|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

SoftBank và các doanh nghiệp Nhật Bản hạn chế nhân viên sử dụng ChatGPT vì lo ngại rò rỉ dữ liệu nội bộ

09:00 | 13/03/2023
Chia sẻ
ChatGPT đã gây bão toàn cầu kể từ khi ra mắt và cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới. Dù vậy, tại Nhật Bản, một số doanh nghiệp lớn như SoftBank hay Hitachi đã hạn chế việc tích hợp công cụ này trong hoạt động do lo ngại vấn đề bảo mật dữ liệu.

Các công ty Nhật Bản bao gồm SoftBank Corp. và Hitachi đã bắt đầu hạn chế sử dụng các dịch vụ trí tuệ nhân tạo tương tác như công cụ chatbot AI ChatGPT trong hoạt động kinh doanh do lo ngại rò rỉ thông tin và các mối lo ngại khác, theo Asia Nikkei.

"Không nhập thông tin nhận dạng công ty hoặc dữ liệu bí mật", phía SoftBank đã đưa ra cảnh báo với nhân viên vào tháng trước về việc sử dụng công cụ chatbot ChatGPT và các ứng dụng kinh doanh khác.

Mặc dù các chỉ dẫn về việc sử dụng các dịch vụ đám mây có tương tác bằng AI đã được áp dụng, nhưng các quy tắc này đã được ban lãnh đạo SoftBank nhắc lại do sự chú ý về những công cụ chatbot, đặc biệt là ChatGPT, đang nổi lên trong thời gian gần đây.

SoftBank có kế hoạch thiết lập các quy tắc chi phối, qua đó cân nhắc hoạt động nào có thể sử dụng công nghệ và những công nghệ nào được phép sử dụng trong hoạt động kinh doanh.

Công cụ chatbot ChatGPT của OpenAI, đơn vị được gã khổng lồ Microsoft hậu thuẫn, có thể thu thập dữ liệu và tạo chương trình dựa trên các hướng dẫn bằng văn bản đơn giản. Điều này có thể giúp cho hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả hơn, qua đó tăng năng suất công việc.

SoftBank hạn chế nhân viên sử dụng ChatGPT. (Ảnh: Asia Nikkei).

Ngày 1/3, nhà phát triển Open AI đã phát hành giao diện lập trình ứng dụng, cho phép các công ty tích hợp ChatGPT vào dịch vụ của họ có tính phí. Nhà phát triển cho biết dữ liệu được thu thập từ dịch vụ này sẽ không được sử dụng để cải thiện hiệu suất.

Tuy nhiên, trang chủ của OpenAI cũng đưa ra dòng thông báo rằng khi dịch vụ được sử dụng miễn phí, "chúng tôi có thể sử dụng dữ liệu bạn cung cấp cho chúng tôi để cải thiện các mô hình của chúng tôi". Trong trường hợp này, thông tin đã nhập, chẳng hạn như các sản phẩm đang được phát triển, có thể được sử dụng để trả lời các câu hỏi của các công ty khác.

Một doanh nghiệp Nhật Bản khác là Hitachi sẽ xem xét việc thiết lập các quy tắc đạo đức mới đối với việc sử dụng AI trong tương tác và liệu dữ liệu có được sử dụng đúng cách hay không. Công ty dự định bổ sung các chỉ dẫn trong bộ quy tắc sử dụng AI, thứ từng được Hitachi thiết lập vào năm 2021.

Tập đoàn công nghệ Fujitsu đã thông báo cho nhân viên vào tháng trước về các vấn đề pháp lý và đạo đức, bao gồm bảo vệ thông tin, liên quan đến ChatGPT và các dịch vụ AI khác. Một đơn vị đã được thành lập để đưa ra quyết định về việc sử dụng AI trong nội bộ doanh nghiệp.

Tháng 2/2022, Fujitsu đã thành lập một văn phòng quản trị để xử lý các vấn đề đạo đức trong quá trình phát triển và sử dụng kinh doanh các sản phẩm tích hợp AI. Doanh nghiệp sẽ cảnh báo nhân viên về những rủi ro của AI thông qua văn phòng này.

ChatGPT đã đạt mốc hơn 100 triệu người dùng vào tháng Giêng, chỉ hai tháng sau khi công cụ chatbot này được phát hành. Microsoft đã chứng kiến số người dùng hàng ngày của công cụ tìm kiếm Bing vượt qua con số 100 triệu lần đầu tiên chỉ một tháng sau khi giới thiệu phiên bản mới tích hợp AI. Việc sử dụng công nghệ này trong các hoạt động của công ty cũng được dự đoán là sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, có những lo ngại xảy ra với nhiều người và công ty khi sử dụng AI. Công nghệ này có thể lan truyền thông tin sai lệch và thúc đẩy rò rỉ dữ liệu, khiến một số công ty cấm sử dụng nó.

Tập đoàn tài chính Mizuho, Ngân hàng MUFG và Ngân hàng Sumitomo Mitsui đã cấm sử dụng ChatGPT và các dịch vụ khác trong hoạt động. Mizuho có các hạn chế để ngăn nhân viên truy cập trang web từ thiết bị đầu cuối làm việc nhằm "ngăn chặn rò rỉ thông tin quan trọng, chẳng hạn như giao dịch khách hàng và tài chính, do nhân viên sử dụng không đúng cách”.

Công ty công nghệ thông tin NEC Corp. cũng cấm nhân viên sử dụng ChatGPT. “Các công cụ tích hợp AI có thể dễ dàng sử dụng trên máy tính cá nhân, khiến nhân viên có thể lơ là và thiếu thận trọng, qua đó gây ra nguy cơ rò rỉ dữ liệu bí mật của doanh nghiệp”, giáo sư Atsuhiro Goto tới từ Viện An ninh Thông tin cho biết.

Ông nói thêm rằng: “Các dịch vụ nên được thử nghiệm bởi một nhóm nội bộ có kiến thức và kinh nghiệm, đồng thời doanh nghiệp cũng nên làm rõ các quy tắc về cách sử dụng và những thông tin nào có thể được nhập vào”.

Panasonic Connect, một công ty thuộc tập đoàn Panasonic Holdings, đã bắt đầu sử dụng AI để tạo tài liệu sau khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn rò rỉ dữ liệu và các vấn đề khác. Để giảm nguy cơ rò rỉ dữ liệu, doanh nghiệp đã ký một thỏa thuận với Microsoft nhằm đảm bảo việc không sử dụng nội dung của Panasonic Connect cho các mục đích riêng. Nhân viên công ty cũng đã được cảnh báo không nhập thông tin cá nhân vào các công cụ tích hợp AI.

Anh Nguyễn