Sự cần thiết, nội dung mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước
Chỉ 4/30 doanh nghiệp lớn công khai ủng hộ chống tham nhũng |
Ảnh minh họa: Nguồn Internet |
1. Quan điểm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước
1.1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN phải đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với định hướng hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế, xã hội ở nước ta
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về PCTN nói chung.
Hiện tại, Bộ luật Hình sự đã quy định về một số tội phạm tham nhũng và tội phạm chức vụ xảy ra tại các tổ chức, DN khu vực ngoài Nhà nước, cụ thể: Tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Vì vậy, với vị trí là một đạo luật chung quy định về hành vi tham nhũng; phòng ngừa, phát hiện tham nhũng và xử lý hành vi tham nhũng, hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN thì việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước phải đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm loại bỏ rào cản, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các DN, thu hút đầu tư xã hội vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo… thì việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN không được làm phát sinh thủ tục hoặc tạo thêm trở lực đối với sự phát triển của các DN.
1.2. Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN phải có bước đi thích hợp, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta và năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước
PCTN được coi là một trong những chuẩn mực toàn cầu đặt ra đối với các DN trong hoạt động kinh doanh. Như vậy, nhìn từ góc độ hội nhập kinh tế quốc tế, PCTN trong hoạt động kinh doanh là góp phần thúc tiến trình hội nhập của các DN Việt Nam và tạo sân chơi bình đẳng giữa DN trong nước với DN nước ngoài.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 01/7/2017, Việt Nam có tới 466.200 DN nhỏ và vừa (chiếm 98,1% tổng số DN). Do vậy, việc đưa các yêu cầu về PCTN vào áp dụng chung đối với tất cả các DN khu vực ngoài Nhà nước là chưa phù hợp. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa thể tập trung nguồn lực để đảm bảo cho quá trình tổ chức thực hiện các biện pháp về PCTN đối với tất cả các tổ chức, DN khu vực ngoài Nhà nước.
Vì vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước, đặc biệt là với khu vực DN cần có lộ trình và bước đi vững chắc, vừa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội, vừa căn cứ vào năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước.
1.3. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước cần được tiếp cận dựa trên đặc thù hoạt động của các chủ thể trong khu vực này
Tiếp cận dựa trên lý thuyết của kinh tế học, nguyên nhân phát sinh tham nhũng ở khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước đều là xung đột lợi ích giữa “ông chủ và người làm thuê/chủ sở hữu và người lao động (trong khu vực DN) hoặc người dân và những người đại diện cho họ (trong khu vực Nhà nước)”. Tuy nhiên, mục đích hoạt động của cơ quan Nhà nước khác với các tổ chức, DN khu vực ngoài Nhà nước. Vì vậy, các biện pháp PCTN ở trong khu vực Nhà nước không phù hợp hoàn toàn đối với các tổ chức, DN khu vực ngoài Nhà nước.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN, đặc biệt là khi quy định các biện pháp PCTN đối với các tổ chức, DN khu vực ngoài Nhà nước cần phải bám sát vào các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của nhóm chủ thể này như nguyên tắc về đảm bảo quyền tự do kinh doanh; đảm bảo các quy luật của thị trường hoặc nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tự do thỏa thuận trên cơ sở không trái với các quy định của pháp luật…
Bên cạnh đó, các biện pháp kinh tế cũng cần được xem xét ưu tiên áp dụng khi xử lý hành vi vi phạm thay vì chỉ áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự như đối với khu vực Nhà nước.
2. Đề xuất nội dung mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước
Dựa trên các quan điểm ở trên, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN bao gồm một số nội dung chính như sau:
2.1. Quy định việc áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với các tổ chức, DN khu vực ngoài Nhà nước, bao gồm: Các biện pháp khuyến khích và các biện pháp bắt buộc
- Về các biện pháp khuyến khích: Dự thảo Luật quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng mang tính khuyến khích đối với tất cả các DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
Các biện pháp này bao gồm: Ban hành và thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh đối với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hiệp hội và quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ trong DN và các tổ chức kinh tế khác nhằm xây dựng văn hóa liêm chính, kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.
Trong hoạt động xã hội nói chung và hoạt động kinh doanh nói riêng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử sẽ là tuyên ngôn của các tổ chức, DN, chứa đựng những giá trị cốt lõi, chuẩn mực ứng xử phù hợp với đặc thù chuyên môn, nghề nghiệp của người hành nghề, của người hoạt động kinh doanh. Những quy tắc này cũng sẽ là căn cứ để điều chỉnh mối quan hệ trong nội bộ của tổ chức, DN; mối quan hệ giữa tổ chức, DN với cơ quan Nhà nước, với các đối tác và ứng xử trong xã hội nói chung.
