|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup sản xuất kháng sinh mới đua nhau phá sản, mối họa nhờn kháng sinh trở nên khó đảo ngược

13:38 | 07/01/2020
Chia sẻ
Các tập đoàn lớn không mặn mà với kháng sinh mới, trong khi các startup vật lộn để tồn tại, đẩy mức độ nguy hiểm của đại dịch nhờn kháng sinh lên tầm cao mới.

Vào giai đoạn mà vi khuẩn ngày càng nhờn những thuốc kháng sinh phổ biến, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kháng sinh mới đang cạn tiền và sắp rời khỏi thị trường, khiến nỗ lực ngăn đại dịch nhờn kháng sinh trở nên khó khăn hơn, theo The New York Times.

Quốc hội Mỹ cũng bất lực

Những startup sản xuất kháng sinh như Achaogen và Aradigm đã ngừng hoạt động trong vài tháng qua, còn các tập đoàn dược lớn như Novartis và Allergan đã bỏ hoạt động phát triển kháng sinh mới. 

Trong số những nhà sản xuất thuốc kháng sinh còn lại ở Mỹ, nhiều doanh nghiệp đang bước tới bờ vực phá sản. Melinta Therapeutics, một trong số những nhà sản xuất kháng sinh lớn nhất Mỹ, vừa cảnh báo chính phủ rằng họ sắp cạn tiền.

Startup sản xuất kháng sinh mới đua nhau phá sản, mối họa nhờn kháng sinh trở nên khó đảo ngược - Ảnh 1.

Càng nghiên cứu càng lỗ là thảm cảnh của các hãng dược sản xuất thuốc kháng sinh mới. Ảnh: National Geographic

Giới chuyên gia nhận định viễn cảnh tài chính u ám của các doanh nghiệp cam kết sản xuất kháng sinh mới khiến các nhà đầu tư không dám rót vốn, đồng thời đe dọa sự phát triển của thuốc kháng sinh trong bối cảnh xã hội rất cần chúng.

"Đây là một cuộc khủng hoảng mà mọi người nên chú ý", tiến sĩ Helen Boucher, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Tufts, đồng thời là thành viên của Hội đồng Tư vấn tổng thống về vi khuẩn nhờn thuốc kháng sinh, cảnh báo.

Không có lãi từ việc bán kháng sinh mới

Vấn đề rất đơn giản: Các doanh nghiệp từng đầu tư hàng tỉ USD để phát triển kháng sinh mới đã không thể kiếm lời từ việc bán chúng. Phần lớn kháng sinh mà bác sĩ kê đơn chỉ tồn tại trong vài ngày tới vài tuần, chứ không giống như những loại thuốc trị các bệnh mãn tính như tiểu đường hay viêm khớp. 

Nhiều bệnh viện không muốn trả mức giá cao cho những kháng sinh mới. Sự bế tắc chính trị ở Quốc hội cũng cản trở nỗ lực của các nhà lập pháp muốn giải quyết tình hình.

Thách thức của các nhà sản xuất kháng sinh xuất hiện vào lúc nhiều loại kháng sinh chống viêm nhiễm trở nên bất lực trước vi khuẩn và nấm do tình trạng lạm dụng kháng sinh trong mấy thập kỉ qua.

Vi khuẩn nhờn kháng sinh đã đoạt mạng khoảng 35.000 người ở Mỹ và khiến 2,8 triệu người mắc bệnh mỗi năm, theo một báo cáo mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ công bố tháng trước. 

Nếu không có những kháng sinh mới, Liên Hợp Quốc cảnh báo số người chết vì nhờn kháng sinh toàn cầu có thể tăng lên tới 10 triệu vào năm 2050.


Nhạc Phong