|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PGS.TS Phạm Thế Anh: Số liệu vĩ mô đang bị lạc quan quá mức trong khi thị trường chứng khoán đang phản ánh khá chính xác nền kinh tế

15:24 | 05/07/2022
Chia sẻ
Theo ông Phạm Thế Anh, khó khăn doanh nghiệp và người dân vẫn còn rất hiện hữu chứ không hẳn là tăng trưởng tốt, lạc quan về tương lai như con số tăng trưởng GDP quý II, thị trường chứng khoán là một trong những chỉ số đang phản ánh khá chính xác nền kinh tế hiện nay.

Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố, tăng trưởng GDP quý II/2022 ước đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong giai đoạn 2011 đến nay. Kết quả này giúp nửa đầu năm 2022, GDP tăng trưởng 6,42%. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm cũng chỉ tăng 2,44%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Chính phủ đề ra.

Những con số lạc quan này như một minh chứng rõ ràng cho sự thành công trong quá trình phục hồi kinh tế của cả nước. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những bà nội trợ "than trời" về giá nhiều mặt hàng tăng gần gấp đôi, hay những bác xe ôm xót xa vì giá xăng đã tăng từ hơn 23.000 đồng/lít từ quý II năm ngoái lên tới tận hơn 33.000 đồng/lít,... 

 

Những người lao động bình thường phải bỏ ra thêm một phần thu nhập vốn đã rất ít ỏi của mình để chi tiêu "như mọi khi" dù theo số liệu thống kê, giá cả chỉ tăng hơn 2%.

Ở phạm vi lớn hơn, các doanh nghiệp đang phải bỏ thêm chi phí hàng chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng cho những mặt hàng tăng giá rất mạnh như xăng dầu, phân bón, vật liệu xây dựng,... Điều này gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của họ.

Điều đó đặt ra câu hỏi về sự lệch pha của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô với đời sống thực tế của người dân và liệu những con số có đang phản ánh đúng? Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS).

 Chuyên gia kinh tế PGS. TS Phạm Thế Anh. (Ảnh: NVCC).

- Thưa ông, tăng trưởng GDP quý II/2022 đạt 7,72%, mức tăng kỷ lục trong vòng 10 năm vừa qua. Phải chăng đây là tín hiệu vô cùng lạc quan cho thấy nền kinh tế đã phục hồi sau đại dịch?

Ông Phạm Thế Anh: Theo tôi, mức tăng trưởng GDP quý vừa qua chưa phản ánh đúng thực tiễn, con số này dường như bị “thổi phồng” hơi quá so với thực tiễn khi mà doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. 

Thực tế, nền kinh tế đã có sự hồi phục sau đại dịch COVID-19. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh đã giúp khôi phục hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cả các chỉ số vĩ mô.

Đúng là nền kinh tế có sự hồi phục so với năm ngoái nhưng có lẽ tăng trưởng GDP không đến mức cao như vậy (7,72%). Quý II/2021, Việt Nam cũng chưa hoàn toàn bị phong tỏa, đóng cửa nên quý II năm nay, việc lý giải về khu vực dịch vụ hay nền kinh tế tăng mạnh như vậy thực tế là khá bất hợp lý.

Đặc biệt, so với nền kinh tế thực, khó khăn doanh nghiệp và người dân vẫn còn rất hiện hữu chứ không hẳn là tăng trưởng tốt, lạc quan về tương lai như con số tăng trưởng GDP quý II cao kỷ lục trong vòng 10 năm nay.

- Trong quý III và những tháng cuối năm, tăng trưởng GDP được dự báo như thế nào? Cụ thể là quý III và cả mục tiêu cả năm 2022 liệu có đạt được như kỳ vọng?

Ông Phạm Thế Anh: Trên nền số liệu từ Tổng cục Thống kê, với con số quý II cao như vậy thì tôi cho rằng chắc chắn quý III con số tăng trưởng sẽ còn cao hơn và thậm chí gần đạt mức hai chữ số.