Vì vậy, để hướng tới xây dựng văn hóa liêm chính, kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng, các tổ chức, DN khu vực ngoài Nhà nước cần được khuyến khích trong việc đưa ra các chuẩn mực về PCTN vào quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử như quy định về cấm hành vi đưa hối lộ, lại quả trong hoạt động; nguyên tắc phòng ngừa tham nhũng hoặc ứng phó với các tình huống tham nhũng…
- Về các biện pháp bắt buộc: Dự thảo Luật quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng mang tính bắt buộc đối với một số tổ chức, DN bao gồm: Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Các biện pháp bắt buộc bao gồm: Thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng quy định về thanh tra nhằm đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với các tổ chức, DN này.
Việc lựa chọn áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với các công ty, DN trên xuất phát từ một số căn cứ sau:
+ Hoạt động của các tổ chức, DN này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cá nhân và tổ chức có liên quan.
+ Kết quả rà soát pháp luật hiện hành có liên quan cho thấy, công tác PCTN trong các tổ chức, DN này chưa được quy định rõ ràng về phương thức và biện pháp cụ thể.
+ Nếu lựa chọn phương án mở rộng việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp PCTN đối với tất cả các tổ chức, DN trong khu vực ngoài Nhà nước thì sẽ không mang tính khả thi.
2.2. Quy định về trách nhiệm của DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong PCTN
Trên tinh thần khuyến khích các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào công tác PCTN, Dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong tổ chức và hoạt động của DN, tổ chức mình. Đồng thời, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người lãnh đạo, quản lý DN, tổ chức phải chuyển ngay vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật và xử lý theo quy định của điều lệ, quy chế hoạt động của DN, tổ chức. Bên cạnh đó, DN, tổ chức có trách nhiệm phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng.
Như vậy có thể thấy, căn cứ vào đặc thù về tổ chức và hoạt động của mình, các DN, tổ chức có thể lồng ghép nội dung trách nhiệm trong PCTN vào quy tắc ứng xử để đảm bảo thực hiện.
Cũng giống như đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước, pháp luật quy định trách nhiệm của DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong việc thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết để phòng ngừa tham nhũng xảy ra trong hoạt động, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa DN, tổ chức với cơ quan Nhà nước và trong nội bộ DN, tổ chức.
Bên cạnh đó, để thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật, các DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước cũng cần quy định và thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm kịp thời nhận diện, phát hiện và có biện pháp ứng phó, xử lý hành vi tham nhũng khi xảy ra. Cơ chế kiểm soát nội bộ cần làm rõ về những hành vi vi phạm quy tắc ứng xử (trong đó có hành vi tham nhũng); hình thức xử lý; phương thức tiếp nhận thông tin, phản ánh, xác minh vụ việc và xử lý vi phạm, trong đó bao gồm cả việc thông báo, phản ánh và chuyển vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, dấu hiệu tội phạm cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, theo Richard E. Messick (chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới - WB) trong Báo cáo về Dự án Luật PCTN (Sửa đổi) của Việt Nam (tháng 5/2018), để thúc đẩy trách nhiệm của các DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong PCTN như đề cập ở trên thì các Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ tuân thủ khu vực tư nhân (theo Tiêu chuẩn kinh doanh số 37001 của Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế và Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD, WB và Liên hợp quốc - UN) với sự tham gia của các cơ quan Chính phủ, các hiệp hội ngành nghề và các tổ chức bảo vệ quyền lợi của DN.
2.3. Quy định về các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước và các hình thức xử lý hành vi tham nhũng, hành vi vi phạm pháp luật về PCTN đối với các DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước
Để đảm bảo tính đồng bộ trong chính sách xử lý đối với hành vi tham nhũng nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng, Dự thảo Luật PCTN (Sửa đổi) đã mở rộng khái niệm chủ thể của hành vi tham nhũng bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
Điểm c khoản 2 Điều 3 Dự thảo Luật quy định: Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: “Người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN, người giữ chức danh quản lý trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước”.
Tại Điều 2 Dự thảo Luật có những chỉnh lý để bao quát cả hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước, đặc biệt là các hành vi: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ.
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng đã quy định về việc xử lý đối với người có hành vi tham nhũng trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo theo quy định của pháp luật và giao cho Chính phủ quy định cụ thể về nội dung này (Điều 90 và Điều 92 Dự thảo).
Dự thảo Luật còn quy định về biện pháp xử lý đối với DN, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về PCTN (Điều 93).
