Nhận thêm 2.000 tỉ USD tiền gửi trong đại dịch, ngân hàng Mỹ to càng thêm to
Chỉ tính riêng trong tháng 4, giá trị tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Mỹ đã tăng tới 865 tỉ USD, nhiều hơn kỉ lục của cả năm trước đây.
Theo CNBC, tăng trưởng đột biến này đều do các chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19 trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra, cụ thể là việc chính phủ bơm hàng trăm tỉ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và phát tiền cho người dân thông qua trợ cấp thất nghiệp hoặc kích thích tài khóa.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng triển khai các chương trình trị giá hàng nghìn tỉ USD và mua vào trái phiếu không giới hạn để hỗ trợ thị trường tài chính.
Thêm vào đó, tương lai bất định trong bối cảnh đại dịch hoành hành khiến cho các đơn vị kinh tế, từ cá nhân, hộ gia đình tới các tập đoàn đa quốc gia phải tích trữ tiền mặt và gửi vào ngân hàng.
Theo FDIC, hơn 2/3 số tiền gửi tăng thêm thuộc về 25 định chế tài chính lớn nhất, đặc biệt là các ngân hàng top đầu như JPMorgan Chase, Bank of America và Citigroup. Đây đều là những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tài sản và có tốc độ tăng trưởng tiền gửi cao hơn hẳn trung bình ngành trong quí I/2020.
Ông Brian Foran – Chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Autonomous Research nhận định: "Dù đánh giá theo hướng nào thì sự tăng trưởng tiền gửi thời gian qua đều hết sức phi thường. Các ngân hàng đang tha hồ bơi lội trong tiền".
Có nhiều lí do giải thích tại sao các ngân hàng lớn nhất – những kẻ sống sót sau cuộc khủng hoảng 2008 – lại là người hưởng lợi chính trong cơn lũ tiền gửi này.
Khi các bang bắt đầu áp lệnh phong tỏa hồi tháng 3, các tập đoàn lớn bao gồm Boeing và Ford ngay lập tức vay hàng tỉ USD trong hạn mức tín dụng, và số tiền này ban đầu được gửi luôn tại các ngân hàng cho vay.
Các ngân hàng lớn cũng phục vụ đa số khách hàng trong Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) trị giá 660 tỉ USD mà chính phủ tung ra để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do các ngân hàng đa phần chỉ phục vụ các khách hàng hiện có nên số tiền hỗ trợ ban đầu sẽ nằm ở tài khoản của những doanh nghiệp đi vay.
Các ngân hàng tín thác phục vụ những nhà quản lí tài sản khổng lồ như BlackRock hay Fidelity kiếm được tiền gửi khi Fed bơm ra hàng trăm tỉ USD thông qua chương trình mua trái phiếu được thế chấp bằng khoản vay mua nhà (MBS). JPMorgan Chase và Citigroup cũng là những ngân hàng có hoạt động tín thác lớn nhất.
Và lí do rõ ràng nhất là các ngân hàng siêu lớn có nhiều khách hàng cá nhân nhất – những người có rất ít cách tiêu tiền khi bị phong tỏa trong nhà. Theo Cục Phân tích kinh tế Mỹ, tỉ lệ tiết kiệm cá nhân của Mỹ đạt mức cao kỉ lục 33% trong tháng 4/2020.
Nhờ tấm séc hỗ trợ 1.200 USD mà chính phủ gửi, thu nhâp cá nhân của người dân Mỹ trong tháng 5 chẳng những không giảm mà còn tăng 10,5%. Nguyên do là con số 1.200 USD cao hơn thu nhập thường xuyên của nhiều người dân Mỹ trong một tháng.
Hầu như tất cả số tiền hỗ trợ này đều chảy vào tài khoản ngân hàng. Hồi cuối tháng 5, ông Brian Moynihan – CEO Bank of America cho biết những tài khoản thanh toán dưới 5.000 USD có nhiều tiền hơn 30-40% so với trước dịch.
Sau cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008, các nhà băng khổng lồ nhờ mạng lưới chi nhánh phủ khắp cả nước Mỹ đã thu hút được lượng lớn tiền gửi. Đây là một trong những nguồn vốn rẻ nhất, giúp ngành ngân hàng liên tiếp ghi nhận lợi nhuận cao kỉ lục trong môi trường lãi suất siêu thấp.
Tuy nhiên theo nhà phân tích Brian Foran tại công ty nghiên cứu Autonomous Research, các ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi cho vay trong thời kì suy thoái và do vậy đang không phải vất vả tìm cách sử dụng số tiền mặt liên tục chảy về.
"Nhiều ngân hàng đang phải thốt lên: 'Chúng tôi đang không biết phải làm gì với số tiền gửi này'", ông Foran nói.
Nếu sự tăng trưởng tiền gửi chỉ là một dấu hiệu của các biện pháp ứng phó đại dịch thì hiện chưa rõ hệ quả cuối cùng của việc chính phủ vung tay chi tiêu hào phóng sẽ là gì. Một số chuyên gia dự báo đồng USD sẽ sụp đổ và lạm phát tại Mỹ sẽ tăng cao. Một số khác lại cho rằng thị trường chứng khoán đang hình thành bong bóng.
Theo ông Foran, một hệ quả mà những người tiết kiệm sẽ sớm nhận thấy là các ngân hàng chắc chắn sẽ hạ thấp lãi suất vì tiền gửi không còn quá quan trọng với các nhà băng nữa.