Startup công nghệ Trung Quốc từ chối thẳng các dòng tiền đầu tư từ nước ngoài
Anh Wu Xiao đang từ chối những nguồn đầu tư bằng USD. Trong 3 năm trở lại đây, startup blockchain của anh chỉ nhận tiền đầu tư bằng đồng nhân dân tệ và anh dự tính sẽ tiếp tục từ chối đề nghị đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Anh mô tả nước đi này như "một lựa chọn chiến lược". "Nếu chúng tôi nhận vốn từ nước ngoài, chúng tôi có thể sẽ không được cung cấp dịch vụ cho một số nhà phát triển địa phương", anh Wu nói. "Chúng tôi sẽ có được một số cơ hội, nhưng cũng mất đi không ít cơ hội khác", anh chia sẻ thêm.
Với nhiều doanh nhân Trung Quốc thuộc các lĩnh vực khác nhau, đồng tiền đầu tư là một vấn đề rất đáng cân nhắc. Trong đó, có những dấu hiệu cho thấy đồng nhân dân tệ đang là một lựa chọn được ưu tiên.
Trong tháng 8, startup internet Trung Quốc thực hiện 23 lần gọi vốn bằng đồng nhân dân tệ và không có thương vụ nào được thực hiện bằng USD theo Pedata.cn, một nhà cung cấp dữ liệu tài chính có trụ sở tại Bắc Kinh.
Financial Times nói rằng việc nhận đầu tư bằng đồng nhân dân tệ hay USD có thể dẫn các startup đi theo những con đường khác nhau. Với các startup nhận vốn bằng nhân dân tệ, mọi thứ khá đơn giản. Doanh nhân thành lập pháp nhân Trung Quốc mà nhà đầu tư có thể mua cổ phần. Thông thường, các công ty này sẽ thực hiện niêm yết ở Trung Quốc đại lục hoặc Hong Kong.
Ngược lại, việc nhận vốn bằng đồng USD thường đòi hỏi các startup công nghệ phải thành lập một cấu trúc ở nước ngoài theo Mô hình sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entity - VIE) để vượt qua những hạn chế đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc. Khi thực hiện IPO, nhóm công ty này thường chọn điểm đến là Mỹ hoặc Hong Kong.
Dù vậy, đợt thắt chặt sâu rộng của Trung Quốc với các công ty công nghệ đang làm thay đổi sự tính toán của một số nhà sáng lập và nhà đầu tư.
Hồi tháng 7, một số công ty internet lớn tại Trung Quốc, bao gồm công ty gọi xe Didi, bị điều tra liên quan đến cách nắm giữ và sử dụng dữ liệu. Nhiều công ty bị yêu cầu tạm dừng đăng ký người dùng mới.
Sau đó, Bắc Kinh nói rằng các công ty có từ trên 1 triệu người dùng đang lên kế hoạch niêm yết ở nước ngoài sẽ phải thực hiện một cuộc kiểm tra, đánh giá về an ninh mạng. Động thái này chặn đứng dòng vốn từ nước ngoài cho nhiều công ty đang mong muốn niêm yết tại Mỹ.
"Nếu bạn có nhiều dữ liệu và dữ liệu cá nhân, đây thực sự là thứ nhạy cảm ở thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư lo lắng khi đầu tư vào những công ty như vậy", một luật sư ở Bắc Kinh nói. "Việc cấu trúc VIE có được cho phép trong tương lai hay không vẫn chưa rõ", ông nhận định thêm.
Lúc này, một số nhà đầu tư cho rằng tập trung mới của Trung Quốc vào dữ liệu, với triển vọng là ban hành quy định an ninh dữ liệu mới với mức độ bảo vệ dữ liệu cá nhân tốt hơn, đang làm thay đổi hệ sinh thái đầu tư.
"Nếu có dữ liệu, các nhà đầu tư sẽ ngại nhận vốn bằng USD", một nhà đầu tư mạo hiểm ở Bắc Kinh nói. "Với các dòng vốn nước ngoài, chúng tôi nghiên cứu kỹ các loại hình dữ liệu khác nhau để đánh giá mức độ nhạy cảm", ông chia sẻ.
Cùng lúc, một đối tác tại một quỹ nhân dân tệ nói rằng ông đang chứng kiến nhu cầu tăng vọt. "Nhiều startup đã tìm đến chúng tôi vì việc IPO ở Mỹ dường như là điều không thể sau vụ việc của Didi", ông nói.
Dù vậy, một số nhà đầu tư khác như Duane Kuang của Qiming Venture Partners lại nói rằng họ chưa quan sát thấy xu hướng thích nhận đầu tư bằng nhân dân tệ hơn USD. "Nhận USD không đồng nghĩa với IPO ở Mỹ, miễn là việc niêm yết tại Hong Kong vẫn thuận lợi, việc nhận vốn bằng USD là khả thi", ông Kuang nói.
Mặc dù Qiming đầu tư bằng đồng USD nhiều hơn nhân dân tệ, công ty này có quỹ đầu tư cả hai đồng tiền. Quỹ này thừa nhận vẫn đầu tư bằng đồng nhân dân tệ vào các startup hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm như an ninh thông tin hay chăm sóc sức khoẻ theo đề nghị của các startup.
Dù sao đi nữa, cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của vốn ngoại với hệ sinh thái startup Trung Quốc. Một số startup giai đoạn đầu nói rằng việc nhận vốn, dù bằng đồng tiền nào đi nữa, vẫn là ưu tiên số 1 của họ.
Trong 3 năm qua, đầu tư bằng USD chiếm 70% tổng đầu tư vào các startup Internet của Trung Quốc, phần còn lại được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ. Dù vậy, vào tháng 7 và tháng 8 năm nay, trước việc các startup như Didi bị điều tra, tình thế dường như đảo ngược khi vốn bằng nhân dân tệ chiếm 70% còn USD chiếm 30%, theo Pedata.cn.
Beijing Fund Town, một cộng đồng đầu tư được chính phủ hậu thuẫn, mới đây đã mở một hội thảo tìm hiểu cách huỷ bỏ việc mở các pháp nhân tại nước ngoài.
"Nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ phần cứng và chăm sóc sức khoẻ đang muốn huỷ bỏ cấu trúc VIE", một luật sư ở Bắc Kinh nói. "Sau bản dự thảo về việc kiểm tra an ninh mạng được công bố, nhiều doanh nhân bắt đầu hỏi tôi về điều đó. Nó chưa tạo thành xu hướng nhưng đang tăng dần", bà nhấn mạnh.
Từ bỏ cấu trúc VIE không dễ. Các startup phải hoạt động trong một lĩnh vực cho phép đầu tư nước ngoài và thành lập một công ty liên doanh hoặc tìm kiếm các nhà đầu tư mới mua hết số cổ phần nước ngoài nắm giữ, theo Financial Times.
Với Xiao, nhà sáng lập startup blockchain, việc là một công ty nội địa và không dùng cấu trúc VIE đã mang lại "trái ngọt". Anh muốn công ty của mình có thể là công ty blockchain đầu tiêm niêm yết trên sàn Star Market của Thượng Hải.