Ứng dụng phân tích giọng nói phát hiện suy tim của startup y khoa có thể giúp 64 triệu người thoát khỏi cái chết
HearO - một ứng dụng dành cho điện thoại thông minh có thể phát hiện những thay đổi trong âm thanh của giọng nói, từ đó giúp chẩn đoán suy tim sung huyết, căn bệnh giết chết hàng triệu người mỗi năm, thường ở giai đoạn phát hiện thì đã quá muộn. Theo Times of Israel, hơn nửa số ca mắc tử vong trong vòng 5 năm kể từ khi được chẩn đoán.
Ứng dụng này là sản phẩm của Cordio Medical, một startup Israel được thành lập bởi Giáo sư Chaim Lotan, Giám đốc Viện Tim tại Bệnh viện Đại học Hadassah ở Jerusalem. HearO sử dụng trí tuệ nhân tạo và các thuật toán xử lý tín hiệu giọng nói giúp phát hiện những thay đổi nhỏ nhất trong giọng nói từ giai đoạn đầu của bệnh.
Ứng dụng phát hiện suy tim từ giọng nói
Tiến sĩ Zaza Iakobishvili, Giám đốc khoa tim mạch cộng đồng tại bệnh viện Clalit cho biết: “Chúng tôi không có các công cụ để chủ động và giám sát tình trạng bệnh."
Bà Iakobishvili nói rằng bệnh gây ra tình trạng tích tụ chất lỏng đáng báo động trong phổi và các bệnh nhân chỉ nhập viện khi tình trạng đã xấu đi, xuất hiện những triệu chứng như thở dốc, giọng nói bị biến đổi. Đôi khi, họ uống quá nhiều thuốc để ngăn chặn triệu chứng để rồi khiến cơ thể bị suy thận.
Do đó, "ứng dụng này thực sự lấp đầy khoảng trống và giúp chúng tôi nắm bắt tình trạng suy giảm của bệnh nhân", bà Iakobishvili cho hay.
Giáo sư Chaim Lotan đã tham gia theo dõi 600 người sử dụng ứng dụng HearO. Ông nhận định rằng các bác sĩ giờ đã có thể phát hiện ra bệnh trước khi các triệu chứng xuất hiện, từ đó sớm can thiệp, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Suy tim sung huyết là căn bệnh mãn tính phát triển nhanh nhất trên toàn cầu - số người mắc đã tăng gần gấp đôi, từ 33,5 triệu người vào năm 1990 lên lên 64,3 triệu người, theo Tạp chí Phòng ngừa Tim mạch Châu Âu. Chỉ riêng ở Mỹ, khoảng 287.000 người chết mỗi năm vì căn bệnh này.
Ý tưởng cho HearO bắt đầu khi Giáo sư Lotan để ý rằng hầu hết các bệnh nhân đến bệnh viện vì suy tim sung huyết đều có giọng the thé do dịc tích tụ trong phổi của họ. "Những thay đổi về giọng nói thường chỉ xuất hiện vào giai đoạn cuối của bệnh. Vì vậy, tôi đã suy nghĩ liệu chúng ta có thể phát hiện ra những thay đổi đó sớm hơn không?", Giáo sư Lotan nói.
Trước đó, phương pháp chính để chẩn đoán bệnh nhân suy tim sung huyết là dựa vào những thay đổi về trọng lượng cơ thể nhưng theo Giáo sư Lotan thì việc này phản ánh không chính xác.
Hệ thống HearO là một ứng dụng xử lý giọng nói, ghi lại và tạo dữ liệu về giọng nói của bệnh nhân, sau đó theo dõi họ hàng ngày để phát hiện những thay đổi có thể báo hiệu sự tích tụ chất lỏng trong phổi.
Cách thức hoạt động cũng khá đơn giản. Bệnh nhân chỉ cần nói một vài câu vào HearO, giống như cách họ làm với Siri hoặc Alexa. Mỗi ngày, ứng dụng sẽ nhắc họ đọc thuộc lòng một vài câu và phát hiện bất kỳ thay đổi nào.
Trong một thử nghiệm được thực hiện ở Israel, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc sử dụng ứng dụng này đã phát hiện ra dấu hiệu ban đầu của sự tích tụ chất lỏng gia tăng từ 10 đến 12 ngày trước khi bắt đầu các triệu chứng khác.
Các nhà nghiên cứu đã xác nhận tính chính xác của Cordio bằng cách theo dõi mức độ của một peptit nhất định trong máu của bệnh nhân, peptit này tăng lên khi tình trạng xấu đi. Khoảng 84% bệnh nhân trong nghiên cứu hoàn toàn tuân thủ ứng dụng, chủ yếu là vì nó rất dễ sử dụng.
Bà Iakobishvili nói: "Chúng tôi thấy rằng bệnh nhân sẵn lòng sử dụng ứng dụng vì nó không xâm phạm quyền riêng tư. Điều này giúp họ có được sự chủ động hơn so với người không sử dụng."
Các bệnh nhân trong nghiên cứu nói rằng nó đã cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Một bệnh nhân nhận xét: "Kể từ khi sử dụng ứng dụng, tôi cảm thấy an toàn và yên tâm. "Nó rất dễ sử dụng và tôi có thể đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ điều gì không ổn".
Công ty hiện đang chờ các phê duyệt quy định đầy đủ ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Hiện tại, Cordio sẽ thông báo cho bác sĩ của bệnh nhân khi có sai số. Trong tương lai, Tamir Tal, giám đốc điều hành Cordio hy vọng đây sẽ là công cụ giúp bệnh nhân tự điều chỉnh thói quen của mình.
Bởi vì ứng dụng không đắt và dễ sử dụng, nó có thể dễ dàng được mở rộng sang các quốc gia nghèo hơn. Ông Tal hy vọng có thể áp dụng ý tưởng này vào nhiều căn bệnh khác trong tương lai.