|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 29/6 - 3/7: Đại dịch COVID-19 chuyển biến xấu ở Mỹ, tín hiệu từ Fed và BoE

06:36 | 29/06/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ sẽ tiếp tục là yếu tố khiến nhà đầu tư ngại các giao dịch rủi ro trong tuần này. Ngoài ra, báo cáo việc làm tháng 6 của Mỹ, biên bản cuộc họp chính sách của Fed, tín hiệu của BoE,... cũng là các sự kiện thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 29/6 - 3/7: Đại dịch COVID-19 chuyển biến xấu ở Mỹ, tín hiệu từ Fed và BoE - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Medium

1. Số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến ở Mỹ

Theo Reuters, 5 tiểu bang lớn của Mỹ, đáng chú ý có Florida và Arizona, đều báo cáo số ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày cao kỉ lục hôm 27/6, trong khi tổng số trường hợp xác nhận nhiễm tại Mỹ đã tăng lên hơn 2,5 triệu - chiếm khoảng 1/4 tổng số ca nhiễm của thế giới.

Mức tăng thể hiện rõ nhất ở các bang miền Nam và miền Tây, tức những khu vực đi đầu trong làn sóng nới lỏng phong tỏa.

Đại dịch diễn biến phức tạp trở lại đang ngăn cản quá trình phục hồi kinh tế của Mỹ, khiến nhà đầu tư đưa ra dự đoán rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ công bố các gói kích thích mới trong vài tuần tới.

Một điểm trong gói kích thích tài khóa trước của Quốc hội Mỹ - cụ thể là tăng trợ cấp phúc lợi thất nghiệp thêm 600 USD/tuần, sẽ hết hạn vào cuối tháng 7.

Ông Michael Wilson - nhà phân tích cấp cao tại Morgan Stanley, nhận định: "Chính phủ Mỹ có thể phải thay đổi dự báo triển vọng kinh tế nếu không công bố thêm kích thích tài khóa".

2. Báo cáo việc làm tháng 6, số liệu sản xuất của ISM

Theo tổng hợp từ Investing.com, các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm 3 triệu việc mới vào tháng 6 sau khi ghi nhận thêm 2,5 triệu việc làm hồi tháng trước. Tuy nhiên, hai tháng số liệu việc làm tăng không đủ sức để bù lại 22 triệu việc làm đã bị xóa sạch trong tháng 3 và tháng 4 trước đó.

Ở diễn biến khác, chỉ số sản xuất của Viện Quản lí Nguồn cung (ISM) - công bố vào ngày 1/7, dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên dù có tăng trở lại mức 50 điểm thì hoạt động sản xuất tại Mỹ vẫn thua xa hồi đầu năm nay.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (ngày 30/6), và báo cáo việc làm sơ bộ hàng tuần (ngày 2/7) sẽ được công bố cùng thời điểm với báo cáo việc làm chính thức của tháng 6.

3. Tín hiệu từ Fed

Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin dự kiến sẽ điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày 30/6. Hai quan chức cấp cao này sẽ chia sẻ quan điểm về các gói kích thích được đưa ra để hạn chế thiệt hại của đại dịch với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đến ngày 1/7, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 6. Trước đó một ngày, Chủ tịch Fed khu vực New York John Williams sẽ tham gia hội thảo với Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi Thống đốc Fed Lael Brainard sẽ phát biểu về Đạo luật Dodd-Frank tại một diễn đàn trực tuyến do Viện Brookings và Đại học Michigan đồng tổ chức.

4. Căng thẳng địa chính trị

Trong tuần này, căng thẳng giữa hai siêu cường Mỹ - Trung có thể leo thang khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia mới đối với Hong Kong.

Hôm 26/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington đã áp hạn chế thị thực (visa) với các quan chức Trung Quốc có liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tự trị của Hong Kong.

Tháng trước, Tổng thống Trump tuyên bố đã chỉ thị cho chính phủ thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết cho phép soạn thảo luật an ninh mới.

Căng thẳng Mỹ - Trung xấu đi có thể tạo ra rủi ro đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn một của ông Trump, khiến Trung Quốc không tuân thủ các cam kết mua hàng hóa và dịch vụ Mỹ như đã hứa trong thỏa thuận.

5. BoE có thay đổi lập trường chính sách?

Nhà đầu tư ngoại hối sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin từ Thống đốc BoE Andrew Bailey và nhà kinh tế trưởng Andrew Haldane để tìm kiếm dấu hiệu cho thấy NHTW Anh đang muốn thay đổi đường lối chính sách tiền tệ sau khi bất ngờ tuyên bố sẽ dừng chương trình mua trái phiếu hồi tuần trước.

Quyết định dừng chương trình mua trái phiếu qui mô khủng của BoE đi kèm cùng một bình luận của ông Bailey. Cụ thể, Thống đốc BoE cho biết ông muốn nới lỏng bảng cân đối kế toán trước khi tăng lãi suất - một động thái đi ngược với đường lối chính sách của cựu Thống đốc Mark Carney trước kia.

Dưới thời của ông Carney, BoE thường tăng lãi suất trước khi bắt đầu bán lại các giao dịch mua tài sản ra thị trường vì BoE xem lãi suất là một công cụ chính sách hiệu quả nhanh nhất.

Khả Nhân

Sếp Vicem Hà Tiên: Giá bán xi măng vào sân bay Long Thành 'rất chua chát'
Lãnh đạo công ty cho biết thường cung cấp 50-100% sản lượng xi măng ở các dự án lớn phía Nam, theo đó kỳ bạn cung cấp ít nhất gần nửa triệu tấn cho siêu dự án này dù giá biên lợi nhuận không cao.