|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

IMF: Lạm phát của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với trần lạm phát của ngân hàng trung ương

10:56 | 06/07/2022
Chia sẻ
Mặc dù lạm phát đang tăng trong thời gian gần đây do giá hàng hóa tăng và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng, nhưng tỷ lệ lạm phát hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với trần lạm phát của ngân hàng trung ương.

Ban Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết với đà phục hồi kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP thực tế 6% năm 2022 và 7,2% năm 2023, theo tin từ TTXVN.

Nói về vấn đề hiện tại của kinh tế Việt Nam, Ban Điều hành IMF cho rằng sự phục hồi của thị trường lao động ở Việt Nam vẫn còn chậm do tình trạng thiếu việc làm vẫn ở mức cao.

Về lạm phát, mặc dù lạm phát đang tăng trong thời gian gần đây do giá hàng hóa tăng và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng, nhưng tỷ lệ lạm phát hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với trần lạm phát của ngân hàng trung ương.  

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều rủi ro, Ban Điều hành IMF kêu gọi Việt Nam hoạch định chính sách một cách linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với đà phục hồi.

Tổ chức này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tài khóa và khuyến nghị Việt Nam điều chỉnh chính sách tài khóa một cách linh hoạt sao cho phù hợp với các điều kiện kinh tế đang phát sinh.

Ngoài ra Việt Nam cần cảnh giác với rủi ro lạm phát. 

 

Đà phục hồi kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam, với doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và số lượng doanh nghiệp thành lập mới đều đang tăng. Quý II, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 7,72% - cao nhất tính từ năm 2011 trở lại đây. Mức tăng khả quan này đã giúp kéo tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2022 lên mức 6,4%. 

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh việc tăng trưởng GDP của Việt Nam cao trong khi lạm phát giữ được ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới và khu vực, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn là kết quả tích cực. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng chỉ tăng nhẹ khoảng 0,12% so với năm trước.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý, ngân hàng trung ương nhiều nước đều đánh giá lạm phát vẫn chưa lên tới đỉnh điểm, trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Điều này đòi hỏi các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm phải rất đồng bộ, xác định rõ mục tiêu ưu tiên rõ ràng, làm tốt công tác truyền thông về vấn đề này.  

Trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết  theo đánh giá của Bộ, lạm phát tại Việt Nam chưa phải là vấn đề quá nóng như các nước châu Âu hay Mỹ. Tuy nhiên, nguy cơ và sức ép là hiện hữu, do vậy phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả để làm sao mức tăng CPI dao động dưới 4% đúng mục tiêu đề ra. 

Hồng Hà