Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 27/7 - 31/7: Mỹ tiếp tục tranh luận về gói kích thích mới, Fed họp chính sách
Ngoài ra, theo Investing.com, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh cũng như dữ liệu kinh tế của Mỹ, Đức và khu vực Eurozone cũng sẽ tác động đáng kể đến giao dịch ngoại hối tuần này.
1. Tranh luận về kích thích kinh tế
Khoảng 32 triệu người Mỹ đang nhận trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần, tuy nhiên các phúc lợi này sẽ hết hạn vào ngày 31/7.
Hôm 25/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay chính phủ Mỹ ủng hộ kéo dài chương trình trợ cấp thất nghiệp cho đến cuối năm trong gói kích thích kinh tế tiếp theo. Dù vậy, trợ cấp sẽ giảm so với mức hiện tại.
Chính quyền ông Trump và Quốc hội Mỹ đang cố gắng thống nhất về gói cứu trợ tiếp theo. Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ công bố các biện pháp mà phía này đề xuất vào đầu tuần sau, sau đó lưỡng đảng sẽ tiếp tục tranh luận để đi đến quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, không rõ Quốc hội Mỹ có thể đạt được thỏa thuận trước khi chương trình trợ cấp thất nghiệp hiện tại hết hạn hay không. Do đó, người lao động Mỹ có thể rơi vào tình cảnh khó khăn trong thời gian tới do tính bất định quanh thỏa thuận trên.
2. Fed họp chính sách
Theo Investing.com, Fed nhiều khả năng sẽ "án binh bất động" tại cuộc họp chính sách ngày 28 - 29/7 sau khi hạ lãi suất xuống gần bằng 0 và cam kết mua các tài sản tài chính không giới hạn.
Quan chức Fed có thể lặp lại thông báo cũ rằng lãi suất sẽ ở gần mức 0 cho đến khi nền kinh tế Mỹ trở lại bình thường.
Trong vài tuần qua, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã trở nên trầm lặng hơn về triển vọng kinh tế sau khi một số người cảnh báo các cải thiện gần đây trong dữ liệu kinh tế như số liệu việc làm có thể chỉ là thoáng qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch bùng phát dữ dội ở các tiểu bang phía tây và nam nước Mỹ.
"Đại dịch COVID-19 vẫn là yếu tố tác động chính đến nền kinh tế Mỹ. Một màn sương mù dày đặc và bất định đang vây quanh chúng ta, rủi ro suy yếu đang chiếm ưu thế", Thống đốc Fed Lael Brainard cho hay hồi đầu tháng 7.
3. GDP của Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ công bố số liệu GDP sơ bộ của quí II vào ngày 30/7. Theo đó, các nhà phân tích dự đoán GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm 34% trong quí II so với cùng kì năm ngoái.
Khả năng phục hồi kinh tế đang đứng trước rủi ro lớn khi số ca nhiễm mới tăng vọt trên khắp cả nước, khiến một số nhà chức trách tại miền tây và nam nước Mỹ phân vân không biết nên đóng cửa lần nữa hay tạm dừng mở cửa kinh tế.
"Ngay cả khi Fed duy trì lập trường chính sách cực kì lỏng lẻo và Quốc hội Mỹ cung cấp thêm hỗ trợ tài khóa, các yêu cầu giãn cách xã hội hiện tại có thể giữ cho GDP ở mức thấp và tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt trong vài năm tới", ông Paul Ashworth - nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics cho hay.
4. GDP của khu vực Eurozone
Số liệu GDP từ Đức (công bố ngày 30/7) và của khu vực Eurozone (ngày 31/7) sẽ cho thấy mức độ sụt giảm kinh tế tại châu Âu trong quí II.
Nền kinh tế Đức được dự đoán sẽ giảm 9%, trong khi nền kinh tế khu vực đồng tiền chung euro có thể sụt 11,2% trong quí II do ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa.
Đồng euro đã chạm mức đỉnh 21 tháng trong phiên giao dịch ngày 24/7 sau khi Liên minh châu Âu (EU) bỏ qua khác biệt và nhất trí thành lập quĩ phục hồi kinh tế chung. Dấu hiệu đoàn kết này cùng với kích thích tiền tệ và ngân sách có thể kéo đồng euro lên mức 1,2 USD đổi một euro.