp cũng có thể học phương pháp viết email hiệu quả bằng cách xem lại những thư mà họ từng nhận, rồi phân tích những thư có hiệu quả và những thư vô ích.
Nhiều chủ doanh nghiệp thử bằng cách gửi một thông điệp tới nửa số khách hàng, rồi gửi thông điệp khác tới nửa số khách hàng còn lại. Tỉ lệ phản hồi của khách hàng sẽ giúp họ xác định nội dung hiệu quả hơn.
Sau khi gửi một email, chủ doanh nghiệp nên tiếp tục theo dõi nó. Nếu họ có số điện thoại của người nhận, họ nên gửi một tin nhắn SMS sau khi gửi email.
Vài chủ doanh nghiệp gửi nhiều email tiếp theo với hi vọng người nhận sẽ cảm thấy ấn tượng. Tuy nhiên, họ nên nhớ rằng, nếu tần suất gửi email quá lớn, thông điệp của họ sẽ chui vào "sọt rác".