Nguyên nhân là trong quý III năm ngoái, hai “đầu tàu” kinh tế là Hà Nội và TP HCM đều bị phong toả, tăng trưởng GDP rất thấp. Trên nền thấp như vậy, thì tăng trưởng quý III phải xấp xỉ hai chữ số, tăng trưởng 9 tháng sẽ khoảng 7%.

Mặc dù vậy, con số tăng trưởng và nền kinh tế thực đang có sự “lệch pha” nhau. Nền kinh tế hiện còn rất nhiều khó khăn đến từ việc giá xăng dầu leo thang, chi phí nguyên vật liệu gia tăng.

Dần dần những yếu tố này sẽ ngấm vào nền kinh tế, ban đầu doanh nghiệp còn chống chịu được nhưng kéo dài mãi sẽ làm cho các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kể cả trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp,…

Nguy cơ suy thoái của kinh tế châu Âu hay kinh tế Mỹ cũng sẽ làm giảm tốc độ xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này cũng rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. 

- Một yếu tố đáng chú ý nữa là chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng 2,44%, ông đánh giá như thế nào về con số này khi mức tăng trên thực tế của nhiều mặt hàng cao hơn rất nhiều?

Ông Phạm Thế Anh: Số liệu CPI được thống kê dựa trên phương pháp quốc tế, tuy nhiên nhiều người có cảm nhận con số này hiện đang “khác xa” so với thực tế. Nếu như, CPI tăng 2,44% có nghĩa là năm ngoái bạn đi chợ hết 100 nghìn đồng thì năm nay đi chợ chỉ hết 102 hoặc 103 nghìn đồng.

Tuy nhiên, thực tế người dân sẽ không cảm thấy từ sự chênh lệch thấp như vậy. Khi họ chi tiêu, sinh hoạt và duy trì cuộc sống như cũ có vẻ như họ sẽ cảm thấy “đắt đỏ” hơn rất nhiều. Vì vậy, đặt ra câu hỏi rằng CPI liệu có phản ánh đúng thực tế hay không?

Nếu thử so sánh sự khác nhau của tốc độ tăng của GDP theo giá hiện hành (tức là thời điểm hiện tại) với GDP theo giá cố định ta sẽ có được tốc độ tăng giá chung của nền kinh tế.

Theo dữ liệu cung cấp bởi Tổng cục Thống kê thì so với quý trước, GDP theo giá cố định tăng 7,3%, còn GDP theo giá hiện hành tăng ít hơn, chỉ là 7,2%. Điều này có nghĩa là nhìn chung giá cả trong quý II thậm chí còn giảm chút ít so với quý I, khá phi lý.

Nhìn lại cách tính CPI hiện nay, cơ quan thống kê đang sử dụng một rổ hàng hoá và mỗi mặt hàng trong đó sẽ có một quyền số khác nhau (là tỷ trọng của mặt hàng đó trong tổng chi tiêu). Với cách tính toán khác nhau, quyền số khác nhau, kết quả sẽ thay đổi.  

Ví dụ quyền số của mặt hàng xăng dầu hiện là 3,6%, nếu nhân với tốc độ tăng giá 51,83% thì sẽ được đóng góp 1,87 điểm % trong CPI. Tuy nhiên, đây chỉ là đóng góp trực tiếp của mặt hàng xăng dầu, cụ thể là việc người dân chi tiêu cho đổ xăng xe, phương tiện.

Thực chất, tác động mạnh mẽ, bao trùm của mặt hàng này nằm ở phần gián tiếp. Xăng dầu tăng giá làm tăng giá cả của các mặt hàng khác trong rổ hàng hoá. Khi người dân đi du lịch, ăn uống,… sẽ thấy ngay các dịch vụ này đều tăng giá. Xăng dầu làm tăng giá cả của vé máy bay hay nguyên liệu, thực phẩm khiến chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn. Lý do là các nhà sản xuất phải sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất của họ.

Theo thông lệ quốc tế, các quốc gia như Anh hay Mỹ, họ công bố quyền số của từng mặt hàng cũng như phương pháp tính giá của từng mặt hàng nhưng tại Việt Nam thì chưa công bố chi tiết nên khó đánh giá được mức độ chính xác ra sao.

