Startup chăm sóc sức khoẻ trực tuyến ở Trung Quốc thăng hoa nhờ COVID-19
Ở một quốc gia có 1,4 tỉ dân, nhiều người dân vốn quá quen với việc di chuyển tới phòng khám, bệnh viện, đợi nhiều giờ để gặp bác sĩ. Nhưng giờ đây họ đang bắt đầu tìm các dịch vụ khám bệnh trực tuyến.
Chính phủ Trung Quốc cũng tung ra các gói hỗ trợ chính sách hợp lý cho dịch vụ chăm sóc sức khoẻ qua mạng, trong khi các nhà đầu tư không ngần ngại rót vốn, theo CNBC.
Trước khi đại dịch bùng nổ, vốn đầu tư vào công nghệ y tế Trung Quốc chủ yếu dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, bà Kitty Lee, đối tác và giám đốc mảng khoa học đời sống và y tế của Oliver Wyman, cho biết.
Trong thời gian tới, bà Lee kì vọng dòng vốn dành cho lĩnh vực chăm sóc y tế đại trà và hạ tầng sẽ tăng trưởng mạnh hơn dòng vốn vào mảng công nghệ sinh học.
Trong quý 2 năm nay, đầu tư cho mảng chăm sóc sức khoẻ toàn cầu đã chạm mốc kỉ lục 18,1 tỉ USD, theo CB Insights. Đầu tư tại Châu Á tăng gấp hai lần lên mốc 5 tỉ USD so với 3 tháng trước đó. Các nhà phân tích nói rằng mức độ đầu tư vào các startup ở Trung Quốc đã hồi phục về mức độ trước khi COVID-19 bùng phát.
"Toàn bộ mảng y tế của Trung Quốc chỉ vừa mới bắt đầu phát triển khi đại dịch COVID-19 hạ nhiệt", ông Xin Lijun, CEO JD Health, chia sẻ. JD Health là công ty con của "ông lớn" thương mại điện tử JD.com. JD Health đang chuẩn bị nhận khoản đầu tư hơn 830 triệu USD từ Hillhouse Capital.
Khi đại dịch COVID-19 diễn biến ở giai đoạn tồi tệ nhất ở Trung Quốc, JD Health triển khai dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến miễn phí và thu hút tới 150.000 bệnh nhân chỉ trong 1 ngày, ông Xin nói.
Người đứng đầu JD Health đồng thời khẳng định rằng JD Health đang là công ty công nghệ y tế sở hữu thu nhập cao nhất ở Trung Quốc chỉ sau vỏn vẹn 3 năm hoạt động.
COVID-19 khởi phát ở Trung Quốc từ cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán. Nó nhanh chóng lây lan ra toàn bộ quốc gia trong tháng 1 và tháng 2 trước khi WHO công nhận nó là một đại dịch toàn cầu. Trong nỗ lực hạn chế lây lan dịch bệnh, cơ quan chức năng yêu cầu hạn chế tụ tập đồng người. Thực tế này khiến nhiều người dân bắt đầu phải tìm đến các dịch vụ trực tuyến.
Trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng ca khám bệnh ở các phòng khám, bệnh viện Trung Quốc đã giảm 21,6% so với cùng kì năm ngoái, theo dữ liệu từ Uỷ Ban Y tế Quốc gia.
Cùng thời điểm, WeDoctor, một dịch vụ của Tencent, đã nhận số yêu cầu tư vấn y tế trực tuyến cao gấp 3,6 lần so với cùng kì năm ngoái. WeDoctor đang hợp tác với tổng cộng 250.000 bác sĩ.
Chính phủ Trung Quốc cũng có nhiều hỗ trợ để phát triển mảng công nghệ y tế. "Sau đại dịch, chính phủ trung ương và địa phương áp dụng rất nhiều chính sách để hỗ trợ các bệnh viện Internet", ông Tang Bochen, phó chủ tịch Qi'e XingRen (Tencent Trusted Doctor) chia sẻ với CNBC.
Ông Bochen nói thêm rằng nhiều bệnh viện công cũng đã bắt đầu phát triển các hệ thống bệnh viện Internet để khuyến khích bệnh nhân chuyển từ hình thức thăm khám trực tiếp sang trực tuyến.
Tencent Trusted Doctor đang triển khai cả dịch vụ tư vấn trực tuyến và phòng khám trực tiếp. Mạng lưới của Tencent Trusted Doctor hiện đã có sự tham gia của 450.000 bác sĩ và khoảng 20 triệu bệnh nhân.
30 trong tổng số 135 phòng khám của Tencent Trusted Doctor đã có giấy phép hợp tác với dịch vụ bảo hiểm xã hội của chính phủ.
Theo ông Tang Bochen, Tencent Trusted Doctor phát triển số lượng bệnh nhân thông qua hoạt động thăm khám trực tuyến cơ bản và phụ thuộc nhiều vào các phòng khám đặc thù cho các bệnh về răng hay mắt để có thêm lợi nhuận.
Ngoài ra, các tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng đang tham gia vào ngành công nghiệp mới nổi.
Ping An Good Doctor, công ty con của "ông lớn" bảo hiểm Ping An, báo cáo tăng trưởng 26,7% ở hoạt động tư vấn sức khoẻ trực tuyến trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kì năm trước.
Số lượng bệnh nhân mà Ping An Good Doctor phục vụ chạm mốc 831.000 kèm theo doanh thu 101,56 triệu USD. Trong 12 tháng, số lượng người dùng đăng kí của Ping An Good Doctor tăng thêm 56 triệu, chạm mốc 346,2 triệu người.
Alibaba Health nói rằng ứng dụng Alipay đã có hợp đồng hợp tác với hơn 15.000 cơ sở y tế ở Trung Quốc để triển khai dịch vụ thanh toán bảo hiểm. Trong quý 1 năm nay, số lượng người dùng hoạt động thường xuyên trên kênh chăm sóc sức khoẻ của Alipay đạt 390 triệu người.
"Khám từ xa hay bệnh viện Internet sẽ là xu hướng lâu dài ở Trung Quốc", ông He Wang, một nhà phân tích mảng y tế tại CB Insights, chia sẻ. Theo ông, các công ty bảo hiểm, bệnh viện và chính phủ sẽ tiếp tục thành lập các nền tảng thăm khám từ xa.
Dù vậy, tất cả đều thừa nhận mảng chăm sóc sức khoẻ trực tuyến ở Trung Quốc vẫn mới chỉ ở giai đoạn ban đầu.
"Tôi cho rằng thị trường chăm sóc sức khoẻ rất lớn. Lúc này, việc cần làm là khiến chiếc bánh phình to thêm thay vì nghĩ đến việc phân chia miếng bánh thị phần", ông Gang Yu, người đồng sáng lập và chủ tịch công ty 111, nói với CNBC.
111 đang hợp tác với các nhà thuốc địa phương để bán thuốc và đồng thời cũng vận hành một dịch vụ tư vấn trực tuyến. Hồi tháng 8, 111 nhận khoản đầu tư 61,36 triệu USD trước khi thực hiện IPO ở Trung Quốc.
Trong quí 2 năm nay, doanh thu thuần của 111 tăng 93,5% lên mốc 236,77 triệu USD so với cùng kì năm ngoái. Cùng thời điểm, lỗ ròng của 111 thu hẹp dần.
"Lợi nhuận trong dài hạn vẫn là một câu hỏi trong dài hạn mà các công ty cần giải quyết" ông Wang của CB Insights nhận định. Theo ông Wang, các công ty cần tìm cách biến sự hỗ trợ của chính phủ thành dòng tiền.
Bên cạnh đó, mức độ hình thức thăm khám, tư vấn trực tuyến có thể thay thế ngành y tế truyền thống vẫn chưa thể xác định rõ. Trong khi việc thăm khám trực tuyến có thể giúp cả bác sĩ và bệnh nhân có lịch trình linh hoạt, trong nhiều trường hợp, khám bệnh trực tiếp là phương thức không thể thay thế.