Sự ổn định của tỷ giá đang được đánh đổi bởi lãi suất?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Việt Nam cần linh hoạt hơn trong xử lý tỷ giá hối đoái | |
Nhìn lại kết quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong 8 tháng đầu năm |
Ảnh minh họa. |
Chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn để giữ tỷ giá ổn định
Tỷ giá USD trong cả tháng 8 và nửa đầu tháng 9 duy trì được trạng thái tương đối ổn định so với tháng 7.
Tỷ giá trung tâm tính đến cuối tháng 8 ở mức 22.678 VNĐ/USD, gần như không đổi so với cuối tháng 7. Cùng với đó, tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng khoảng 23.300 VNĐ/USD, tăng nhẹ 0,08% so với cuối tháng trước.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD tăng mạnh vào đầu tháng 8 lên mức đỉnh 23.650 VNĐ/USD, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt vào nửa cuối tháng 8 về còn 23.500 VNĐ/USD. Lũy kế cả tháng tăng 0,13%, thấp hơn so với mức tăng của tháng 7 là gần 1,6%.
Nguồn: SSI Research |
Trái với sự ổn định của tỷ giá, mặt bằng lãi suất có một số biến động. Từ đầu tháng 8, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở cao quanh 4,5%/năm cho hầu hết kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng. Mức lãi suất này là cao nhất kể từ cuối năm 2016 cho đến nay
Nguồn: BVSC Research |
Theo số liệu của NHNN tính đến ngày 31/8, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm được đẩy lên đến 4,39%/năm từ 1,98% vào đầu tháng; tương tự các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần,1 tháng và 3 tháng cũng tăng từ 2,21 – 0,67 điểm phần trăm.
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng từ 30/7 - 31/8 ( Nguồn: NHNN, QT tổng hợp) |
Sự tăng mạnh của lãi suất liên ngân hàng đối với VNĐ từ giữa tháng 8 khiến chênh lệch lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giữa VNĐ và USD dao động ở khoảng 2% trong khi vào đầu tháng 7 (thời gian tỷ giá USD tăng mạnh), chênh lệch này duy trì âm 0,8 –1%.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), NHNN đã chủ động đẩy lãi suất VNĐ không để xảy ra tình trạng chênh lệch lãi suất USD và VNĐ cao gây áp lực lên tỷ giá.
Về mặt lý thuyết, khi lãi suất VNĐ tăng sẽ làm tăng sự hấp dẫn của VNĐ so với các ngoại tệ khác (mà đối tượng hướng tới chính là USD) từ đó kìm hãm đà mất giá của đồng nội tệ.
Nguồn: SSI Research |
Còn theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sự đảo chiều này cho thấy NHNN đang chủ động rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Điều này nhằm mục đích thực thi chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ hơn nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát tăng mạnh. Bên cạnh đó, giảm áp lực lên tỷ giá VNĐ/USD, khi cung không còn quá dư thừa, tiền đồng sẽ lên giá trở lại so với USD
Kết hợp công cụ lãi suất và dự trữ ngoại hối để tác động lên tỷ giá
Mặc dù NHNN chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về sử dụng lãi suất để duy trì ổn định của tỷ giá nhưng việc lãi suất liên ngân hàng neo cao trong nhiều tuần vừa qua cho thấy sự khan hiếm tiền đồng đang xuất hiện một cách rõ rệt trên thị trường.
Theo báo cáo của NHNN, so với đầu năm, tính đến ngày 20/6, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) đạt 7,96% và cao hơn so với tăng trưởng tín dụng đạt 6,35%.
Ngược lại, tính đến ngày 22/8, M2 tăng trưởng 8,3% và thấp hơn tăng trưởng của tín dụng là 8,54%. Như vậy, chỉ trong hai tháng qua đã có sự đảo chiều khi tốc độ tăng trưởng M2 thấp hơn tín dụng.
Lượng vốn tăng thêm của hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đã bị rút bớt gần 1 nửa chỉ vòng hai tháng qua. (Nguồn: NHNN; QT tổng hợp) |
Ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Dù VNĐ mất giá khoảng 2% so với đầu năm, nhưng tỷ giá vẫn đang chịu nhiều áp lực theo chiều hướng tăng như lạm phát, lãi suất USD tăng và sự mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ.
Tăng lãi suất là một trong các giải pháp giúp tỷ giá giảm áp lực. Với cách này, bên cạnh những mục tiêu tiền tệ, NHNN thực hiện nhiệm vụ điều hành bơm/hút tiền, hút tiền về khiến VNĐ khan hiếm hơn, dẫn đến lãi suất tăng”.
Đẩy lãi suất lên cao để đổi lấy sự ổn định tỷ giá chắc chắn là điều NHNN không muốn. Vì thực tế, trong hầu hết phát biểu, những người đại diện NHNN luôn nhấn mạnh mục tiêu giữ nguyên và có cơ hội sẽ giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Tháng 7 và đầu tháng 8, NHNN cũng đã bán ra khoảng 2,5 tỷ USD nhằm ổn định tỷ giá trong tổng số 3,05 tỷ USD bán ra từ đầu năm (theo số liệu của Công ty chứng khoán TP HCM - HSC). Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong nửa đầu năm tăng khoảng 12 tỷ USD lên kỷ lục 63,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, với mục tiêu chính là giữ lạm phát dưới 4%, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2018, NHNN tiếp tục lựa chọn "hy sinh" lãi suất khi áp lực lạm phát đang ngày càng gia tăng. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng đầu năm đã tăng khoảng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Lạm phát tăng cũng tạo áp lực tăng lãi suất kỳ vọng của người gửi tiền. Do đó, việc NHNN chủ động nâng mặt bằng lãi suất lên để giải quyết áp lực tỷ giá là một lựa chọn dễ hiểu khi vẫn đảm bảo được lượng dự trữ ngoại hối hiện có.
Như vậy có thể nhận thấy, NHNN đang sử dụng kết hợp cả hai phương pháp tác động trên thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối để đạt mục tiêu kiểm soát tỷ giá.
Lãi suất ngân hàng rục rịch tăng
Mặc dù lãi suất liên ngân hàng tăng lên tạm thời giúp kìm hãm đà tăng giá của đồng USD tuy nhiên nó gây áp lực trên thị trường liên ngân hàng, buộc các ngân hàng tăng lãi suất huy động VNĐ để hút vốn tiền gửi từ dân cư nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản.
Khởi đầu là khối các ngân hàng tư nhân, trong tháng 8, Ngân hàng Bản Việt tăng lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 8 tháng trở lên thêm từ 0,6 - 1,4 điểm %. SHB nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 - 11 tháng thêm 0,2 điểm %. Techcombank và ACB cũng tăng nhẹ lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn từ 0,1 – 0,2 điểm %.
Không đứng ngoài cuộc đua, các ông lớn Vietcombank, VietinBank và Agribank cũng nâng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 - 0,2 điểm phần trên hầu hết kỳ hạn.
Nguồn :SSI Rearch |
Lãi suất huy động đầu vào tăng gây lo ngại về sự tăng lên tương ứng lãi suất cho vay đầu ra. Đặc biệt là trong bối cảnh Thống đốc NHNN đã ban hành chỉ thị 04 về việc NHNN sẽ không xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trừ các ngân hàng tham gia tái cơ cấu trong những tháng cuối năm.
Khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, rất có thể các ngân hàng sẽ phải tăng biên lợi nhuận của các khoản vay (NIM) để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận, từ đó gây áp lực lên lãi suất cho vay.