Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 9/11 - 13/11: Chờ đợi cuộc bầu cử Mỹ ngã ngũ
Dù kết quả bầu cử khiến thị trường giảm bớt lo lắng, nhưng khi cuộc chiến giành quyền kiểm soát Thượng viện còn tiếp diễn và đại dịch COVID-19 tiếp tục leo thang trên khắp nước Mỹ, rủi ro chưa biến mất hoàn toàn và khả năng có một gói cứu trợ COVID-19 mới trước tháng 1 năm sau không lớn.
Ngoài chờ đợi cuộc bầu cử tại Mỹ ngã ngũ, trong tuần này nhà đầu tư ngoại hối cũng sẽ theo dõi bài phát biểu của một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong đó có Chủ tịch Jerome Powell.
Tại châu Âu, cuộc đàm phán Brexit đang tiến vào "hiệp phụ", song không có nhiều tín hiệu cho thấy Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ đạt được thống nhất ở các vấn đề còn vướng mắc.
Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện ảnh hưởng đến giao dịch ngoại hối tuần này:
1. Chiến thắng của ông Biden
Hôm 7/11, các hãng tin lớn tuyên bố ông Joe Biden là người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Dù đương kim Tổng thống Trump cho biết ông sẽ chính thức khởi kiện từ ngày 9/11, cơ hội lật ngược ván cờ là rất nhỏ.
Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4, sau khi nhà đầu tư đặt cược vào chiến thắng của ông Biden cũng như hi vọng Đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục kiểm soát Thượng viện.
Nếu mọi việc diễn ra theo kịch bản dự tính của nhà đầu tư, ông Biden sẽ không có nhiều cơ hội tăng thuế hoặc ban hành nhiều qui định mới vì bị Thượng viện do Đảng Cộng hòa cản trở phần nào.
Cũng do kịch bản trên, nhà đầu tư bây giờ sẽ chuyển sự chú ý sang hai cuộc đua vào Thượng viện ở bang Georgia trước khi Quốc hội tiến tới cuộc bầu cử lớn vào đầu tháng 1/2021.
Trong một lưu ý gửi khách hàng, ông Michael Purves, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty tư vấn Tallbacken Capital, cho hay cuộc đua nắm quyền kiểm soát Quốc hội của lưỡng đảng Mỹ có thể khiến tháng 1/2021 trở thành một rủi ro lớn với thị trường.
2. Đại dịch bùng phát trở lại tại Mỹ
Hôm 7/11, Mỹ báo cáo số ca nhiễm mới cao kỉ lục là 131.420 trường hợp, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên khoảng 9,91 triệu. Đây cũng là ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm mới tại Mỹ tăng cao kỉ lục như vậy.
Đến sáng ngày 9/11 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã chính thức chạm mốc 10 triệu ca nhiễm, cũng là nước duy nhất trên thế giới ghi nhận dấu mốc đau thương này.
Tuy nhiên, bất chấp đại dịch tái bùng phát dữ dội, triển vọng cho một gói kích thích kinh tế lớn trước tháng 1 lại rất mờ mịt.
Các nghị sĩ Đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ chờ cho đến sau cuộc đua nước rút tại bang Georgia. Khi đó, họ có thể giành lại quyền kiểm soát Thượng viện và điều đó cho phép Đảng Dân chủ thông qua gói cứu trợ lớn của riêng mình.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa Thượng viện có thể sẽ ngăn chặn các gói cứu trợ qui mô lớn mà Đảng Dân chủ đề xuất. Hôm 6/11, Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell nói rằng dữ liệu kinh tế, bao gồm mức giảm trong tỉ lệ thất nghiệp tháng 10, cho thấy Quốc hội nên thông qua một gói kích thích nhỏ hơn.
3. Quan chức Fed phát biểu
Trong tuần này, chính phủ Mỹ sẽ cập nhật số liệu lạm phát và niềm tin người tiêu dùng, bên cạnh số liệu thất nghiệp sơ bộ công bố ngày 12/11.
Báo cáo việc làm mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 638.000 việc làm trong tháng 10, một con số quá khiêm tốn. Đáng chú ý, hiện có rất nhiều người Mỹ làm việc bán thời gian. Đây là dấu hiệu cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đang mất đà do gói kích thích tài khóa hiện tại cạn kiệt và đại dịch bùng lên dữ dội.
Cũng trong tuần này, một số quan chức Fed sẽ có bài phát biểu trước công chúng, như Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas Robert Kaplan, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans, Chủ tịch Fed chi nhánh New York Johns Williams, Phó Chủ tịch Fed Randal Quarles và Thống đốc Fed Lael Brainard.
Ngày 12/11, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu tại diễn đàn thường niên do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức.
4. Ván bài Brexit
Hạn chót 15/11 sắp đến gần và Anh cùng EU không còn mấy thời gian để đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit.
Trong quá khứ, Anh và EU cũng từng trải qua các hạn chót tương tự nhưng lần này lại rất quan trọng vì giai đoạn chuyển tiếp của Anh sẽ kết thúc vào ngày 31/12 năm nay.
Hai bên đều khẳng định họ có thể đạt được thỏa thuận, song nhà đàm phán chính của EU đã cảnh báo về những "khác biệt lớn" trong quá trình trao đổi.
Nếu đàm phán bất thành, nền kinh tế Anh sẽ phải đối mặt với một giai đoạn bất ổn khi đất nước chìm trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới. Chỉ vừa tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã phải thông qua một đợt kích thích lớn hơn dự kiến để xoa dịu tác động khủng khiếp của đại dịch lên nền kinh tế.