- Thị trường chứng khoán dường như lại đi ngược xu hướng lạc quan của các chỉ số vĩ mô, ông phân tích sao về điều này? 

Ông Phạm Thế Anh: Chỉ số chứng khoán gần như không tách rời với nền kinh tế vĩ mô, thậm chí nó phản ánh và đi trước rất nhiều. Hiện tại, tôi nhận thấy thị trường chứng khoán dường như không đi liền với các số liệu thống kê vĩ mô còn với nền kinh tế thực thì vẫn phản ánh khá chính xác.

Nhìn vào thực tiễn 6 tháng đầu năm, tất cả các chỉ số đều đang có xu hướng xấu đi, tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu chậm lại hay chi phí sản xuất tăng cao như xăng dầu, nguyên vật liệu, phân bón, thức ăn chăn nuôi,… Điều này làm xấu đi các triển vọng của các doanh nghiệp.

Tất nhiên, với một số ngành kinh doanh các mặt hàng đó thì họ có thể đầu cơ hoặc hưởng lợi từ việc tăng giá.

 Chỉ số VN-Index có xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm. (Nguồn: Tradingview).

Nhìn chung việc chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao thì triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp phải thu hẹp lại và thấy rõ ngay xu hướng giá tăng cao làm giảm sức mua của người dân, doanh nghiệp.

Lãi suất cũng có xu hướng tăng. Nếu như giá cả tăng thấp như vậy thì sức ép tăng lãi suất đã không hiện hữu. Việc tăng lãi suất khiến chi phí vốn của doanh nghiệp cũng tăng theo, cộng thêm động thái chính sách thận trọng trong tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng cung tiền của Ngân hàng Nhà nước cao. Điều này dẫn đến triển vọng của thị trường chứng khoán xấu đi. 

Những diễn biến của thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm phù hợp với thực tiễn kinh tế vĩ mô, còn đối với 6 tháng cuối năm, Chính phủ cũng sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề để nền kinh tế thực sự tốt lên, kéo theo thị trường chứng khoán.

- Vừa qua, Bộ Tài chính đã có đề xuất liên quan đến việc giảm 4 loại thuế đối với xăng dầu nhằm hỗ trợ người dân. Những biện pháp hỗ trợ đã được đưa ra, vậy giải pháp nào cũng những biến số nào có thể làm thay đổi tình hình vào những tháng cuối năm?

Ông Phạm Thế Anh: Triển vọng những tháng cuối năm sẽ phụ thuộc vào nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam và những hành động của Chính phủ. 

Những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm thuế phí đánh vào xăng dầu hay các nguyên vật liệu đầu vào cho quá trình sản xuất có được áp dụng một cách nhanh chóng, triệt để hay không? Điều này rất quan trọng.

Bên cạnh đó, nguy cơ suy thoái kinh tế từ bên ngoài, từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam liệu có diễn ra hay không hay xu hướng này chỉ là tạm thời cũng rất quan trọng với kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Liên quan đến chính sách tài khoá của Việt Nam, liệu Ngân hàng Nhà nước có giảm bớt việc siết tín dụng hay không? Trong 6 tháng đầu năm, thị trường rất lo ngại về việc siết tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản hoặc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nếu như vấn đề này không được tháo gỡ thì nguồn vốn sử dụng để phát triển bất động sản của các doanh nghiệp tiếp tục bị bế tắc và kéo theo các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực này.

Một vấn đề nữa là liệu chính sách tài khoá của Việt Nam có thúc đẩy được đầu tư công hay không, tình trạng tắc nghẽn, kéo dài không giải ngân vốn đầu tư công được do lo sợ trách nhiệm liệu đã được cải thiện.

Tất cả những diễn biến này, kể cả việc xử lý thao túng giá, vi phạm liên quan đến phát hành trái phiếu cũng sẽ ảnh hưởng rất nhanh đến thị trường tài chính và sau đó thẩm thấu vào nền kinh tế thực.

Đây vấn đề này chính là những “biến số” với nền kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm. Nếu làm tốt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ hồi phục trở lại, còn nếu làm không tốt sẽ không đạt được kết quả như kỳ vọng. 

Xin cảm ơn ông!

Hạ An