|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup 5 lần từ chối lời mời đầu tư triệu đô: Từng được Shark Việt rót tiền, xây dựng tổ hợp giải trí biển trị giá 4 triệu USD

14:31 | 05/07/2021
Chia sẻ
Câu chuyện về cuộc sống cũng như khởi nguồn mô về mô hình kinh doanh của anh Lê Quang Duy trong Shark Tank mang đến nhiều ý nghĩa và thông điệp nhân văn.

Trong tập 10 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4, một startup cung cấp dịch vụ đi bộ dưới đáy biển gây chú ý khi 5 lần từ chối lời đề nghị đầu tư trị giá 1 triệu USD từ Shark Bình và Shark Hưng.

Với những startup khác, khoản đầu tư trị giá 1 triệu USD là con số không hề nhỏ nhưng founder Namaste, anh Lê Quang Duy vẫn quyết định từ chối. Anh là một trong số ít người từ chối lời mời đầu tư của các Shark trong chương trình Shark Tank mùa 4. Đồng thời, khi đến với chương trình, anh cũng đưa ra mức định giá cho công ty rơi vào khoảng 305 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu mùa đến nay.

Startup 5 lần từ chối lời mời đầu tư triệu đô: Từng được Shark Việt rót tiền, xây dựng tổ hợp giải trí biển trị giá 4 triệu USD - Ảnh 1.

Founder Namaste Lê Quang Duy. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Sáng lập công ty từ một tai nạn

Chia sẻ tại Shark Tank Việt Nam, anh Lê Quang Duy cho biết bản thân là một người rất yêu biển, đồng thời cũng là một người có khả năng bơi lộ rất giỏi. Tuy nhiên, anh từng gặp sự cố đuối nước khi rơi vào một vùng nước xoáy năm 2012 nhưng vẫn thoát ra được bằng một cách thần kỳ.

"Bốn năm sau đó, tôi không dám tiến gần đến mặt biển. Đến năm 2016, tôi quyết định vượt lên chính mình khi theo học một khóa lặn để trở thành thợ lặn chuyên nghiệp. Lần đầu bước chân xuống đại dương, tôi đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của các rạn san hô", anh Duy kể lại.

Khi đó, ý tưởng kinh doanh của anh Duy bắt đầu hình thành. Anh băn khoăn về việc làm sao để đưa được một người không biết bơi xuống đáy biển. Tuy nhiên, khi đã có ý tưởng và công nghệ, thông qua những trải nghiệm thực tế, anh Duy lại phát hiện ra rằng hiện tượng El Nino hàng năm đã làm nhiệt độ nước biển gia tăng, gây ra hiện tượng tẩy trắng các rạn san hô.

Năm 2010, 60% độ phủ của các rạn san hô bị xóa sổ hoặc tẩy trắng. Theo các báo cáo, nếu duy trì tốc độ này, trên thế giới sẽ không còn các rạn san hô sau 50 năm nữa, và ở Việt Nam con số này khoảng 30 năm.

"Giống như tình yêu vừa chớm nở đã vụt tắt, tôi không chấp nhận điều đó. Tôi quyết định biến đam mê thành sứ mệnh khôi phục môi trường biển thông qua kinh doanh", anh Duy cho biết.

Gần 1 triệu đồng cho một cuộc "dạo chơi" 20 phút dưới đáy biển

Năm 2018, anh cho ra mắt cơ sở đầu tiên là tàu Seaworld với mô hình đi bộ dưới đáy biển để tham quan công viên san hô rộng 1 ha. Theo chia sẻ, hiện anh Duy đã sưu tầm được khoảng 200 loài san hô trên tổng số 400 loài trên toàn thế giới. Ngoài ra, công viên cũng có hàng trăm loài cá và sinh vật biển khác nhau.

Đặc biệt, Namaste cũng sở hữu một vườn ươm san hô rộng khoảng 9.000 m2, đã nuôi cấy và ươm giống được khoảng 18 loài san hô.

Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 12 tỷ đồng, cơ sở thứ hai là một dạng công viên nổi đã giải ngân khoảng 2,8 triệu USD, dự kiến đến khi hoàn thành khoảng 4 triệu USD. Trong đó, anh Duy đã vay khoảng 20 tỷ đồng và 70 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu.

Ước tính, với 1 ha công viên đi vào vận hành, doanh thu một năm có thể đạt 30 tỷ đồng, lợi nhuận xấp xỉ 20%, tức khoảng 6 tỷ đồng mỗi năm. Thực tế, qua ba tháng vận hành, công viên này đã thu về doanh thu khoảng 8 tỷ đồng, theo chia sẻ từ người sáng lập.

Thời gian trải nghiệm dịch vụ tối đa từ 15 đến 20 phút, mỗi ngày tối đa 150 người. Du khách trải nghiệm sẽ có một huấn luyện viên đi kèm, vừa làm nhiệm vụ dẫn dắt và bảo vệ, vừa có trách nhiệm bảo vệ các rạn san hô. Ngoài ra, mỗi cơ sở sẽ hoạt động trong vòng 6 tháng, thời gian còn lại sẽ dành cho việc phục hồi và tái tạo các hệ sinh thái.

Dịch vụ đi bộ dưới đáy biển hiện tại ở Phú Quốc có giá 950 nghìn đồng/20 phút, ngoài ra còn các dịch vụ khác kèm theo. Mỗi ngày cơ sở một phục vụ được khoảng 120 – 150 khách, cơ sở hai dự kiến đạt 320 – 400 khách, biên lợi nhuận gia tăng tối thiểu 20%.

Đầu tư 4 triệu USD để xây dựng tổ hợp giải trí biển Việt Nam

Doanh nghiệp cho biết đang trong giai đoạn mở rộng dự án để mở thêm cơ sở hai là du thuyền Nautilus. Đây cũng là lý do đưa anh Duy đến với chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4.

Người sáng lập cho biết tàu Seaworld Namaste có công suất 120-150 khách/ngày nhưng thường xuyên phải hạn chế số lượng để đảm bảo môi trường sống và cảnh quan công viên san hô.

Do đó, công ty đang chuẩn bị hoàn thiện con tàu thứ hai mang tên Nautilus Namaste với số tiền đầu tư 4 triệu USD, xấp xỉ 100 tỷ đồng. Con số này là lý do khiến anh Lê Quang Duy từ chối nhận deal 1 triệu USD của các Shark.

Du thuyền Nautilus Namaste dự kiến đưa vào vận hành trong quý III/2021. Anh Duy cho biết Nautilus Namaste được thiết kế để trở thành tổ hợp giải trí biển hiện đại bậc nhất Việt Nam và có thể tự tin so sánh các cơ sở cùng ngành ở khu vực Đông Nam Á

Trước đó, trên thực tế, Seaworld từng nhận được sự đầu tư từ Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Intracom, người từng xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 2 và 3, theo Thanh Tra.

Quốc Anh