Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth đánh dấu kỷ nguyên mới của nước Anh: Đầy bất ổn kinh tế và rạn nứt nội bộ
Nữ hoàng Elizabeth II - vị quân vương tại vị lâu nhất của nước Anh, đã qua đời tại Lâu đài Balmoral ở tuổi 96. Nữ hoàng ra đi một cách “thanh thản”, chỉ vài giờ sau khi các bác sĩ bày tỏ lo lắng về tình hình sức khoẻ của bà.
Sau thông tin về cái chết của Nữ hoàng, hàng nghìn người dân Anh đã tập trung bên ngoài Cung điện Buckingham trong cơn mưa tầm tã để bày tỏ lòng tôn kính với bà, tờ CNBC đưa tin.
Trong 70 năm trị vì, Nữ hoàng đã trải qua nhiều biến cố của lịch sử, từ hồi kết của Thế chiến II cho đến sự sụp đổ của đế chế Anh rộng lớn, cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016 cho đến đại dịch toàn cầu.
Bà đã trở thành biểu tượng của một “hằng số” hiếm có trong một thế giới luôn thay đổi theo từng phút giây. Thái tử Charles - con trai cả của Nữ hoàng, sẽ trở thành Vua Charles III.
Sự ra đi của Nữ hoàng sẽ được đánh dấu bằng một lễ tang long trọng kéo dài 10 ngày. Chính phủ Anh sẽ không đưa ra bất kỳ thông báo nào cho đến sau tang lễ. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã hoãn cuộc họp chính sách tháng 9 khoảng một tuần.
Chính trường “lặng im”
Các hoạt động chính trị tại Anh sẽ tạm dừng trong khoảng 10 ngày tới. Thông báo này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi người dân Anh lựa chọn được Thủ tướng mới là bà Liz Truss.
Bà Truss trở thành người dẫn dắt số 10 phố Downing ngay tại thời điểm nước Anh chứng kiến nhiều biến động, từ triển vọng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm, khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc đến bất bình đẳng gia tăng.
Vài giờ trước khi Nữ hoàng qua đời, bà Truss đã chuẩn bị vạch ra các kế hoạch nhằm khống chế cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh. Theo CNBC, bà có thể sắp tiết lộ một gói kích thích lớn để giúp người dân trang trải hoá đơn năng lượng vốn đã nhảy vọt sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.
Bộ Tài chính Anh cho biết gói hỗ trợ trên - ước tính trị giá hơn 100 tỷ bảng Anh, sẽ giúp tỷ lệ lạm phát giảm bớt khoảng 4 - 5 điểm %. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng động thái này có thể làm phức tạp thêm nhiệm vụ vốn đã rất khó nhằn của BoE là kiềm chế giá cả cao kỷ lục.
Tháng trước, ngân hàng trung ương Anh đã thực hiện đợt tăng lãi suất lớn nhất trong 27 năm, nâng lãi suất chuẩn lên 1,75% nhằm đẩy lùi lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhóm các nước G7 (cụ thể là 10,1%).
Các nhà đầu tư dự đoán BoE sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản khác khi các nhà hoạch định chính sách nhóm họp lần tới, nhưng một số người hiện nói rằng BoE có thể sẽ phải nâng lãi suất cao hơn và nhanh hơn nữa.
Rủi ro suy thoái
Triển vọng kinh tế trở nên khó đoán hơn trong bối cảnh nước Anh đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng lớn. Tuần trước, Goldman Sachs cảnh báo Anh có thể rơi vào suy thoái trong quý IV năm nay, lặp lại dự báo trước đó của BoE.
Cả người dân lẫn doanh nghiệp tại Anh đều đang chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn vì thiếu năng lượng. Đồng bảng Anh đã tụt mạnh trong vài tháng qua, và chạm mức thấp nhất trong 37 năm là 1,1469 USD/GBP hồi giữa tuần này.
Triển vọng tồi tệ không chỉ gây áp lực lên Thủ tướng Truss mà còn cả Vua Charles - hai nhà lãnh đạo mới của nước Anh. Vai trò của họ là giúp người dân xích lại gần nhau trong thời kỳ khủng hoảng. Cả hai dự kiến sẽ gặp mặt vào cuối ngày 9/9 tại London.
Chế độ quân chủ cũng đang đối mặt với những chỉ trích không ngừng vì đã lỗi thời và làm hao tổn tài chính công. Quả thực, giữa thời điểm đất nước chìm trong một cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt, người dân khó có thể phớt chi phí cho tang lễ của Nữ hoàng.
Ông Andrew Roberts - nhà sử học và đồng thời là giáo sư tại King’s College London, nhận định: “Vua Charles đã có những kế hoạch riêng - chúng ta sẽ thấy ông hành động trong vài tháng cũng như nhiều năm tới để tinh gọn Hoàng gia”.
“Rõ ràng là chúng ta đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt lớn, và mọi người muốn thấy Hoàng gia thể hiện chút quan tâm nào đó…”, ông Roberts nói thêm.
Trong một bài phát biểu vào ngày 8/9, Thủ tướng Liz Truss đã kêu gọi nước Anh “xích lại gần nhau hơn…”. Ngoài ra, bà còn thúc giục người dân ủng hộ Vua Charles.
“Nữ hoàng Elizabeth là hòn đá tảng làm nền móng để chúng ta xây dựng nước Anh hiện đại”, bà Truss bày tỏ. “Khi thời đại của Nữ hoàng Elizabeth II đi qua, chúng ta sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc”.
Vị tân thủ tướng nói thêm rằng người Anh nên cổ vũ Vua Charles III để “giúp ông gánh vác trách nhiệm lớn lao sắp tới…”