Tóm lại, thực hiện các biện pháp PCTN trong các DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước là một đòi hỏi tất yếu đang đặt ra. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh PCTN nói chung và còn nâng cao vị thế, uy tín và giá trị cốt lõi của các tổ chức, DN Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng. Tuy nhiên, việc lựa chọn biện pháp cụ thể và phương thức tác động tới các chủ thể khu vực ngoài Nhà nước trong PCTN cần có bước đi cụ thể, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta hiện nay. Cách tiếp cận này đã được thể hiện trong Dự thảo Luật PCTN (Sửa đổi) và trong quá trình bổ sung, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết và tổ chức triển khai cũng cần được chú trọng nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực hiện các biện pháp PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước thời gian tới.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Việc mở rộng phải có trọng tâm, trọng điểmĐồng tình với việc mở rộng PCTN ra khu vực tư, lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mở rộng các hoạt động PCTN khu vực ngoài Nhà nước là nhiệm vụ chung và ngày càng trở nên cấp thiết của Đảng và Chính phủ. Nếu triển khai và đưa được Luật PCTN khu vực ngoài Nhà nước đi vào đời sống sẽ đem đến rất nhiều thuận lợi cho DN và người dân, cũng như có lợi cho cả nền kinh tế. Triển khai việc PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước hiện đang được mong đợi và ủng hộ rất nhiều từ người dân, là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách. Điều này giúp huy động được người dân cũng như cộng đồng DN tham gia cùng hưởng ứng trong công tác PCTN. Lấy ví dụ ngành Phân bón có 3 loại hình DN: DN 100% vốn Nhà nước, DN cổ phần (có một phần vốn Nhà nước và một phần vốn tư nhân) và DN có vốn tư nhân hoàn toàn. Tôi cho rằng, đẩy mạnh PCTN trong khu vực Nhà nước hay khu vực ngoài Nhà nước đều góp phần mang lại những lợi ích chung cho DN và người dân. Tôi xin nhấn mạnh, đứng ở góc độ quan điểm của Đảng thì việc chống tham nhũng sẽ không trừ một ai. Nếu xét trong thực tế hiện nay, tình hình tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đó đã ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, kể cả DN ngoài Nhà nước hay DN khối tư nhân. Vì vậy, việc mở rộng PCTN sang khu vực tư vào thời điểm hiện tại quả là việc làm chuẩn, đúng và kịp thời của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc mở rộng cần tiến hành từng bước, có trọng tâm, trọng điểm để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng kiểm soát đối với khu vực này. Ông Nguyễn Đức Tuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Cầu Giấy: Qui định chặt về tham nhũng trong khu vực tưMở rộng phạm vi điều chỉnh Luật PCTN sang khu vực tư là rất cần thiết! Trên thực tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN đều mong muốn có một sân chơi mà ở đó có sự cạnh tranh lành mạnh và minh bạch. Ngay từ trong nội bộ công ty, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng một môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, dân chủ, minh bạch và phi tham nhũng. Chúng tôi xác định tạo dựng cho được môi trường kinh doanh bền vững, bởi đó là mấu chốt, là sự sống còn của DN. Điều cần hơn là phải có những quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, công khai, minh bạch về cơ quan và người có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra DN khu vực tư. Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) -Cơ quan đầu mối của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam: Cần một khuôn khổ pháp luật phù hợp, khả thi để khuyến khích văn hóa kinh doanh liêm chính.Tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam diễn ra nghiêm trọng và lan rộng mặc dù đã có nhiều nỗ lực và biện pháp PCTN được đưa ra trong thời gian gần đây. Theo đánh giá của TI, Việt Nam chỉ đạt 35/100 điểm, đứng thứ 107/180 quốc gia được đánh giá trong Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2018. Điều đó không có nghĩa là DN có thể khoanh tay “đứng ngoài cuộc”. Trên thực tế, DN vừa là nạn nhân và cũng vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Đặc biệt, một xu hướng đáng lo ngại là “lãnh đạo DN” là nhóm đối tượng được người dân nhìn nhận là đã trở nên tham nhũng hơn trong vòng ba năm qua (tăng từ 33% năm 2013 lên 37% năm 2016, theo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2017 do TI và TT thực hiện). Lãnh đạo DN cũng là một trong ba nhóm có mức độ tham nhũng cao nhất (sau cảnh sát và thuế) tại Việt Nam. TT kêu gọi DN chung tay cùng hành động. Muốn đẩy lùi tham nhũng một cách hiệu quả, cần phải có sự tham gia tích cực và chủ động của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng DN. Để đạt được mục tiêu đó, việc ban hành khung pháp lý về PCTN nói chung và xử lý tham nhũng trong khu vực tư nói riêng là điều hết sức cần thiết. Quan trọng hơn, các quy định của Luật PCTN (Sửa đổi) cần chuyển tải tinh thần khuyến khích văn hóa kinh doanh liêm chính, tạo ra sân chơi bình đẳng mà không gây thêm những gánh nặng không cần thiết đối với DN trong tổ chức, hoạt động. |
ThS Nguyễn Tuấn Anh
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế