Sau thành công với thương mại điện tử, Amazon đẩy mạnh tấn công thị trường chăm sóc sức khỏe
Hàng triệu người đang ra lệnh cho trợ lý ảo của Amazon với những thói quen thường nhật như "nghe nhạc" hay "đặt chuông báo thức lúc 7 giờ sáng". Thế nhưng, tại bệnh viện Houston Methodist, câu lệnh mà công nghệ này nhận được là: "Bắt đầu phẫu thuật".
Một năm trở lại đây, Amazon đã hợp tác với 8 bệnh viện để cung cấp dịch vụ kích hoạt bằng giọng nói được tích hợp trong mô hình phòng mổ thử nghiệm. Công nghệ mà Amazon hợp tác với các bệnh viện gần như tương đồng với công nghệ mà trợ lý ảo Alexa của Amazon sử dụng.
Câu lệnh bắt đầu với việc liệt kê toàn bộ các bước cần thiết trong hoạt động phẫu thuật. Nó cho phép các bác sỹ xác nhận bằng giọng nói sau khi hoàn thành sau một công đoạn nào đó, ví dụ như gây mê.
"Nó dùng giọng nói của tôi để hoàn thành các hoạt động, vì thế tôi không bao giờ bị thiếu bước nào", giáo sư Nicholas Desai, một nhà phẫu thuật chân và mắt cá chân đồng thời là giám đốc thông tin y tế tại bệnh viện Houston Methodist, nói.
"Sau khi xác nhận, trợ lý ảo sẽ viết thông tin vào một bản ghi y tế điện tử. Vì thế, nếu có vấn đề gì hoặc một bước chưa được thực hiện, bạn sẽ nhận được thông báo", ông nói thêm.
Trong phòng bệnh, công nghệ của Amazon cũng có thể lắng nghe các chi tiết từ bệnh nhân và bổ sung vào hồ sơ y tế để phục vụ cho việc phân tích và tìm hướng điều trị.
Ông Desai ví công nghệ của Amazon như một "đôi tai thử hai". Ông nhấn mạnh rằng việc được trò chuyện với bệnh nhân thay vì ngồi gõ bàn phím mang đến trải nghiệm chăm sóc tốt hơn.
Hệ thống trên chỉ là một phần trong kế hoạch đưa Amazon trở thành một cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.
Theo Financial Times, Amazon còn đang lên kế hoạch giới thiệu nhiều dịch vụ chăm sóc sức khoẻ hướng tới khách hàng tiêu dùng khác như tư vấn sức khoẻ từ xa hay nhà thuốc trực tuyến.
Cùng thời điểm, Amazon tích cực phát triển nhiều năng lực khác trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây AWS. Amazon muốn tạo ra một hệ điều hành mới dành cho việc chăm sóc sức khoẻ, bao gồm từ việc quản lý hồ sơ chăm sóc sức khoẻ đến áp dụng AI để dự đoán tình trạng sức khoẻ của con người.
Amazon từ lâu vẫn được xem là một "người khổng lồ đang ngủ" ở mảng chăm sóc sức khoẻ và dường như công ty đã sẵn sàng để thức dậy.
Dù vậy, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực này là không nhỏ. Amazon phải cạnh tranh với các "ông lớn" công nghệ khác như Google và Microsoft và cả một đối thủ quen mặt khác trong lĩnh vực bán lẻ là Walmart. Mới đây, Walmart mở hàng loạt phòng khám tại Mỹ và cung cấp các dịch vụ như "chăm sóc khẩn cấp, phòng thí nghiệm, chụp X-quang, chẩn đoán, tư vấn, nha sỹ, dịch vụ hỗ trợ thị lực và thính lực".
Dù vậy, nếu Amazon có thể vượt qua sự cạnh tranh này, chăm sóc sức khoẻ sẽ là một trong những cơ hội lớn nhất cho tân CEO Andy Jassy.
Nhiều xu hướng mới trong mảng chăm sóc sức khoẻ đang xuất hiện. Các thiết bị theo dõi sức khoẻ đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn và thông minh hơn. Trong khi đó, kết nối tốt hơn và rẻ hơn khiến thăm khám, chăm sóc từ xa không chỉ khả thi mà còn là một lựa chọn được yêu thích.
AI, với sự hỗ trợ của dữ liệu lớn, cũng có thể mở ra xu hướng tìm ra những hướng điều trị mới hoặc gợi ý gói chăm sóc sức khoẻ.
Các công ty công nghệ lớn tin rằng họ đang đón đầu một xu hướng mới. Bên cạnh những mảng kinh doanh được phát triển nội bộ, đầu tư vào mảng chăm sóc sức khoẻ của Facebook, Amazon, Microsoft, Google và Apple tăng mạnh trong năm 2020 lên mốc 3,7 tỷ USD. Trong nửa đầu năm nay, 3,1 tỷ USD nữa cũng đã được bơm vào lĩnh vực này, theo CB Insights.
