|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Startup xe ôm' ở Indonesia sẽ đấu Grab, Uber tại Đông Nam Á

16:38 | 02/10/2017
Chia sẻ
Startup xe ôm "tỷ đô" muốn mở rộng kinh doanh sang 3 hoặc 4 nước Đông Nam Á có dân số đông và người dân chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt để cạnh tranh với Uber và Grab.

Go-Jek, startup xe ôm có trị giá một tỷ USD ở Indonesia, có ý định mở rộng dịch vụ gọi taxi qua ứng dụng điện thoại sang 3 hoặc 4 quốc gia ở Đông Nam Á nhằm tăng mức độ cạnh tranh với Grab và Uber.

Nadiem Makarim, giám đốc điều hành và đồng sáng lập Go-Jek, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng công ty sẽ mở rộng dịch vụ sang những nước có dân số đông và phương thức thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến. Tuyên bố ấy hàm ý rằng dịch vụ thanh toán điện tử của Go-Jek sẽ là yếu tố quan trọng trong nỗ lực xâm nhập thị trường mới của công ty.

startup xe om o indonesia se dau grab uber tai dong nam a
Ra đời năm 2011, hiện nay Go-Jek là startup đầu tiên đạt giá trị tỷ USD ở Indonesia. Ảnh: BBC

Grab, hãng cung cấp dịch vụ đặt và điều phối xe qua điện thoại thông minh có trụ sở ở Singapore, đã đẩy mạnh hoạt động cạnh tranh với Go-Jek ngay tại Indonesia. Hiện tại Grab là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải theo yêu cầu lớn nhất ở Đông Nam Á, với sự hiện diện tại 7 quốc gia. Anthony Tan, giám đốc điều hành Grab, học cùng lớp với Makarim ở Trường Kinh doanh Harvard.

Đối với Go-Jek, đây là lần đầu tiên họ lập kế hoạch vươn ra ngoài lãnh thổ Indonesia.

“Chúng tôi luôn ở thế phòng ngự trước Grab và Uber. Đây là lúc chúng tôi đặt áp lực cạnh tranh trước cửa ngõ của họ”, Nadiem phát biểu. Tuy nhiên, anh không tiết lộ thời điểm Go-Jek sẽ mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ quê hương.

Philippines, Việt Nam, Thái Lan là những nước có dân số đông sau Indonesia trong khu vực Đông Nam Á. Tổng dân số của ba nước vào khoảng 270 triệu.

Go-Jek và Grab đã triển khai dịch vụ thanh toán điện tử trên điện thoại di động. Họ coi đó là cách để mở rộng quy mô kinh doanh và tăng lợi nhuận nhờ việc cung cấp dịch vụ tài chính tới một lượng lớn người dân không có khả năng tiếp cận hệ thống ngân hàng.

“Tôi nghĩ chúng tôi đã tìm ra một mô hình phù hợp, có thể phát huy hiệu quả ở nền kinh tế mới nổi, nơi cơ sở hạ tầng chưa hoàn hảo. Khi Go-Jek xâm nhập thị trường mới, chúng tôi sẽ cạnh tranh với toàn bộ vũ khí mà chúng tôi có”, Nadiem khẳng định.

Nadiem Makarim thành lập Go-Jek vào năm 2011 để cung cấp dịch vụ xe ôm. Sau đó nó phát triển thành nhà cung cấp dịch vụ giao hàng và vận chuyển qua ứng dụng trên điện thoại di động. “Có lẽ tôi không phải người đầu tiên nảy ra ý tưởng kinh doanh để giải quyết các vấn đề liên quan tới nạn kẹt xe. Rất nhiều người cũng nghĩ tới ý tưởng tương tự. Song chúng tôi là công ty đầu tiên triển khai nó trên quy mô lớn”, Nadiem nhận định.

Chàng trai tốt nghiệp Trường kinh doanh Harvard tại Mỹ kể rằng anh bắt đầu khởi nghiệp bằng việc hợp tác với những người hành nghề xe ôm (ojek) ở Jakarta. Họ tập trung thành từng nhóm trên các đường phố để cung cấp dịch vụ vận chuyển với giá vài USD mỗi chuyến. Ojek là những “chuyên gia” trong việc luồn lách giữa dòng phương tiện đông đúc ở Jakarta nên người dân coi xe ôm là dịch vụ hiệu quả và rẻ nhất để di chuyển.

Ban đầu trụ sở của Go-Jek chỉ là một căn hộ nhỏ với vài nhân viên tiếp nhận cuộc gọi từ những người có nhu cầu giao hàng. Sau một thời gian ngắn, công ty trở thành nhà cung cấp dịch vụ giao nhận và vận tải với 200.000 tài xế xe ôm. Thậm chí Makarim còn phát triển một ứng dụng để khách hàng có thể yêu cầu dịch vụ từ điện thoại di động.

“Chỉ trong vòng 3 tháng, 3 triệu người tải ứng dụng của chúng tôi – con số mà chúng tôi không dám nghĩ tới. Công ty đạt mục tiêu về doanh số của năm trong 2 tháng. Trong vòng một năm, hơn 11 triệu người tải ứng dụng – vượt quá mọi kỳ vọng của chúng tôi”, Makarim kể.

Khách hàng có thể sử dụng ứng dụng để đặt Go-Jek vận chuyển bằng xe máy, giao thực phẩm, dọn vệ sinh, làm đẹp và mát xa tại gia. Go-Jek tung ra ứng dụng Go-Car sau khi hợp tác với một số ngân hàng lớn nhất ở Indonesia. Sau đó công ty xây dựng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt.

Chí Phong/Bloomberg

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.