SSI: Lạm phát cuối tháng 12 có thể bật lên mức 5% khiến lạm phát nửa đầu năm 2023 tăng cao
Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 7, SSI Research nhận định áp lực lạm phát Việt Nam đang gia tăng, tuy nhiên có độ trễ so với thế giới.
Lạm phát trong quý II đã bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc, khi chỉ số CPI đạt 3,4% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6, từ mức 2,86% trong tháng 5 với xu hướng tăng được ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành.
Do đó, lạm phát cơ bản cũng tăng lên 2% so với cùng kỳ (so với tháng 5: 1,6%) - mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2020.
Bên cạnh sự gia tăng đáng kể trong chi phí vận tải (3,62% so với tháng trước), giá lương thực, thực phẩm (0,8%) cũng đã được điều chỉnh dưới tác động gián tiếp của giá xăng dầu.
Cụ thể, giá nhóm thực phẩm đã tăng lên mức 2,3% (so với 1,3% trong tháng 5).
Điểm tích cực là lạm phát bình quân trong 6 tháng đầu năm được kiểm soát chặt chẽ ở mức 2,44%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 4% của Chính phủ.
Các động lực chính ảnh hưởng đến lạm phát này là các sản phẩm xăng dầu (xăng, LPG,...) và vật liệu xây dựng, trong khi yếu tố hỗ trợ bao gồm giá thực phẩm (giảm 0,4%, chủ yếu đến từ giá thịt lợn), học phí (vì được hỗ trợ trong đại dịch COVID-19) và giá viễn thông.
Tuy nhiên, theo SSI Research, áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Tổ chức này cho rằng mặc dù mức lạm phát bình quân trong năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát (ước tính 3,5%), lạm phát tại thời điểm cuối tháng 12 có thể bật lên mức 5% so với cùng kỳ.
Điều này cũng khiến mức lạm phát bình quân, đặc biệt ở nửa đầu năm 2023 có thể đẩy lên mức cao trên 4%.
Việt Nam đã có một khởi đầu tích cực trong nửa đầu năm 2022, với sự bứt phá ngoạn mục của nền kinh tế trong quý II với đóng góp tích cực từ khu vực dịch vụ và sản xuất, trong khi lạm phát vẫn duy trì dưới mức lạm phát mục tiêu của Chính phủ là 4%.
Cụ thể, tăng trưởng GDP trong quý II bất ngờ đạt 7,72% - tăng mạnh từ mức 5,05% trong quý I và vượt xa mức tăng trưởng dự đoán trung bình của thị trường (khoảng 6%).
Như vậy, tăng trưởng GDP trong quý này đánh dấu mức tăng trưởng mạnh nhất theo quý kể từ 2011, và được củng cố bởi tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến cố lớn, từ xung đột Nga – Ukraine đến việc phong tỏa tại các thành phố và cảng lớn ở Trung Quốc.
Điều này giúp tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt 6,4% (so với mức 2,0% trong nửa đầu 2021) và theo SSI, sẽ giúp Việt Nam sẽ là một trong số các quốc gia có mức tăng trưởng nổi bật trong năm 2022.