|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguy cơ ẩn đằng sau tăng trưởng toàn phần khả quan của Việt Nam

15:54 | 06/07/2022
Chia sẻ
HSBC cho rằng dù cho tăng trưởng toàn phần rất khả quan, cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam.

Trong báo cáo mới nhất, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC cho rằng sau hai quý tái mở cửa ổn định, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam tiếp tục là một ví dụ nổi trội trong khu vực. Tăng trưởng GDP quý II chạm mốc 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dễ dàng vượt xa những kỳ vọng của thị trường. Trước đó HSBC dự báo ở mức 5,8%, các tổ chức nghiên cứu dự báo khoảng 5,9%.

7,7% cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2011, nhờ vào phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng ở các lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo HSBC, khi phân tích kỹ hơn, một thông điệp ẩn khác cũng đồng thời xuất hiện. Dù cho tăng trưởng toàn phần rất khả quan, cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi

Trong báo cáo, HSBC cho biết thoạt nhìn rất đáng mừng khi chứng kiến lĩnh vực dịch vụ đã có sự tiến triển đáng kể. Nhờ dỡ bỏ những hạn chế quan trọng trong nước và đối với quốc tế vào giữa tháng 3, các lĩnh vực liên quan đến du lịch, đặc biệt là vận chuyển và lưu trú, đã bắt đầu khởi sắc.

Trong khi đó, bán lẻ của quý II đã tăng vọt 17% so với cùng kỳ, dấu hiệu cho thấy tiêu dùng hộ gia đình đã phục hồi trở lại.

 

HSBC đánh giá thành công này phần nào nhờ sự hồi phục dần của thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2,3% trong quý II, trong khi số lượng việc làm tiếp tục tăng gần đến mức trước đại dịch.

Du lịch cũng đang phát triển mạnh mẽ khi mùa hè đến. Các chuyến bay đã lên lịch tại sân bay Nội Bài đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2022, vượt số liệu được ghi nhận ở giai đoạn đầu đại dịch. Tổng cộng trong nửa đầu năm 2022, lượng khách đến Việt Nam đạt 0,6 triệu.

Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu tham vọng thu hút được 5 triệu khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2022, gần đạt mức 30% số du khách của năm 2019. Tuy nhiên, sự phục hồi du lịch có thể sẽ diễn ra từ từ, đặc biệt là do thiếu nguồn khách du lịch Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam đã vượt mức mục tiêu 60 triệu khách du lịch nội địa hàng năm do VNAT đặt ra.

Bên cạnh nhu cầu nội địa phục hồi, sản xuất của Việt Nam đã khẳng định được vị thế dẫn đầu. Tất cả chỉ dấu đều cho thấy sự tăng trưởng sản xuất ổn định.  

Dù phần nào là nhờ vào hiệu ứng cơ sở thuận lợi, sản xuất công nghiệp trong quý II đã tăng lên mức hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Sự thành công này không nghi ngờ gì phần lớn là nhờ vào những lô hàng điện tử xuất liên tục, thể hiện qua những số liệu thương mại.

 

Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong quý II, hơn 20% so với cùng kỳ, trong đó một phần ba là các lô hàng điện thoại thông minh và máy vi tính. Tuy nhiên, hơn thế nữa, ngành dệt may và giày dép, cũng như máy móc, đều ghi nhận sự tăng trưởng phù hợp, chứng tỏ rằng động lực bên ngoài của Việt Nam đang quay trở lại. 

Giá trị nhập khẩu tăng mạnh, một phần do giá cả năng lượng tăng

Tuy vậy, nhập khẩu quý II cũng tăng mạnh, lên mức hơn 15% so với cùng kỳ. Một phần là vì bản chất phụ thuộc nhập khẩu của ngành sản xuất Việt Nam. Ví dụ, các nguyên vật liệu điện tử chiếm gần 40% sản lượng nhập khẩu trong quý II.

Theo HSBC, là một nhà nhập khẩu ròng năng lượng, ngày càng rõ ràng rằng giá năng lượng leo thang kéo theo gia tăng các hóa đơn năng lượng của Việt Nam. Biểu đồ dưới đây cho thấy sự tác động rõ ràng: nhập khẩu hàng hóa đã nhảy vọt trong năm nay.

 

Báo cáo của HSBC cho biết với những nguyên nhân trên, trong quý II thâm hụt thương mại của Việt Nam là 0,6 tỷ USD, từ mức thặng dư 1,5 tỷ USD trong quý I. Điều này có thể khiến tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt trầm trọng hơn.

Kể từ quý II/2021, lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam đã dần bị xói mòn, khi mức thặng dư ngày càng giảm không thể bù lại thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập chính. Sau khi chứng kiến mức thâm hụt 1% GDP trong năm 2021, HSBC cho rằng Việt Nam sẽ bị thâm hụt năm thứ hai liên tiếp, dù mức thâm hụt sẽ ít hơn năm ngoái, có thể chỉ khoảng 0,3% GDP. Điều này sẽ có thể gây áp lực hơn nữa lên đồng VND.  

Một điểm sáng giúp Việt Nam có thể tự vệ trước những rủi ro bên ngoài chính là dựa vào nguồn FDI ổn định, tạo điểm tựa cho cán cân cơ bản. Trên đà động lực, nguồn vốn FDI mạnh có thể bù lại thâm hụt tài khoản vãng lai trong những quý trước. Cụ thể, FDI đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng, phản ánh sự quan tâm và niềm tin vững chắc của nhà đầu tư vào những điều kiện cơ bản bền vững của Việt Nam.

 

Lạm phát bắt đầu lan rộng, NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm mỗi quý từ nay đến quý 3 năm sau  

Theo các chuyên gia của HSBC, mặc dù hiện tại áp lực giá cả của Việt Nam chưa rõ ràng như những quốc gia khác trong khu vực, đà lạm phát vẫn tăng nhanh chóng.  

Lạm phát toàn phần tăng 0,7% so với tháng trước, tương đương với 3,4% so với năm ngoái, vượt khỏi dự báo của HSBC và thị trường. Tương tự những tháng trước, lạm phát vận chuyển cao vẫn đóng vai trò chủ đạo, tăng 3,6% so với tháng trước. Giá xăng đầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng, đạt mức cao kỷ lục.   

Lạm phát lương thực, tăng 0,8% so với tháng trước. Điều này phần lớn phản ánh tác động mạnh mẽ của chi phí năng lượng leo thang đối với lạm phát lương thực, khi giá cả của các mặt hàng tăng trên diện rộng bao gồm thịt, trứng và rau củ, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.

Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã bắt đầu lan rộng. Lần đầu tiên trong gần 2 năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu trong nước tiếp tục tăng.   

Do giá dầu thế giới tăng, HSBC tin rằng áp lực lạm phát sẽ gia tăng và dự báo rằng lạm phát năm 2022 sẽ ở mức trung bình 3,5% - thấp hơn mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra.  Áp lực giá sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2022.

Dựa vào các dự báo lạm phát, HSBC cho rằng lạm phát sẽ có thể vượt qua mức 4% kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023, đòi hỏi NHNN cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.

NHNN có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản từ quý III, và tăng thêm 50 điểm cơ bản mỗi quý cho đến quý III/2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6,5%.     

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Đào

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.