|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

SoftBank, Tencent liên tục thoái vốn khỏi các công ty công nghệ hàng đầu thế giới

14:54 | 12/12/2022
Chia sẻ
Các tập đoàn lớn như SoftBank (Nhật Bản), Tencent (Trung Quốc),... đang mạnh tay bán lượng lớn cổ phần nắm giữ lâu năm tại nhiều công ty công nghệ khi các doanh nghiệp này phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Một số tập đoàn lớn trên thế giới đang bán cổ phần tại những gã khổng lồ công nghệ châu Á sau khi nắm giữ chúng trong nhiều năm, một dấu hiệu đáng lo ngại cho các nhà đầu tư sau những gì đã xảy ra từ đầu năm 2022, theo Wall Street Journal.

Trong những tháng gần đây, Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã bán bớt cổ phần trong công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group Holding Ltd. và công ty thanh toán di động Paytm của Ấn Độ. Berkshire Hathaway Inc., công ty của tủ phú Warren Buffett, cũng đã bán bớt cổ phần của mình trong BYD Co., một nhà sản xuất xe điện Trung Quốc mà họ đã sở hữu cổ phần từ năm 2008.

Tencent Holdings Ltd., một gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc trước đó đã tích lũy cổ phần trong hàng trăm công ty công nghệ trên toàn cầu, đang thoái hàng tỷ USD tại nhiều công ty niêm yết. Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của Tencent, Prosus NV, cũng đang cắt giảm số cổ phần lớn của mình trong công ty trò chơi và truyền thông xã hội Trung Quốc.

 Ông lớn SoftBank của Nhật Bản đang thoái vốn tại nhiều công ty công nghệ khác nhau. (Ảnh: WSJ).

Các ông lớn có nhiều lý do để thoái vốn

Jon Withaar, một lãnh đạo tại khu vực châu Á của công ty quản lý tài sản Pictet Asset Management, cho biết: “Có cảm giác như những người thông minh nhất đang rút khỏi thị trường”.

Các doanh nghiệp rút vốn, trong nhiều trường hợp, phải đối mặt với áp lực từ các cổ đông của họ để cải thiện lợi nhuận. Việc thoái vốn từ các khoản đầu tư dài hạn cũng giúp giải phóng tiền để sử dụng hiệu quả và cung cấp một cách đơn giản để đảo ngược các khoản lỗ lớn.

Sau khi SoftBank mất khoảng 23 tỷ USD từ tháng 4 đến tháng 6, Giám đốc điều hành Masayoshi Son cho biết ông đã "hơi ảo tưởng" trong quá trình đầu tư vào các công ty. Sau đó, ông cam kết cắt giảm các khoản đầu tư và quyết định thoái vốn 23 tỷ USD từ lượng cổ phiếu nắm giữ tại Alibaba đã giúp công ty có lãi trong quý III.

Kerry Goh, người sáng lập và CEO của Kamet Capital Partners, một văn phòng đa gia đình, cho biết: “Triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp công nghệ và internet đã không còn lớn như trước”. Ông Goh cho biết các công ty internet Trung Quốc giờ đây phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn và sự giám sát chống độc quyền ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý, điều đó có nghĩa là họ phải tìm cách tăng doanh thu và lợi nhuận một cách tự nhiên thay vì thông qua các thương vụ mua lại như trước đây.

Nhiều tập đoàn lớn có thể tiếp tục thoái vốn trong năm tới

Tencent đã bán lượng cổ phần trị giá 3 tỷ USD tại Sea Ltd, công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee trong năm nay và gần đây cho biết họ sẽ bán thêm lượng cổ phần trị giá 23,2 tỷ USD tại công ty giao đồ ăn Meituan giống như cách họ đã làm với việc bán lượng cổ phần trị giá 16,5 tỷ USD tại nhà bán lẻ JD.com Inc., thông qua khoản cổ tức đặc biệt cho các cổ đông của Tencent.

Chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực công nghệ và phạt Meituan hơn 500 triệu USD vào năm ngoái. John Choi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu internet Trung Quốc tại Daiwa Capital Markets, cho biết việc thoái vốn của Tencent có lý do thương mại cũng như chính trị.

Ông Choi nói: “Những lo ngại về vấn đề chống độc quyền có thể là một trong những yếu tố chính, nhưng không phải là yếu tố duy nhất, vì Tencent cũng phải xem xét các điều kiện thị trường hiện tại và hồ sơ hoàn vốn đầu tư của họ”.

Việc chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định đối với các công ty công nghệ cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. (Ảnh: WSJ).

Steve Chow, nhà phân tích về lĩnh vực internet Trung Quốc tại Agricultural Bank of China International, cho biết các nhà đầu tư hiện đã chuyển sự chú ý sang các công ty khác mà Tencent nắm giữ cổ phần lớn, bao gồm Kuaishou Technology và Pinduoduo Inc.

James Mitchell, giám đốc chiến lược của Tencent, cho biết rằng khi Tencent xem xét phân phối một số cổ phần mà họ nắm giữ cho các nhà đầu tư của mình, họ sẽ xem xét sức mạnh tài chính của công ty, sức khỏe của ngành mà công ty đang hoạt động và lợi nhuận mà Tencent có thể nhận được. Ông cho biết Tencent đã tạo ra tỷ lệ hoàn vốn nội bộ khoảng 30% từ lượng cổ phần tại Meituan.

SoftBank là nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới, nhưng cũng đang có khả năng thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp khác. SoftBank nắm giữ cổ phần trong công ty công nghệ Indonesia GoTo Group và công ty logistics Ấn Độ Delhivery Ltd., cả hai đều được niêm yết trong năm nay. Tập đoàn này đã thoái vốn khỏi nhà môi giới bất động sản trực tuyến Trung Quốc KE Holdings Inc., tạo ra khoản lãi hơn 1 tỷ USD.

Một phát ngôn viên của Prosus cho biết việc công ty bán bớt cổ phần đang nắm giữ tại Tencent không ảnh hưởng đến quan điểm của Prosus đối với Trung Quốc hay Tencent. “Chúng tôi rất tin tưởng vào Tencent và rất lạc quan về triển vọng của doanh nghiệp”, ông nói.

Hình thức thoái vốn đã gây ra sự thất vọng cho các ngân hàng trong năm nay, với nhiều thương vụ lớn nhất được thực hiện thông qua việc bán cổ phần trên thị trường mở hoặc chia cổ tức đặc biệt. Khối lượng giao dịch lô lớn trên toàn cầu tính đến ngày 30/11 đạt mức 61 tỷ USD, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2021, thời điểm tổng giá trị giao dịch lô lớn đạt 185,8 tỷ USD, theo theo Dealogic

Mức độ biến động trên thị trường chứng khoán sẽ là một yếu tố lớn ảnh hưởng đến các quyế định thoái vốn. James Wang, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần châu Á ngoại trừ Nhật Bản tại Goldman Sachs, cho biết: “Thị trường năm nay rất biến động. Nếu bạn là một nhà đầu tư nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu, chẳng hạn như trong quy mô hàng tỷ USD, thì bạn sẽ không muốn chấp nhận rủi ro lớn”.

Ông Wang nói rằng các giao dịch lô lớn, các đợt chào bán tiếp theo và phát hành trái phiếu chuyển đổi có thể tăng trong quý đầu tiên của năm 2023. Điều này sau đó sẽ tạo cơ sở cho việc nối lại các đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) sớm nhất là vào cuối quý II/2023.

Anh Nguyễn