Điều tạo ra sự khác biệt của Amazon, và cũng chính nhờ thế Amazon thu hút được sự chú ý của những người như ông Desai, nằm ở việc công ty hướng đến ra mắt một dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của riêng mình, tận dụng hạ tầng hiện có, ví dụ như hệ thống nhà kho hay năng lực giao hàng.
Ông Desai đưa ra dự đoán về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ công nghệ cao của Amazon: "Tôi có dịch vụ giao thuốc hàng ngày. Vì tôi dùng Amazon Prime, thuốc được giao ngay lập tức. Tôi dùng Alexa để đặt lịch thăm khám và có thể gặp bác sỹ qua các trải nghiệm nói, nhìn và số hoá".
Dù có nhiều tiềm năng, Amazon có không ít khởi động sai lầm ở mảng chăm sóc sức khoẻ.
Một trong những động thái đầu tiên được công bố vào năm 2018 khi Amazon hợp tác với JPMorgan và Berkshire Hathaway để thành lập một liên doanh chăm sóc sức khoẻ có tên Haven. Mục tiên của Haven là giảm chi phí và cải thiện chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân viên của ba công ty.
Khi thành lập Haven, Amazon khiến giá cổ phiếu của nhiều đối thủ trong ngành chăm sóc sức khoẻ chao đảo. Dù vậy, Haven dường như là một kế hoạch chưa chín muồi. Tháng 1 năm nay, Haven đóng cửa. Amazon và các đối tác nói rằng họ đạt được nhiều bước tiến và sẽ tiếp tục trao đổi về điều này "một cách phi chính thống".
Theo Financial Times, sự kết thúc của Haven còn cho thấy một điều là Amazon đã sắn sàng và có thể tự mình giảm chi phí triển khai dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân viên.
Sau tất cả, với số lượng công nhân viên lên tới hơn 1 triệu người ở Mỹ, đây chính là lượng người dùng rộng lớn để Amazon có thể triển khai các sáng kiến trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ trên quy mô lớn.
Amazon cũng khiến nhiều người bất ngờ một lần nữa vào năm 2018 khi thâu tóm PillPack, một dịch vụ thuốc kê đơn qua thư. Thời điểm đó, Amazon để PillPack hoạt động độc lập. Dù vậy, cuối năm ngoái, hãng thương mại điện tử công bố động thái nhiều người đã mong đợi từ lâu: Amazon ra mắt Amazon Pharmacy, dịch vụ giao thuốc.
Tháng 7 năm nay, Amazon triển khai Amazon Dx, một dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tại nhà. Với dịch vụ này, người dùng có thể mua bộ xét nghiệm trên Amazon, gửi lại mẫu xét nghiệm và nhận kết quả trong 24 giờ.
Tất cả có thể mới chỉ là sự bắt đầu. Nhiều tin tuyển dụng của Amazon gần đây cho thấy Amazon có tham vọng lớn hơn và sẵn sàng triển khai thêm nhiều thử nghiệm.
Các nhà phân tích đang nhận ra một "chiến lược" quen thuộc mang phong cách Amazon. Các giải pháp được tạo ra để giải quyết nhu cầu của chính Amazon và sau đó được tái định hình để người khác cũng có thể sử dụng. Ban đầu, dịch vụ điện toán đám mây nổi tiếng AWS vốn dĩ cũng được ra mắt để phục vụ nhu cầu hạ tầng của Amazon.
Tháng 3 năm nay, Amazon công bố sản phẩm chăm sóc sức khoẻ từ xa Amazon Care. Dịch vụ này đã được thử nghiệm với nhân viên Amazon từ năm 2019.
Amazon nói nhiều công ty đã đăng ký dùng Amazon Care và Amazon cũng đang đàm phán với nhiều công ty bảo hiểm lớn, theo Business Insider.
"Chúng ta phải tiếp cận điều này với một tinh thần khiêm tốn", ông Babak Parviz, nhân sự cấp cao của Amazon, chia sẻ về tham vọng ở mảng y tế trong một sự kiện của WSJ hồi tháng 6.
"Chúng tôi biết có nhiều điều chúng tôi chưa biết nhưng chúng tôi lạc quan", ông nhấn mạnh. Nhu cầu thăm khám từ xa đang được COVID-19 thổi bùng. Hồi tháng 2, McKinsey đưa ra ước đoán rằng việc dùng dịch vụ thăm khám từ xa ở Mỹ tăng 38 lần so với thời kỳ tiền đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng nới lỏng quy định đối với loại hình dịch vụ này.
"Amazon sẽ khiến ngành công nghiệp này lo lắng", ông Arielle Trzcinski, một nhà phân tích của Forrester, chia sẻ. Amazon cũng có tiềm năng để triển khai dịch vụ chăm sóc sức khoẻ theo hướng rõ ràng hơn, bớt rắc rơn và chi phí thấp hơn.