|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 28/9 - 2/10: Chờ đợi số liệu vĩ mô từ các nền kinh tế lớn

16:26 | 28/09/2020
Chia sẻ
Nhà đầu tư ngoại hối sẽ theo dõi đà phục hồi của đồng bạc xanh sau diễn biến giao dịch tích cực tuần trước. Ngoài ra, họ cũng sẽ chú ý đến lạm phát và dữ liệu GDP công bố trong tuần này.

Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey đã buộc phải thực hiện một số biện pháp kiểm soát thiệt hại khi ông khẳng định không cân nhắc áp dụng lãi suất âm.

Ông Bailey đưa ra phủ nhận trên sau khi tuyên bố chính sách của BoE cho hay các thành viên trong Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) đã được thông báo ngắn gọn về khả năng áp dụng lãi suất âm.

Sau đó, đồng bảng Anh nhanh chóng mất thăng bằng và ông Bailey buộc phải phủ nhận hướng đi chính sách này.

Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất của khu vực đồng tiền chung châu Âu và Đức đều cải thiện so với tháng 9, lần lượt đạt 53,7 điểm và 53,6 điểm.

Ngoài ra, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước đã tăng nhẹ từ 866.000 một tuần trước đó lên 870.000. Tổng số người lao động mất việc hiện vẫn cao hơn mức đỉnh trước đại dịch, tuy nhiên đã giảm nhẹ so với gần 7 triệu người hồi tháng 3, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Mỹ.

Forex Crunch đã tổng hợp một số sự kiện tài chính có thể tác động đến thị trường ngoại hối tuần này như sau:

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 28/9 - 2/10: Chờ đợi số liệu vĩ mô từ các nền kinh tế lớn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Money Magazine

1. Chỉ số CPI sơ bộ của Đức (công bố ngày 29/9)

Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu, lạm phát vẫn còn khá yếu, đặc biệt là khi chỉ số CPI đã giảm hai tháng liên tiếp.

Theo các nhà phân tích, số liệu CPI sơ bộ cho tháng 9 ước tính dao động quanh mức 0%.

2. GDP của Anh (công bố 30/9)

Quí II năm nay là giai đoạn thảm họa đối với nước Anh, khi đại dịch COVID-19 buộc phần lớn nền kinh tế phải "đóng băng".

Tăng trưởng GDP quí II được dự đoán sẽ rơi xuống mức -20,4% như ước tính ban đầu. Do thị trường đã lường trước số liệu kém khả quan này, các chuyên gia cho rằng GDP quí II của Anh không có khả năng ảnh hưởng lớn đến đồng bảng Anh.

3. GDP của Canada (công bố ngày 30/9)

Chính phủ Canada công bố số liệu GDP hàng tháng. Hiện tại, nền kinh tế Canada đã cải thiện phần nào, khi tăng trưởng GDP tăng từ 4,5% trong tháng 5 lên 6,5% trong tháng 6. Ước tính tăng trưởng GDP của tháng 7 rơi vào khoảng 2,9%.

4. Tỉ lệ thất nghiệp của Eurozone (công bố ngày 1/10)

Tỉ lệ thất nghiệp của khối kinh tế chung tăng đều trong các tháng qua và đạt 7,9% vào tháng 8. Theo dự đoán, tỉ lệ thất nghiệp của Eurozone sẽ tiếp tục tăng trong tháng 8, ước tính chạm ngưỡng 8,1%.

5. Số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp tuần của Mỹ (công bố ngày 1/10)

Tuần trước, số lượng hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ tăng nhẹ lên 870.000. Trong tuần này, giới phân tích dự đoán số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần sẽ giảm nhẹ về mức cũ là 850.000, theo Trading Economics.

Diễn biến đại dịch COVID-19 tại Mỹ hiện chưa có dấu hiệu lắng dịu, do đó ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ tiếp diễn. Ở diễn biến khác, Quốc hội Mỹ vẫn chưa đi đến thống nhất chung về gói cứu trợ kinh tế mới sau nhiều tuần bất đồng quan điểm.

Đáng chú ý, tuần trước Đảng Dân chủ Hạ viện đề xuất một gói kích thích tài khóa trị giá khoảng 2.200 tỉ USD, tuy nhiên chặng đường để đề xuất này đến bàn làm việc của Tổng thống Trump được cho là khá gian nan.

6. Lạm phát của Eurozone (công bố ngày 2/10)

Bóng ma giảm phát vẫn đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Số liệu lạm phát của khu vực Eurozone đạt - 0,2% trong tháng 8 và dự kiến tăng nhẹ lên -0,1% trong tháng 9.

Trong khi đó, chỉ số CPI cốt lõi đạt 0,4% trong tháng 8 và ước tính tăng lên 0,5% vào tháng 9.

Khả Nhân