Fed buộc ngân hàng Mỹ ngừng mua cổ phiếu quĩ, giới hạn cổ tức được phép trả
Cuối giờ chiều ngày 25/6, Fed tuyên bố các ngân hàng lớn sẽ buộc phải ngừng mua lại cổ phiếu quĩ và giới hạn cổ tức chi trả trong quí III cao nhất là bằng mức hiện nay. Fed cũng cho biết ngân hàng sẽ chỉ được phép trả cổ tức dựa trên một công thức gắn với lợi nhuận gần đây.
Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục phải chịu giám sát: Lần đầu tiên trong lịch sử, ngân hàng sẽ phải nộp lại kế hoạch cổ tức cho Fed. Ngoài ra, có thể các hạn chế về cổ tức sẽ tiếp tục có hiệu lực. Fed cho biết giới gân hàng có thể phải lặp lại qui trình này hàng quí.
Theo CNBC, giá cổ phiếu ngân hàng đồng loạt sụt giảm trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 25/6. Wells Fargo, Goldman Sachs, JPMorgan Chase lần lượt giảm 3,3%; 3,9% và 1,9%. Trong phiên giao dịch chính thức, cổ phiếu ngân hàng bứt phá sau động thái chính sách tích cực từ Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC)
Phó Chủ tịch Fed Randall Quarles tuyên bố: "Tôi kì vọng ngân hàng sẽ tiếp tục quản lí việc phân bổ vốn và rủi ro thanh khoản một cách thận trọng nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, quĩ đạo của sự phục hồi kinh tế có tính bất định lớn".
"Do vậy, Fed đang hành động để đánh giá tình hình của các ngân hàng một cách bao quát hơn và yêu cầu những ngân hàng lớn nhất áp dụng các biện pháp cẩn trọng để bảo toàn vốn trong những tháng tới".
Động thái trên báo hiệu bản chất đặc biệt của đại dịch COVID-19 và các khó khăn trong việc dự đoán những gì ngân hàng sẽ phải đối mặt trong tương lai đang khiến Fed thận trọng.
Các nhà quản lí và ngành ngân hàng rất muốn tránh lặp lại sai lầm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008: ngân hàng trả hàng tỉ USD cho cổ đông để rồi sau đó phải chật vật huy động vốn.
Từ tháng 3, 8 ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã thông báo sẽ tự nguyện hoãn các chương trình mua lại cổ phiếu.
Bên cạnh đó, hầu hết các nhà phân tích cũng đã dự đoán trước rằng cổ tức ngân hàng sẽ vẫn được giữ ở mức như hiện tại. Wells Fargo là ngoại lệ do đang phải vật lộn để khôi phục lợi nhuận sau bê bối tài khoản giả.
Tuy nhiên, nhà đầu tư trên thị trường quyền chọn đang đặt cược rằng ngân hàng sẽ buộc phải cắt giảm cổ tức, kể cả ngân hàng lớn nhất như JPMorgan.
Ông David Ellison, nhà quản lí danh mục đầu tư tại Hennessy Funds cho biết: "Về bản chất, ngân hàng đang bị quốc hữu hóa. Có vẻ như hoạt động mua cổ phiếu quĩ sẽ bị ngừng trong một thời gian dài, và việc chi trả cổ tức phụ thuộc vào dự đoán của Fed về nền kinh tế".
Dự kiến giới ngân hàng sẽ tiết lộ kế hoạch vốn và chi trả cổ tức vào ngày 29/6.
Tuy nhiên, có vẻ như giới ngân hàng Mỹ đã tránh được một kịch bản không mấy dễ chịu: Bà Lael Brainard - một thành viên Ban thống đốc Fed đã từng tuyên bố bà ủng hộ việc đình chỉ mọi hoạt động mua cổ phiếu quĩ và chi trả cổ tức của ngân hàng.
Kịch bản hồi phục kinh tế
Ngoài bài kiểm tra thông thường như hàng năm, lần này Fed còn đánh giá ba kịch bản liên quan tới đại dịch COVID-19: nền kinh tế phục hồi nhanh chóng theo hình chữ V, hoặc chậm hơn là theo hình chữ U và cuối cùng là theo mô hình chữ W – đồng nghĩa rằng sẽ xảy ra suy thoái kép.
Ba kịch bản này là điều các nhà phân tích và đầu tư quan tâm nhất trong bài kiểm tra sức chịu đựng năm nay của Fed.
Thực tế, Fed đã cẩn trọng nói rằng các kịch bản họ đưa ra không phải là dự báo cho những gì sẽ xảy ra cho tương lai. Tuy nhiên, kịch bản tương lai của Fed cũng gần giống với nhận định của các giám đốc điều hành ngân hàng về điều có thể xảy ra với nền kinh tế: Tỉ lệ thất nghiệp sẽ lên tới đỉnh ở mức 19,5%.
Hệ quả là 34 ngân hàng tham gia bài kiểm tra của Fed có thể mất tới 700 tỉ USD đã cho vay và các chỉ số tổng vốn của toàn ngành có thể giảm từ 12% vào cuối năm 2019 xuống 7,7% trong năm 2020. Vốn của ngân hàng có chức năng như một "bộ đệm" để hấp thụ các khoản lỗ.
Trong kịch bản kinh tế hồi phục theo hình chữ U hoặc chữ V, một vài ngân hàng "sẽ tiến gần đến các mức vốn tối thiểu", Fed cho biết. Tuy nhiên, Fed không tiết lộ tên của những ngân hàng này.
Thống đốc Fed Brainard cho biết công thức tính cổ tức được phép chi trả bao gồm thu nhập trung bình của 4 quí gần đây nhất.
Bà Brainard cho rằng việc cho phép ngân hàng tiếp tục chi trả cổ tức là "không phù hợp với mục đích của các bài kiểm tra sức chịu đựng". Theo bà, Fed lẽ ra phải đưa ra quyết định dựa trên triển vọng trong tương lai thay vì cho phép trả cổ tức dựa trên lợi nhuận trong quá khứ.
Bà Brainard cho biết có đến 25% ngân hàng có thể bị đẩy xuống gần với mức vốn tối thiểu trong các kịch bản khác nhau về COVID-19.
Bà cho biết: "Kinh nghiệm quá khứ chỉ ra rằng các ngân hàng vận hành với mức vốn gần với yêu cầu tối thiểu sẽ ít có khả năng đáp ứng được nhu cầu của những người đi vay có khả năng trả được nợ. Các điều kiện tài chính thắt chặt có thể gây tổn hại tới sự phục hồi của nền kinh tế".