|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup fintech Châu Á là ‘cứu cánh’ cho danh mục đầu tư u ám của SoftBank

21:22 | 17/12/2022
Chia sẻ
Trong vài năm trở lại đây, hoạt động đầu tư startup của SoftBank không còn toàn là màu hồng.

SoftBank từng là một minh chứng thành công cho hoạt động đầu tư vào startup. (Ảnh: Getty).

2022 là một năm đầy khó khăn cho SoftBank và CEO Masayoshi Son. Trong quý III/2022, bộ phận Vision Fund của SoftBank ghi nhận khoản lỗ tới 7,2 tỷ USD. Con số này chỉ có thể chấp nhận được khi so sánh với khoản lỗ kỷ lục 23 tỷ YSD vào quý II/2022.

Ông Son thừa nhận rằng có lẽ ông đã đặt cược vào một số thương vụ đầu tư lớn mà chưa suy nghĩ thấu đáo. Ông tự mô tả mình đã trở nên “hơi mê sảng” trong giai đoạn vàng khi các khoản đầu tư vào startup của SoftBank mang lại kết quả tích cực. Ông Son nói rằng hiện tại ông cảm thấy “xấu hổ và hối hận”.

Nếu có một khoản đầu tư ông Son hối hận nhất ở thời điểm hiện tại thì có lẽ là khoản đầu tư xấp xỉ 100 USD vào sàn giao dịch tiền mã hoá FTX. Một số nhà phân tích nói rằng sự liên quan giữa SoftBank và FTX còn lớn hơn song không đưa được ra bằng chứng. Về phần mình, SoftBank cho biết sẽ xoá bỏ toàn bộ giá trị đầu tư vào FTX.

Bất chấp các khó khăn, quy mô danh mục của SoftBank và việc ông Son tập trung vào mảng fintech ở Ấn Độ vẫn được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến triển vọng dài hạn của Vision Fund.

Đánh cược vào Paytm

Một trong những khoản đầu tư nổi tiếng nhất của SoftBank ở Châu Á là rót vốn vào Paytm (Ấn Độ). Sau khi bán một phần nhr cổ phần Paytm sau khi startup này thực hiện IPO vào tháng 11/2021, SoftBank vẫn đang duy trì khoản đầu tư 800 triệu USD vào công ty này (thấp hơn 42% so với khoản đầu tư ban đầu trị giá 1,4 tỷ USD), theo báo cáo năm tài chính 2022 của SoftBank.

Một trong những điều kiện để Paytm nhận được đầu tư từ SoftBank là startup này cần thực hiện IPO trong khoảng thời gian 5 năm. Về lý thuyết, Paytm có thể đợi đến năm 2024 để làm điều này. Vấn đề là rõ ràng Paytm đang cảm nhận được áp lực từ các nhà đầu tư.

Một năm sau khi IPO, giá cổ phiếu Paytm đang giao dịch ở mức 542 rupee, thấp hơn 66% so với giá trị ở thời điểm IPO. Trước tình hình này, hôm 8/12, Paytm cho biết đang cân nhắc mua lại cổ phiếu của chính mình mà không đưa ra thông tin chi tiết.

Mặc dù Paytm lỗ 644 tỷ rupee (81 triệu USD) trong quý I năm tài chính 2023, công ty này khẳng định đang trên đà đạt lợi nhuận hoạt động trong quý II cùng năm. Paytm cũng có thể đang xin cấp phép hoạt động như một ngân hàng tài chính nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc nó có thể cung cấp tất cả các dịch vụ như một “nhà băng” truyền thống. Đây có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với Paytm khi cho phép nó mở rộng dịch vụ ra bên ngoài mảng thanh toán vốn có biên lợi nhuận thấp.

Các khoản đầu tư khác ở mảng fintech tại Ấn Độ

Bên cạnh Paytm, SoftBank cũng đầu tư vào một số startup fintech Ấn Độ khác với mức độ thành công khác nhau. Trong số này, “kỳ lân” công nghệ tín dụng và ngân hàng Zeta (định giá 1,5 tỷ USD) là một startup đáng chú ý.

Hồi tháng 3, Zeta đạt thoả thianaj với Mastercard để phát hành thẻ với tổng sức mua 60 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Zeto ghi nhận tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trong năm 2021.

Startup bảo hiểm trực tuyến Policybazaar cũng nhận được đầu tư của SoftBank. Mặc dù giá cổ phiếu của công ty mẹ PB Fintech Ltd của Policybazaar đã tăng gần 23% trong phiên chào sàn trên Sở giao dịch Chứng khoán Ấn Độ, giá cổ phiếu đã giảm giá 57% sau đó. Dù vậy, theo báo cáo của SoftBank, khoản đầu tư của nó vào Policybazaar vẫn mang lại lợi nhuận luỹ kế 300 triệu USD trong năm tài chính 2021 và 2022.

Nhiều khoản đầu tư chiến lược

Với điều kiện thị trường biến động, SoftBank không còn có thể “ném tiền” vào bất kỳ startup nào mà ông Son quan tâm nữa. Sự sụp đổ của FTX cũng sẽ khiến SoftBank tiếp cận với vấn đề tiền ảo thận trọng hơn.

Khoản đầu tư vào Funding Societies gần đây của SoftBank là một bằng chứng cho thấy SoftBank đang thay đổi tập trung. Funding Societies là nền tảng tài chính số lớn nhất Đông Nam Á dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Forbes nhận định mảng tài chính B2B không “lấp lánh” như lĩnh vực dịch vụ tài chính bán lẻ. Do đó, chúng cũng không không có tốc độ tăng quy mô nhanh bằng.

Dù vậy, đây có thể là một startup phù hợp đối với SoftBank trong giai đoạn này. Funding Societies là kiểu startup không yêu cầu các khoản chi phí trợ giá liên tục cho người dùng và chi phí marketing khổng lồ để tăng sự đón nhận của người dùng. Lúc này, SoftBank có thể sẽ quan tâm nhiều hơn đến các startup fintech với mô hình kinh doanh bền vững.

Funding Societies hiện tại đang hoạt động tại Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Công ty này đã giải ngân hơn 2 tỷ USD cho các doanh nghiệp siêu nhỏ tính tới thời điểm hiện tại. Việc nhóm doanh nghiệp này vẫn chưa được các ngân hàng phục vụ đầy đủ tại Đông Nam Á mang đến cơ hội lớn cho Funding Societies.

Nam Khánh